Ngày 28-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển Hoa Kỳ tổ chức công bố báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh(PCI) năm 2018. Ngoài những chỉ số đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh, PCI năm nay dành một thời lượng lớn của báo cáo để làm rõ những tác động của tranh chấp thương mại Mỹ-Trung cũng như những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang gặp phải.
Áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”
Báo cáo PCI 2018 do Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn trình bày nhấn mạnh rằng: Các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang tận dụng cơ hội từ tranh chấp thương mại Mỹ -Trung để nâng cao chất lượng lao động. Bởi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018 thì cũng chính là lúc Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để tạo ra việc làm với mức lương cao cho lao động có tay nghề.
“Việc hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế được nhiều nhà bình luận cho rằng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ và là cú hích để các DN Việt Nam gia nhập các chuỗi giá trị toàn cầu” - PCI 2018 cho hay.
Bởi lẽ khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung xảy ra, các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”. Nghĩa là họ đặt hầu hết các nhà máy trong chuỗi giá trị toàn cầu của họ tại Trung Quốc và duy trì một cơ sở tại Việt Nam như một phương án dự phòng rủi ro tại Trung Quốc và đặt cược vào sự tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.
Khi thực hiện điều này, các DN FDI nhắm đến việc chuyển các mặt hàng mà họ xuất khẩu vào thị trường Mỹ sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế. “Có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang hoạt động tại Trung Quốc đến tìm hiểu về các địa điểm đầu tư tại Việt Nam” - ông Đậu Anh Tuấn trích báo cáo PCI thông tin.
Tuy vậy, khó khăn lại nằm ở chỗ các DN FDI tuyển dụng lao động phổ thông thì dễ nhưng lao động có kỹ năng, các cán bộ kỹ thuật, quản lý, giám sát giỏi lại là… một thách thức.
“Các DN được điều tra cho biết họ sẵn sàng dành trung bình 12% chi phí vận hành cho việc nâng cao điều kiện lao động tại DN” - báo cáo PCI 2018 cho hay và coi đây là sự lạc quan của DN về nền kinh tế Việt Nam.
Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Trong ảnh: Các đại biểu tại lễ công bố PCI năm 2018.
Nhiều DN vẫn phải trả phí bôi trơn
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét PCI 2018 đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. “Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn” - ông Lộc nhận xét.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, 58% DN trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% DN vẫn phải trả chi phí bôi trơn.
“Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% DN cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái DN nhà nước và FDI hơn các DN tư nhân” - ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% DN cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải.
Vì vậy, theo ông Lộc, cần đẩy mạnh xã hội hóa, đẩy mạnh phân cấp, thực hiện định hướng các bộ, ngành tập trung làm thể chế; hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương đang là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho làn sóng cải cách lần thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn