6 Dự án Luật sửa đổi đang được các ĐBQH chuyên trách thảo luận và cho ý kiến có gì mới ?

Thứ sáu - 09/09/2022 02:47
(Phản biện) - Trong hai ngày 7 và 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là những nội dung sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) tới. TC Pháp lý giới thiệu những điểm mới của 6 dự án Luật sửa đổi lần này…
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 6 lấy ý kiến về thẩm tra dự án Luật Thanh tra sửa đổi
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 6 lấy ý kiến về thẩm tra dự án Luật Thanh tra sửa đổi
Luật Thanh tra (sửa đổi): Khắc phục tình trạng thanh tra chồng chéo

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều (trong đó bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với Luật Thanh tra 2010), quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, mô hình các cơ quan thanh tra trong dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện. Về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ và Thanh tra sở.

Dự thảo Luật đưa ra những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc để phân định giữa kiểm tra và thanh tra. Theo đó kiểm tra là hoạt động thường xuyên của Thủ trưởng cơ quan nhà nước. Thanh tra là hoạt động được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (thanh tra đột xuất) hoặc các lĩnh vực, đối tượng được nhận định là có biểu hiện, nguy cơ vi phạm pháp luật thông qua công tác quản lý được xác định trong kế hoạch thanh tra hằng năm. Trên cơ sở nhận thức rõ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra”, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.
Trước đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không duy trì tổ chức Thanh tra huyện. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi): Mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo

Ảnh minh họa
 
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) sửa đổi gồm 4 chương, 54 điều, trong đó bổ sung mới 9 điều; sửa đổi 43 điều và hủy bỏ 7 điều; giữ nguyên 2 điều theo quy định của Luật PCRT 2012. Dự thảo Luật kế thừa và bổ sung mới quy định về đối tượng báo cáo PCRT tại Luật PCRT năm 2012. Theo đó, ngoài các đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo, như các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng … phù hợp với nội hàm khái niệm của FATF và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ, đây là hai hoạt động mới và khung pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động này hiện mới đang trong giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện. Tuy nhiên, đây là những hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do các hoạt động này hầu hết được thực hiện trực tuyến nên các bên tham gia giao dịch có tính ẩn danh cao. Dự thảo Luật bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP), cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ, theo đó tạo cơ sở pháp lý để quản lý về PCRT đối với các tổ chức này ngay khi có khung pháp lý điều chỉnh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin nhận biết khách hàng để phù hợp với pháp luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, theo đó đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết, cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới, dự thảo Luật bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền đối với tất cả các sản phẩm dịch vụ sử dụng công nghệ mới hiện có và trước khi đưa vào sử dụng hoặc kinh doanh.

Tuy nhiên vẫn còn ý kiến khác biệt về sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian báo cáo giao dịch đáng ngờ; phạm vi báo cáo các loại giao dịch; tiêu chí xác định; căn cứ nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ tội phạm trong dự thảo cũng chưa rõ ràng; hay thế nào được coi là “tài sản có nguồn gốc từ tội phạm” ?

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Khẳng định vị thế của người dân

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 07 chương, 74 điều, quy định các nội dung cơ bản như: những quy định chung; thực hiện dân chủ: ở xã, phường, thị trấn, trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thanh tra nhân dân; trách nhiệm tổ chức thực hiện; điều khoản thi hành. Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được xây dựng nhằm thể chế hóa phương châm của Đảng: “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; đặt việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội là trung tâm để nhân dân làm chủ; giải quyết được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội.
Xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khẳng định vị thế của người dân và bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân

Để cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ trên của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật quy định về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn và trong nội bộ cơ quan, đơn vị bằng các các hình thức như: Lấy ý kiến nhân dân, đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin ở cấp xã, phường, thị trấn; quy định về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; quy định về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và giám sát tại doanh nghiệp. Đặc biệt là quy định, người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp…

Tuy nhiên Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (dự thảo) vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, đó là: Khái niệm “lợi ích cộng đồng” được hiểu là những lợi ích như thế nào; ai là người đại diện cho “cộng đồng dân cư” và “cơ chế” bảo vệ như thế nào thì dự thảo Luật không đề cập; nhiều nội dung trong các điều luật dự thảo còn chung chung mang tính khẩu hiệu… 

Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi): Tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó về nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch băng tần để làm rõ trong quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng có quy định giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép.

Ảnh minh họa

Sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng với điều kiện bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng. Bổ sung quy định yêu cầu tổ chức đề nghị cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc khi được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có cam kết triển khai mạng viễn thông và nộp tiền bảo đảm thực hiện cam kết này; khi vi phạm cam kết thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, hoặc bị thu hồi giấy phép, nhằm bảo đảm tần số được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển viễn thông của Nhà nước.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về điều kiện được tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như yêu cầu tổ chức phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông, phải có cam kết triển khai mạng viễn thông sau khi được cấp phép theo quy định (như vùng phủ, chất lượng, tiền đầu tư...); bổ sung quy định điều kiện được cấp lại giấy phép sau khi hết hạn như phải sử dụng có hiệu quả băng tần, kênh tần số đã cấp...

Mặc dù vậy, những nội dung điều luật điều chỉnh còn ý kiến băn khoăn, như: Khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Mở rộng hành vi bị coi là bạo lực gia đình


Dự thảo Luật sửa đổi quy định cha mẹ muốn đăng những hình ảnh của con cái lên mạng xã hội phải được sự đồng ý của người con, nếu không sẽ bị coi hành vi bạo lực gia đình…

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi gồm 6 chương, 62 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều trong Luật năm 2007, xây dựng mới hoàn toàn 17 điều, bỏ 3 điều. So với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành thì dự thảo Luật sửa đổi có nhiều điểm mới. Cụ thể như: Quy định khái niệm “Bạo lực gia đình” là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình. Dự thảo đã bổ sung hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về tình dục với thành viên khác trong gia đình cũng là một hành vi bạo lực gia đình.

Luật hiện hành quy định các hành vi, như: “Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn hại về thể chất, tinh thần” cần được chứng minh mang lại hậu quả nghiêm trọng thì mới được quy kết là hành vi bạo lực gia đình. Trong khi đó, theo  dự thảo Luật sửa đổi (điểm c, khoản 1 Điều 2) chỉ cần xác định là có tổn hại về thể chất và tinh thần thì đã được xem là hành vi bạo lực gia đình. Hoặc tại khoản 4 Điều 4 dự thảo quy định, đối với các hoạt động hợp pháp theo luật định thì các thành viên trong gia đình được quyền tham gia mà không bị sự ngăn cản của gia đình. Ngược lại, nếu ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động hợp pháp sẽ thuộc một trong các hành vi bạo lực gia đình.

Hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi
chưa được sự đồng ý của người có liên quan (đề cập tại khoản 6 Điều 4 dự thảo) cũng được coi hành vi bạo lực gia đình. Chẳng hạn như cha mẹ muốn đăng những hình ảnh của con cái lên mạng xã hội cũng cần phải được sự đồng ý của người con, nếu không sẽ bị coi hành vi bạo lực gia đình. Tại khoản 13 Điều 14 của dự thảo còn quy định hành vi được xem là bạo lực gia đình khi các thành viên gia đình bị kiểm soát tài sản, thu nhập lâm vào tình trạng phụ thuộc tài chính, không tự chủ được thu nhập, tài chính của bản thân người đó…


Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Lấy người bệnh làm trung tâm


Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lấy người bệnh làm trung tâm để nâng cao chất lượng phục vụ

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều. Trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Căn cứ khung giá của Bộ Y tế, HĐND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của UBND cùng cấp. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá.

Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 05 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề. Theo đó nếu sau 05 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề: Đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề; nếu không đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề. Đối với người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh.

Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề như hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định: Cho phép các tổ chức có tên gọi như cơ sở giám định y khoa, trung tâm y tế huyện, viện nghiên cứu có giường bệnh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tên gọi khác được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật này. Dự thảo Luật cũng cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh giới thiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây