Kỳ 2. Thầy nào trò nấy

Thứ bảy - 28/08/2021 21:41
(TVLMP) - Vụ án Trần Dụ Châu là vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước. Vụ này đã được nhà báo Hồng Hà viết trong loạt bài phóng sự điều tra đăng 6 kỳ liền, từ ngày 20/9/1950, trên báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền, cổ động, tranh đấu của Trung ương Mặt trận Liên Việt và Tổng bộ Việt Minh, xuất bản hàng ngày. Đây là một bài học về kiên quyết chống tham nhũng trong bất cứ thời kỳ nào. TVLMP tiếp tục giới thiệu kỳ 2:
Bác Hồ xử tử Trần Dụ Châu. Ảnh minh họa
Bác Hồ xử tử Trần Dụ Châu. Ảnh minh họa
Kỳ 2. Thầy nào trò nấy

Tay chân đắc lực nhất của Châu là Lê Sỹ Cửu, sinh tại một tỉnh miền Trung, kém Châu 10 tuổi. Cửu mồ côi cha mẹ từ năm 8 tuổi. Năm 12 tuổi, hắn ra Móng Cái, đi làm cho một nhà buôn Hoa Kiều; lớn lên tham gia buôn thuốc phiện lậu trên đường Móng Cái – Hải Phòng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cửu trở về miền Trung, vào làm công an, nhưng được ít lâu thì bị đuổi, liền quay ra Bắc. Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cửu gặp và được Châu giới thiệu vào làm ở Ban Vận tải quân giới. Một thời gian sau, lại bị đuổi việc, Cửu lần mò lên Cao Bằng kiếm ăn. Tại đây, tháng 8/1947, gặp lại Châu, Cửu được Châu đưa vào Cục Quân Nhu, làm nhân viên tiếp liệu ở Cao Bằng. Vừa xa Nhà, vừa được Châu che chở, Cửu lộng hành làm bậy, lấy cắp tiền công, ăn tiêu bừa bãi, thường xuyên lui tới các nhà hàng, tiệm hút vùng Cao Bằng.
Nghe được nhiều tiếng xấu về Cửu, Châu vội rút Cửu về Nha, lập ra một tổ chức mới gọi là “Ban Thế phẩm Đay” giao cho Cửu làm trưởng ban. Châu tuyên truyền ầm ĩ rằng, Ban này lo các đồ mặc mùa đông cho bộ đội, từ nay các chiến sĩ ta không phải lo đến cái rét ở rừng núi nữa. Nhưng đây chỉ là một mánh khoé tham ô của Châu : lấy ba phần tư số tiền cấp trên phát cho Ban Thế phẩm Đay, Châu giao cho Cửu đi buôn lậu.
Lê Sĩ Cửu khai trước Ban Kiểm tra của Bộ Quốc phòng : Mỗi khi đi mua vải về cho Ban Thế phẩm, Cửu cho tăng giá thêm từ 20 đến 25 đồng mỗi tấm để lấy tiền đút túi. Trong một chuyến mua vải mộc và vải diềm bâu, Cửu lấy được 50 vạn đồng. Khi xuất kho vải giao cho cơ sở nhuộm, Cửu chỉ tính số tấm, không tính số vuông; cho xẻ đôi những tấm vải dài để nhuộm, khi nhận về kho số vải đã nhuộm, dôi ra 1.225 tấm vải, bỏ túi riêng được 66 vạn đồng. Người bán vải giao hàng tận kho, không tính tiền vận chuyển, nhưng Cửu lại tính với Ban phải trả phí vận chuyển. Khi nhà thầu lĩnh hàng thì phải cung cấp đầy đủ khuy cúc, nhưng Cửu tính với Ban tiền khuy cúc riêng. Với hai thủ đoạn trên, Cửu cũng lấy được 4 vạn đồng.
Cửu cho khắc một con dấu giống dấu của Nha quân nhu để cấp cho một số người buôn lậu, mỗi lần được 2 vạn đồng. Cửu giàu lên nhanh chóng, ăn chơi sa đoạ, sắm được một chiếc thuyền đẹp để gia đình du ngoạn và tổ chức những cuộc dạ hội trên sông. Cửu hối lộ đều đặn theo từng vụ cho Châu, tổng cộng khoảng 40 vạn đồng và nhiều tài sản có giá trị.
Trong Nha, cán bộ nhân viên gọi Châu là “Châu Hổ”, sợ Châu như cọp. Một số cán bộ, đảng viên trong Nha không chịu  để Châu lôi kéo, đã mạnh dạn phê bình Châu. Có người do nói thẳng đã bị Châu đẩy khỏi cơ quan. Những điều tiếng xấu về Châu ngày càng nhiều. Châu gọi đó là “những câu chuyện hàm hồ, soi mói vì ghen ghét”. Tối ngày 27/5/1950, Châu gọi một nhân viên tay sai đến nhà, cho uống rượu, ăn cơm. Rồi Châu đọc cho nhân viên đó viết một bức thư gửi Đại tướng Tổng Tư Lệnh, báo cáo rằng “trong Nha Quân Nhu có một tổ chức gây chia rẽ và phá hoại quân đội ta”.
Nghe tin Cửu bị bắt, Châu chạy đến Cục Quân pháp để “minh oan”, xin cho Cửu tự do. Châu còn báo cáo với Bộ Quốc phòng: “Tôi xin cam đoan nhân viên Lê Sĩ Cửu không ăn cắp một xu nhỏ”. Bộ bác đơn của Châu.

Nguồn https://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/55-nam-nhin-lai-vu-an-Tran-Du-Chau-i10537/
 

Nhân vụ án Trần Dụ Châu
(Xã luận báo Cứu quốc ngày 27/9/1950)
Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ làm nhiều điều bỉ ổi đã bị đưa ra trước Tòa án binh tối cao. Ngay ngày hôm sau, tên phản bội quyền lợi nhân dân ấy đã bị bắn để đền tội của y.
Trong tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt hiện nay, vụ án Trần Dụ Châu có một ý nghĩa lớn lao. Nó làm toàn thể nhân dân bằng lòng và thêm tin tưởng ở chính quyền và đoàn thể nhân dân. Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa. Vụ án này còn làm vui lòng tất cả những cán bộ Quân nhu ngay thẳng, chí công vô tư, đã không để Trần Dụ Châu lôi cuốn.
Nó đã cho chính quyền và đoàn thể ta nhiều kinh nghiệm trong việc dùng cán bộ, giáo dục và kiểm soát cán bộ.
Có người e ngại: Chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ nhưng tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách, hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền, đoàn thể ta. Không! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đấy là một sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn, phê bình những sai lầm của cán bộ, của Chính quyền, đoàn thể vì họ đã hiểu chính quyền, đoàn thể ta là chính quyền, đoàn thể của họ và họ nhất định không tha thứ những kẻ nào đi ngược quyền lợi của họ.
Cái chết nhục nhã của Trần Dụ Châu còn là một lời cảnh cáo những kẻ lén lút đang tính chuyện đục khoét công quỹ của Chính phủ, trục lợi của nhân dân. Tất cả những bọn ấy hãy coi chừng dư luận sắc bén của quần chúng và luật pháp nghiêm khắc của Nhà nước nhân dân!
Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những bọn ấy, những kẻ tham ô, hoang phí, những kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người khác, để tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững vàng.
Đây không phải là việc riêng của Chính phủ, của đoàn thể mà đấy là bổn phận của tầng lớp đông đảo quần chúng nhân dân chúng ta”.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây