Nữ trưởng đoàn thanh tra thoát tội nhận hối lộ dù nhận tiền tỉ

Thứ tư - 22/07/2020 22:26
(TVLMP)- Thay vì tội danh nhận hối lộ với khung hình phạt cao nhất tới tử hình khi mới khởi tố, nữ trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đã được chuyển tội danh khác, nhẹ hơn, hình phạt cao nhất là chung thân.
Bị can Nguyễn Thị Kim Anh
Bị can Nguyễn Thị Kim Anh

 


Như PLO đã đưa tin, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ thành viên đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng vòi tiền xảy ra tại địa phương này.

Theo cơ quan công tố, trong nhóm bị can chiếm đoạt hơn 2,1 tỉ đồng của các doanh nghiệp, riêng Nguyễn Thị Kim Anh (Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, trưởng đoàn thanh tra) phải chịu trách nhiệm với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.

Một điểm rất đáng chú ý trong vụ án này, ban đầu Kim Anh cùng các đồng phạm bị khởi tố về tội nhận hối lộ - theo luật hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng về sau được chuyển tội danh sang lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản - hình phạt cao nhất là chung thân.

Vậy lý do gì khiến cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc thay đổi quan điểm buộc tội với các bị can như trên?

Trong bản cáo trạng, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nhận định Kim Anh biết rõ đối tượng thanh tra theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là UBND huyện Vĩnh Tường. UBND các xã không phải là đối tượng thanh tra và không được thanh tra các dự án công trình do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, với mục đích cá nhân, Kim Anh nhận thấy việc thanh tra đến đơn vị cấp xã  sẽ phát hiện nhiều sai phạm, từ đó nhiều đơn vị sẽ phải nộp tiền theo yêu cầu của đoàn thanh tra để được giảm nhẹ vi phạm. Do vậy, bị can đã tổ chức kiểm tra hơn 160 dự án xây dựng, trong đó rất nhiều dự án vượt ra ngoài phạm vi thanh tra.

Tiếp đó, sau khi nhận được dự thảo biên bản làm việc (bao gồm một số lỗi vi phạm – PV), nhiều nhà thầu vì không hiểu pháp luật, lo sợ bị xử lý nặng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nên đã tới gặp đoàn thanh tra để giải trình.

Lúc này, Kinh Anh cùng đồng phạm không chấp nhận việc giải trình, “lật bài ngửa” yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền nếu muốn bỏ qua vi phạm. Khi trao đổi, Kim Anh đều viết ra giấy hoặc đánh số tiền phải nộp trên máy tính, sau đó xóa đi, rất ít khi nói ra bằng lời để tránh việc bị ghi âm.

Với thủ đoạn trên, cơ quan tố tụng xác định bốn bị can đã chiếm đoạt hơn 2,1 tỉ đồng của các đại diện doanh nghiệp. Việc chiếm đoạt này đều liên quan đến việc kiểm tra các dự án, công trình xây dựng do UBND cấp xã làm chủ đầu tư, không đúng đối tượng thanh tra, và diễn ra sau khi các đơn vị nhận bản dự thảo biên bản làm việc.

“Không có đơn vị nào đưa tiền cho các bị can liên quan đến việc kiểm tra công tác quy hoạch, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và các dự án đầu tư xây dựng do UBND huyện hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư” – cáo trạng của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Cơ quan công tố cho rằng Kim Anh cùng đồng phạm đã sử dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện ép buộc để chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền đặc biệt lớn.

Từ những căn cứ này, VKS truy tố nhóm bị can về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội nhận hối lộ.

Đối với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng, VKS đề nghị tạm giữ và truy thu hơn 1,3 tỉ đồng để trả lại cho các bị hại đã trình báo tới cơ quan điều tra và đã được làm rõ. Hơn 800 triệu đồng còn lại, do không có ai trình báo, chỉ xuất phát từ lời khai của các bị can, không có căn cứ chứng minh, nên VKS đề nghị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Ở một diễn biến khác, khi trả lời về vấn đề nêu trên, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết ban đầu Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội nhận hối lộ.

Dù vậy, quá trình điều tra xác định hành vi của các bị can không cấu thành tội danh này mà liên quan đến hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản. Do đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thay đổi tội danh.

Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định toàn bộ quá trình điều tra vụ án đã được VKSND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm sát, giám sát theo quy định pháp luật.

Theo :   https://plo.vn/phap-luat/nu-truong-doan-thanh-tra-thoat-toi-nhan-hoi-lo-du-nhan-tien-ti-925715.html
 

Sự khác biệt giữa hai tội danh

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1.       Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây