Kỳ án 17 ha rừng do “tác động” của chính quyền?

Thứ sáu - 21/08/2020 02:41
(TVLMP) - 25 năm thắt ruột bám rừng, đổ bao mồ hôi, nước mắt, bà Phạm Thị Lộc bỗng trắng tay khi tình cờ phát hiện ra toàn bộ diện tích đất rừng và tài sản trên đất đã được chính quyền cấp cho người khác. Tìm hiểu câu chuyện và bi kịch của người phụ nữ “muốn tìm đến cái chết để thức tỉnh lương tri của người quen và cán bộ”, chúng tôi cảm nhận được một sự “thiên vị” không nhỏ...
Diện tích đất rừng bà Lộc trồng sắp đến ngày được thu hoạch thì xảy ra tranh chấp
Diện tích đất rừng bà Lộc trồng sắp đến ngày được thu hoạch thì xảy ra tranh chấp

25 năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt trồng rừng

Bà Phạm Thị Lộc, trú tại Tổ dân phố số 11, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Cơ duyên khiến bà rời khỏi quê hương để vào Huế sinh sống là một lời hẹn của người quen - ông Lê Tự Triết - về việc cho đất mà sinh cơ lập nghiệp, gây rừng để rừng nuôi cơm no áo ấm.

25 năm qua, bà Lộc quản lý, sử dụng và khai thác khoảng 17 ha đất và rừng tọa lạc tại Tiểu khu 112, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên -Huế.

Vừa khóc vừa chỉ căn nhà cấp 4 bám sát ven rừng, bà Lộc cho biết: Năm 1995, gia đình bà vào Hương Hồ. Khi đó, rừng còn hoang hóa, rậm rạp, không đường, không điện, không nhà cửa nhưng gia đình bà vẫn động viên nhau để khắc phục mọi khó khăn. Ông Lê Tự Triết khi đó đã yếu, mang trong người nhiều bệnh, có một căn nhà nhỏ lợp bằng giấy dầu cạnh suối. Nhà chỉ đủ một mình ông sinh hoạt nên gia đình bà đã gánh cát ở khe suối lên để đúc bờ lô, xây dựng một căn nhà như hiện nay. “Bao nhiêu năm tháng, tôi đổ sức người, vay mượn ngân hàng và họ hàng để khai hoang, trồng rừng, thuê máy xúc chia lô, làm đường. Người ta thì đi buôn đi bán, còn tôi thì bán mặt cho đất, bán lưng cho rừng. Cắm hết khoảnh này sang khoảnh khác, chăm và chờ cây lên, chăm sóc ông Lê Tự Triết như cha chú trong nhà”, bà Lộc chia sẻ.

         
Rừng 2
 Ngôi nhà gia đình Lộc gánh cát ở khe suối lên để đúc bờ lô, xây dựng nên


Bà Lộc còn cho biết, năm 2008, ông Lê Tự Thành (con ông Triết), trú tại 29 Tôn Thất Tùng, phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế sợ mang tiếng không chăm sóc được bố nên đưa ông Triết về thành phố Huế ở hẳn. Trước khi về thành phố, ông Triết còn dặn gia đình bà cứ chăm chỉ phát rừng, trồng cây, sau này nhà nước sẽ làm sổ đỏ cho gia đình bà.

Đến năm 2009, Nhà nước đắp đập hồ khe ngang, thu hồi một phần diện tích đất nên được bồi thường. Vì phần đất cũng có công của ông Triết cùng vào khai hoang nên gia đình bà đã thỏa thuận theo Văn bản thỏa thuận lập ngày 8/7/2009 được UBND xã Hương Hồ chứng thực với nội dung phân chia cho mỗi người một phần tiền bồi thường.

Phần diện tích còn lại sau khi bị thu hồi gia đình bà trực tiếp quản lý, sử dụng, đầu tư trồng cây trên toàn bộ diện tích. Gia đình ông Triết không đóng góp gì, cũng không có ý kiến gì. Việc gia đình bà độc lập sử dụng diện tích đất rừng, tự mình xây dựng nhà cửa, đầu từ cây giống phủ xanh đất rừng, vay mượn ngân hàng và thuê người dân quanh vùng trồng rừng được bà con xung quanh và trong vùng làm chứng.
 

Không thể phủ nhận công sức khai hoang, trồng rừng
 

Chia sẻ với PV, bà Lộc khẳng định, toàn bộ diện tích rừng đều do gia đình bà khai hoang, sử dụng đất và trồng rừng. Theo qui định của pháp luật, nó thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình bà.

Năm 2011, bà Lộc và ông Triết làm giấy bán đất viết tay, trong đó thỏa thuận ông Triết giao cho bà 2 ha đất tại thửa 35, tờ bản đồ số 01, tổng diện tích khoảng 15 ha. Năm 2014, hai bên tiếp tục làm giấy bán đất, thỏa thuận là bà Lộc được cho thêm 2 ha đất nữa trong thửa 35. Hiện gia đình bà vẫn còn lưu giữ đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc chuyển nhượng này. Đồng thời, để đầu tư cho việc được khai thác 21 năm, bà đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để lo chi phí phát rừng, múc đường, phân lô phòng cháy chữa cháy rừng, trồng cây, thuê người chăm sóc, mua phân bón…

“Năm 2014, tôi phát hiện ông Triết tự ý xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 26 và thửa đất số 35 tại địa chỉ thửa đất nêu trên, trong đó lấn vào phần diện tích mà ông Triết đã cho tôi. Do đó, tôi đã làm đơn khiếu nại, yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông Triết tới UBND thị xã Hương Trà”, bà Lộc nhấn mạnh.

Sau khi giải quyết tranh chấp, bà Lộc và ông Triết đã thỏa thuận là bà được quyền khai thác cây thêm 3 chu kỳ là 21 năm nữa. UBND thị xã Hương Hồ đã ghi nhận ý kiến của gia đình bà và lập Biên bản hòa giải thành ngày 30/10/2014, yêu cầu các bên phải thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận. Tuy nhiên, các thỏa thuận này không được gia đình ông Lê Tự Triết tôn trọng.

Cũng theo bà Lộc, việc thỏa thuận giữa bà và ông Triết đang được thực hiện thì ông Triết mất, anh Thành lại lấy Hợp đồng tặng cho để cản trở gia đình bà khai thác rừng của mình, làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà. Trong khi đó từ trước đến khi ông Triết mất, giữa ông Triết và gia đình bà không xảy ra tranh chấp, gia đình ông Triết cũng không có ý kiến gì. Chỉ đến khi gia đình bà đã đầu tư trồng rừng, có được thành quả để khai thác thì anh Thành mới nảy sinh tranh chấp.

Điều đáng nói, mãi đến thời điểm năm 2016, bà Lộc mới biết UBND thị xã Hương Trà đã cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 140053 ngày 6/10/2015 đối với các thửa đất thuộc diện tích đất nêu trên cho gia đình ông Triết (bố đẻ anh Lê Tự Thành), gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà. Với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, anh Thành đã cản trở việc khai thác cây rừng, trồng rừng của bà Lộc. Đồng thời, khởi kiện bà Lộc về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Hiện, vụ án đang được TAND thị xã Hương Trà tạm đình chỉ.

Lau nước mắt, bà Lộc không giấu được đau đớn: Lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ quẩn đến mức mua cho mình cả chục lít xăng để bỏ lại tất cả. Tôi cũng đã dặn dò chị em của mình để mắt đến con cái tôi. Nhưng được mọi người động viên, tôi lại gượng dậy để gửi đơn đến các cơ quan trung ương và địa phương để kêu cứu. Tôi tin rằng, dù cán bộ cố ý làm ngơ trước quyền lợi của tôi thì sự thật chỉ có một, công sức của tôi, mồ hôi của tôi đã đổ xuống rừng không thể nào hóa thành hư không được.

Trao đổi nhanh với phóng viên báo Thanh tra, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định: Đúng là không thể phủ nhận công sức của bà Lộc trong việc trồng rừng, khai thác đất rừng. Diện tích rừng hiện nay là công sức của bà Lộc. Tuy nhiên, trong câu chuyện giải quyết khiếu nại của bà Lộc, chúng tôi không thể giải quyết được câu chuyện quyền lợi đó mà chỉ có thể hướng dẫn bà Lộc ở một qui trình khác để đảm bảo quyền lợi của mình.

Quy trình đó là gì? Vì sao việc giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang vấp phải sự phản ứng của người dân? Và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải quyết khiếu nại của bà Lộc như thế nào?

Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc.

Theo https://thanhtra.com.vn/khieu-nai-to-cao/ky-an-17-ha-rung-do-tac-dong-cua-chinh-quyen-167676.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây