Kỳ án xuyên thế kỷ (kỳ 1)

Thứ tư - 05/08/2020 03:19
(TVLMP) - Có lẽ trong lịch sử truy nã tội phạm của Công an tỉnh Lào Cai, “người rừng Ma Seo Chứ” trở thành một cái tên đặc biệt nhất và chuyên án kéo dài tới 12 năm này được coi là kỳ án xuyên thế kỷ.
Ma Seo Chứ
Ma Seo Chứ

 

Ngót 10 năm đã trôi qua, giờ đây liên quan đến cái tên Ma Seo Chứ đang thụ lý bản án chung thân vì tội giết người cướp tài sản, tàng trữ vũ khí quân dụng.

Thế nhưng chặng đường lẩn trốn hơn 20 năm trong rừng sâu, vách đá cheo leo của Ma Seo Chứ vẫn khiến nhiều người khó tin, cho rằng nhân vật “người rừng” chỉ là sự tưởng tượng.

TỪ PHÓ CHỦ TỊCH NĂNG NỔ

Ma Seo Chứ (SN 1954), là người dân tộc Mông sống tại bản Phìn Chư 1, xã Nàn Sín, huyện Bắc Hà, tỉnh miền núi Lào Cai. Tuy sinh ra trong một gia đình đông con và lại là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng vốn thông minh sáng dạ, Chứ được cha mẹ cho ăn học đầy đủ.

Chính vì vậy mà khi lớn lên, Chứ trở thành một trong những người biết nhiều chữ nhất bản làng. Giữa núi rừng bạt ngàn, Chứ thuộc rừng như lòng bàn tay, leo núi, săn thú giỏi vào bậc nhất trong vùng.

Năm 1976, khi Chứ tròn 22 tuổi đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đi bộ đội. Sau 5 năm quân ngũ, là một trong số ít người được học nhiều, lại đi bộ đội nên vừa trở về quê hương, Chứ đã được mời làm Phó chủ tịch xã Nàn Sín, huyện Bắc Hà.

Chứ đã thể hiện được nhiều tư chất của một người cán bộ có tài, có trách nhiệm với công việc, trở thành một tấm gương điển hình của bà con dân bản.

Năm 1985, lãnh đạo huyện Bắc Hà thời điểm đó đã muốn đào tạo Chứ thành một cán bộ nguồn để gây dựng cơ sở tại địa phương, được cơ cấu lên chức Chủ tịch xã để có nhiều cơ hội cống hiến cho nhân dân, chính quyền.

Tuy được sự ủng hộ của lãnh đạo huyện cũng như sự mong mỏi của đồng bào ở xã, nhưng Chứ đã từ chối vị trí Chủ tịch xã. Chứ nói với mọi người rằng, mình được quân đội đào tạo nên chỉ muốn làm công việc nào liên quan đến quân sự.

Thỏa theo ý nguyện đó, Chứ đã được nhận chức Xã đội trưởng Nàn Sín và trở thành một trong những người Xã đội trưởng có tài bậc nhất của huyện Bắc Hà thời điểm đó... Cuộc sống của gia đình Chứ với vợ và 4 người con trôi qua trong yên ả và sự ca ngợi của bản làng.

Nhưng trong một buổi tối định mệnh vào tháng 9-1990, cuộc đời của Ma Seo Chứ đã bất ngờ rẽ lối.

Tối hôm đó, gần nhà Chứ có một gia đình tổ chức cúng ma rất lớn cho người nhà vừa mất. Theo phong tục người Mông, nghi thức cúng ma vô cùng quan trọng. Sau khi đưa tiễn người chết được 3 ngày, gia đình sẽ tổ chức các nghi thức cúng ma để linh hồn được siêu thoát.

Trong buổi lễ, con cháu họ hàng sẽ tập trung tất cả lại để cúng lễ và ăn uống. Thế nhưng, Chứ không tham dự buổi lễ cúng ma vì hôm đó phải lên xã để trực công việc.

Trở về nhà lúc hơn 10 giờ đêm, thời điểm này đám cúng ma nhà hàng xóm cũng đã xong xuôi. Chứ vào tới cổng thì thấy một bóng người đang đứng trước cửa nhà mình nên cất tiếng hỏi “ai đấy?”.

Tuy Chứ hỏi rất to, nhưng bóng người kia vẫn không lên tiếng. Nghĩ rằng có thể là kẻ xấu định vào nhà để ăn trộm, Chứ lập tức chạy lại gần và tát mạnh vào mặt người kia. Bị tát, người kia bỗng bỏ chạy và cũng không nói bất kỳ câu nào.

Và Chứ đã thức cả đêm để đề phòng người xấu kia quay lại. Khi nói chuyện với người nhà, Chứ mới biết rằng người vừa bị mình tát kia chính là thầy phù thủy chuyên làm lễ ma khô rất mưu mẹo, được gia đình có đám tang mời về cúng ma.

Lúc đó, Chứ bỗng nhiên sợ hãi khi tin rằng ông thầy phù thủy sẽ tìm cách trả thù, nên nghĩ ngay đến việc phải bỏ trốn để tránh phiền phức.

Ngay trong đêm, Chứ đã thu dọn quần áo, dặn vợ rằng mình lên lán trên rừng ở, cần việc gì cứ lên đó mà tìm, đồng thời xách súng AK cùng lượng đạn Nhà nước cấp, đem trả cho xã rồi bỏ trốn lên rừng...

ĐẾN QUYẾT ĐỊNH ẨN MÌNH TRONG RỪNG SÂU

Người nhà biết chuyện Chứ bỏ lên rừng sống cứ nghĩ chỉ một vài ngày sẽ quay trở về, nên hôm nào cũng mang cơm và đồ dùng lên lán. Khu lán cách nhà tới hơn 15 cây số đường rừng, nên khi Chứ lên đó sống chỉ có người nhà biết.

Được một thời gian, người nhà bắt đầu cảm thấy ngờ vực về việc Chứ bỗng nhiên bỏ lên rừng sống. Mọi người lúc đó đều cho rằng Chứ đã bị ma ám, nên cả gia đình đã lên bắt Chứ trở về nhà để cúng trừ ma.

Chứ dứt khoát không về và cố gắng giải thích cho mọi người về chuyện đã xảy ra rồi khẳng định, rất có thể thầy phù thủy kia sẽ quay lại trả thù. Tuy nhiên, lúc đó không có bất kỳ ai tin những lời giải thích của Chứ.

Do thái độ cương quyết của Chứ nên mọi người tập trung bắt trói Chứ đưa về nhà. Các nghi thức cúng lễ ngay lập tức được diễn ra để đuổi “con ma” đã ám vào Chứ.

Là một người có hiểu biết nên Chứ không tin vào việc cúng lễ đó. Chính vì vậy mà khi cúng lễ đến ngày thứ 3, lợi dụng lúc mọi người mệt mỏi, không cẩn thận, Chứ đã bỏ trốn vào rừng...

Sau khi ra khỏi nhà, Chứ không quay lại khu lán khi trước đã ở vì sợ người nhà lên vây bắt. Chứ băng qua các cánh rừng của huyện Si Ma Cai để tìm đến khu rừng già thuộc xã Thanh Bình, huyện Mường Khương.

Tại đây, do không còn được gia đình tiếp tế nên Chứ phải tự tìm kiếm thức ăn để nuôi sống bản thân. Vốn là người địa phương có khả năng chế tạo các vật dụng, vũ khí thô sơ, bẫy, vật dụng bắt chim thú, thu lượm mộc nhĩ, nấm hương, cây thuốc, mật ong, tự cung tư cấp kiểu người rừng.

Thêm nữa, cứ mỗi tháng Chứ lại mang nấm hương, mộc nhĩ phơi khô mang xuống các phiên chợ bán, trao đổi lấy thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt.

Để sinh tồn nơi rừng thiêng nước độc, trốn tránh những ánh mắt người lạ, bản thân Chứ cũng phải trả giá rất đắt, không ít lần chết đi sống lại, nhiều lần ăn nhầm quả độc, từng đánh nhau với gấu nơi rừng sâu, bị rắn cực độc cắn.

Thế nhưng Chứ vẫn sống sót thần kỳ bằng biện pháp chữa trị rất lạ lùng và không theo bất kỳ một bài thuốc nào.

Chứ chọn những hang nhỏ kiểu hàm ếch cheo leo trên vách núi dựng đứng, 2 đầu đều có cửa, cửa hang thường được che chắn bằng những cây to, trong hang có bếp đun tản khói ra nhiều hướng kiểu sương mù, nhằm tránh bị người đi rừng phát hiện.

Những năm tháng sống hoang dã đã dạy Chứ cách thích nghi với rừng, với thời tiết khắc nghiệt nên Chứ tồn tại như thú rừng. Việc Chứ leo trèo như khỉ giữa rừng thiêng nước độc chừng ấy năm không hề đau ốm, giúp Chứ nhiều lần thoát khỏi sự truy bắt của lực lượng công an.

Nhiều lần, khi lực lượng truy bắt vào tới nơi chỉ thấy đống lửa đốt vẫn còn ấm, nhưng không xác định được đối tượng đi về hướng nào.

Suốt gần 20 năm lẩn trốn, Chứ đã lập hàng trăm căn cứ dọc hơn 80km bờ sông Chảy cực kì hoang vu.

Được rèn luyện trong 7 năm quân ngũ, từng làm chức Tiểu đội trưởng, có nhiều thành tích trong bắt biệt kích, thám báo, ra quân lại làm Xã đội trưởng, được phát súng, lựu đạn để bảo vệ bà con, nên Chứ nắm rất rõ các chiến thuật ẩn mình, phòng thủ, rút lui. 20 năm lẩn trốn, bị truy lùng gắt gao, nhưng Chứ chưa bao giờ đứng trước nguy cơ bị bắt sống.

(Còn tiếp...)

Tác giả bài viết: Theo Công an TP.HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây