Vì sao chưa kê biên biệt thự khúng của ông Chu Ngọc Anh và các quan tham (?!)

Thứ ba - 14/06/2022 23:54
(Phản biện) – Suốt tuần qua dư luận cả nước sốt lên về việc CQĐT có thẩm quyền chưa kê biên ngôi biệt thự khủng của ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN) và các tài sản của các ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế), ông Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN)… vừa bị khởi tố bắt giam do có hành vi sai phạm trong vụ án kit test Việt Á, để đảm bảo thi hành án. Vậy có kê biên hay không kê biên, nếu có đến khi nào sẽ kê biên ? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) và Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP HCM) xung quanh vấn đề này:
Một góc ngôi biệt thự khủng của ông Chu Ngọc Anh ước tính giá trị hiện nay vào khoảng 80-100 tỷ đồng.
Một góc ngôi biệt thự khủng của ông Chu Ngọc Anh ước tính giá trị hiện nay vào khoảng 80-100 tỷ đồng.
Dư luận mong mỏi phải sớm kê biên biệt thự khủng của ông Chu Ngọc Anh để đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước sau khi bị kết án. Bỡi từ thực tế cho thấy, điển hình là vụ án Phan Sào Nam – đánh bạc online nghìn tỷ, nhờ kê biên, phong toả tài sản của các bị can, bị cáo ngay từ giai đoạn điều tra đã giúp thu hồi được phần lớn tài sản cho Nhà nước. Tuy nhiên đến thời điểm này, CQĐT có thẩm quyền vẫn chưa thực hiện việc kê biên, phong tỏa tài sản của các ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và ông Phạm Công Tạc. Chắc chắn là có lý do, xin Luật sư Lê Hoài Sơn có thể cho biết ?

Luật sư Lê Hoài Sơn: Như báo chí đã đưa, ngày 07/6/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ), ông Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, Điều 219 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017; và ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3 Điều 356, BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên, sau khi được Viện KSNDTC phê chuẩn theo đúng quy định của pháp luật. Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước. Điều đó có nghĩa việc kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can (theo quy định tại Điều 126 BLTTHS 2015) sẽ được CO3 Bộ Công an tiến hành, ngay sau khi có căn cứ xác định cụ thể tài sản của Nhà nước bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của chính bị can gây ra.

Vậy đâu là các căn cứ pháp luật không cho phép CQĐT có thẩm quyền thực hiện ngay việc kê biên tài sản của ông Chu Ngọc Anh và các bị can có chức vụ vừa bị khởi tố. Đây có phải là thực trạng chung đang làm khó các cơ quan tiến hành tố tụng hay chỉ là trở ngại nói riêng trong vụ án Việt Á. Đề nghị Luật sư Bùi Phú Tuyên có thể phân tích rõ hơn ?

Luật sư Bùi Phú Tuyên: Có thể nói như vậy, những bất cập trong tố tụng hình sự đang làm khó CQĐT có thẩm quyền trong việc kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án. Cụ thể là các nội dung điều chỉnh tại Điều 128 BLTTHS 2015, trước hết là quy định tại khoản 1: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại”. Được hiểu là kê biên tài sản chỉ áp dụng khi đối tượng bị khởi tố hoặc khi bị đưa ra xét xử. Còn giai đoạn tiền tố tụng, đối tượng bị thanh tra, kiểm tra hoặc trong giai đoạn khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can thì chưa có biện pháp ngăn chặn cụ thể. Đây chính là kẽ hở của pháp luật, tạo ra khoảng thời gian giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản.

Hay như quy định tại khoản 3 Điều luật nói trên, cho phép “kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại”. Pháp luật quy định như vậy nhằm để bảo đảm cho quyền lợi của bị can, bị cáo, nhưng vô hình trung gần như đánh đố cơ quan tiến hành tố tụng. Đó là, phải xác định được biện pháp chế tài dân sự mà tòa án sẽ áp dụng trong tương lai. Cụ thể là phải ước tính mức tiền phạt, tài sản bị tịch thu, số tiền bồi thường thiệt hại rồi mới xác định tài sản cần kê biên và kê biên bao nhiêu để tương ứng với số tiền bị can, bị cáo bị phạt, tịch thu, bồi thường. Muốn xác định giá trị tài sản cần kê biên thì phải yêu cầu định giá tài sản. Mà định giá thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành nhiều thủ tục, trình tự giám định thiệt hại theo quy định pháp luật, mất nhiều thời gian, chi phí, rủi ro cao và ảnh hưởng đến thời hạn tiến hành tố tụng.

Những bất cập nói trên của pháp luật tố tụng hình sự là nguyên nhân làm cho công tác kê biên tài sản của người phạm tội có chức vụ, quyền hạn thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới việc thu hồi tài sản của Nhà nước không đạt hiệu quả như mong đợi. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, liên quan đến nhóm các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đã bị truy tố và xét xử từ trước đến nay, đến cuối năm 2021, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này cũng theo Bộ Tư pháp chỉ mới chiếm 25% số tiền phải thi hành đối với nhóm vụ việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng.


Tòa nhà của ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) nằm trong khu liền kề số 671 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội.

Trong đó, điển hình là vụ Huỳnh Thị Huyền Như, đến nay chỉ mới kê biên thu về cho Nhà nước được 500 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền bị cáo phải sung công quỹ theo bản án là 9.000 tỷ đồng; trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, bị cáo phải bồi thường 122 tỷ đồng, nhưng mới kê biên thi hành án được 31 tỷ đồng. Hay như vụ án Đinh La Thăng, sau 4 bản án, bị cáo buộc phải bồi thường hơn 800 tỷ đồng nhưng dù cơ quan chức năng đã xử lý hết tài sản kê biên cũng chỉ thu hồi được rất ít... Liên quan đến vụ án kit test Việt Á, được biết đến nay CQĐT có thẩm quyền đã tiến hành phong toả, kê biên, thu hồi tài sản bị can và các đối tượng liên quan vụ án với số tiền hơn 1.600 tỉ đồng. Tuy nhiên so với hậu quả mà các đối tượng gây ra trong vụ án, như lời khai của đối tượng đã kiếm lãi khoảng 4.000 tỉ và “bôi trơn” khoảng 800 tỉ đồng (như Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5/2022), thì số tiền thất thoát thu hồi được còn quá ít. Điều đó cho thấy công tác kê biên tài sản đảm bảo thi hành án qua các giai đoạn tố tụng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo tôi còn có một nguyên nhân khác, đó là pháp luật tố tụng hình sự vẫn chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản phi pháp hay có nguồn gốc phi pháp của bị can, bị cáo để có thể áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản. Đối với tài sản chung, nhiều đồng sở hữu thì việc kê biên trong giai đoạn điều tra còn phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai sót hơn và còn phải chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước nếu kê biên, niêm phong không đúng, nên các CQĐT thường không mặn mà và tìm cách đẩy trách nhiệm về cho Cơ quan THA dân sự sau này.

Từ những vướng mắc và bất cập nói trên, theo các Luật sư cần phải làm gì và làm như thế nào để việc kê biên tài sản của các “quan tham” đạt được kết quả như dư luận mong đợi ?

Luật sư Lê Hoài Sơn: Theo tôi, trước hết cần quán triệt sâu sắc đến các cơ quan có thẩm quyền về nội dung Chỉ thị 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về việc yêu cầu các Cấp uỷ, tổ chức Đảng phảirà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội”. Coi đây như một cú hích lớn để cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ xem lại cơ chế chính sách còn vướng mắc để tiếp tục sửa chữa, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hồi tài sản.

Hiểu theo tinh thần Chỉ thị 04 cũng có nghĩa là Ban Bí thư đề cao việc thu hồi lại được tài sản bị thất thoát, tham nhũng, phi pháp là kết quả cao nhất của công cuộc đấu tranh với tội phạm và PCTN. Công cuộc ấy sẽ đạt hiệu quả và toàn diện hơn nếu chúng ta bổ sung để có một hệ thống pháp luật không chỉ hoàn chỉnh mà còn linh hoạt. Nói cách khác, hành lang pháp lý trong việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án cần được quy định đầy đủ, chi tiết để có thể vận dụng linh hoạt ở tất cả các giai đoạn tố tụng và tiền tố tụng (từ lúc nhận tin báo tội phạm đến khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án), chứ không chỉ chờ đến khi kết tội bị cáo như quy định tại khoản 1 Điều 128 BLTTHS 2015; đồng thời nên mở rộng thẩm quyền kê biên tài sản cho cả cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Luật sư Bùi Phú Tuyên: Theo tôi, để tháo gỡ “nút thắt” đánh đố cơ quan tiến hành tố tụng (theo quy định tại khoản 3 Điều 128 BLTTHS 2015), hành lang pháp lý cần được sửa đổi bổ sung theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền được quyền ước tính giá trị tài sản kê biên tương ứng với số tiền, tài sản phạm pháp phải thu hồi trong khung sai số cho phép. Tất nhiên trước khi ước tính phải tham khảo thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước có chức năng về giá.

Từ kết quả thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam - trùm đường dây đánh bạc hàng chục nghìn tỉ (đến nay phạm nhân đã nộp khắc phục được 1.383 tỉ đồng, còn phải thi hành 11 tỉ đồng và 3,5 triệu USD) cho thấy vai trò và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chủ động kê biên tài sản rất quan trọng. Để có cơ sở kê biên được phần lớn tài sản của trùm cờ bạc trong giai đoạn điều tra, truy tố, CQĐT đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để bị can thừa nhận tài sản nghìn tỷ được hình thành từ hành vi phạm tội. Dẫn ra vụ án Phan Sào Nam, tôi muốn kiến nghị pháp luật cũng cần có quy định rõ trách nhiệm kê biên tài sản là của CQĐT và các cơ quan có thẩm quyền khác (nếu mở rộng đến cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán). Coi đây là quy định bắt buộc và gắn liền hệ quả pháp lý đối với trường hợp người có thẩm quyền không áp dụng biện pháp kê biên dẫn đến người phải thi hành án tẩu tán tài sản, giảm hiệu quả thi hành án.

Xin cảm ơn các Luật sư !
 

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây