Vụ vợ chém chết người sát hại chồng: Chịu chết hay tự vệ để sống?

Thứ tư - 13/03/2019 03:07
(NLĐO)- Khi ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh nhưng lại phải tính xem chống trả như thế nào để kẻ trộm không còn gây nguy hiểm nữa lại không khiến hắn bị thương quá nặng thì thật là đánh đố!
Vụ vợ chém chết người sát hại chồng: Chịu chết hay tự vệ để sống?

Vụ 2 người chết ở Cần Giuộc, Long An đến nay Cơ quan CSĐT vẫn đang xem xét từng chứng cứ, lời khai xem trường hợp này có phải là phòng vệ chính đáng hay không, sau đó quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án.

Theo lời khai ban đầu của bà Nguyễn Thúy Hằng (ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), người duy nhất sống sót sau vụ án, khuya 11-3, khi phát hiện chồng bị kẻ gian đột nhập vào nhà đâm chết, bà đã cố bỏ chạy nhưng bị kẻ này truy sát. Trong cơn hoảng loạn, không thể cầu cứu được ai, bà đã chụp dao để trên bàn và phản kháng. Không ngờ đó là nhát dao chí mạng cho kẻ gian.

Như vậy, trong tình huống nguy cấp thay vì im lặng chịu chết bà đã chống trả quyết liệt để bảo toàn mạng sống cho mình. .

Tự vệ chính đáng…

Từ những lời khai ban đầu này, nhiều bạn đọc nhận định bà Hằng đã tự vệ chính đáng và đây là hành động "chống trả cái ác".

Đồng quan điểm, bạn đọc Vũ Bình nhận xét: "Khi người khác mang hung khí đến nhà và giết người thân của mình, vậy mình phải làm sao trước người say máu, nếu xung quanh mình không có ai trợ giúp và phải lựa chọn giữa chịu chết hay tự vệ để sống? Nếu chị ấy không dũng cảm chống trả thì có lẽ đã bị chém chết”.

Bạn đọc Nguyễn Thị Lan cũng nhất trí: "Tên trộm đã ra tay giết chết một mạng người rồi thì người thứ 2 trong nhà chắc chắn hắn cũng sẽ giết luôn. Vì lẽ đó người thứ 2 phải tự vệ để thoát thân. Về việc do phản kháng để thoát thân mà làm cho kẻ thủ ác chết thì thiết nghĩ không vi phạm pháp luật".

Vụ vợ chém chết người sát hại chồng: Chịu chết hay tự vệ để sống? - Ảnh 1.

Nhiều người hiếu kỳ đến theo dõi hiện trường vụ án

Bạn đọc Nguyễn Thức phân tích: "Theo những thông tin trên báo đăng, đến giờ này, thì hành vi của bà Hằng là trường hợp phòng vệ chính đáng. Thứ nhất, kẻ trộm đã đột nhập nhà người khác bất hợp pháp, đặc biệt là vào lúc nửa đêm, gây khiếp sợ cho gia chủ. Thứ 2, thấy chồng đã bị sát hại thì tâm lý hoảng loạn của bà Hằng là không thể tránh khỏi. Bà đã bỏ chạy nhưng bị truy sát, không thể kêu cứu cũng không có ai giúp đỡ thì việc tấn công ngược lại chỉ là tự vệ. Mà là tự vệ chính đáng vì dao là do bà vớ được trên bàn chứ không hề có sự chuẩn bị trước".

… giới hạn là sự đánh đố!

Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận bày tỏ sự đồng thuận trên, nhiều người vẫn không khỏi trăn trở cho số phận của người phụ nữ này trước những quy định của luật pháp. Liệu hành động chống trả của bà Hằng có vượt quá giới hạn về phòng vệ chính đáng hay không?

Bạn đọc Đinh Minh cho rằng: "Cầm vũ khí đột nhập trái phép nhà người khác vào cái giờ trời ơi đất hỡi là mặc nhiên gia chủ có quyền tự vệ rồi. Nên nhớ rằng tâm lý tội phạm khi bị phát hiện thường rất hung hăng, tóm được nó mà chờ đợi công an đến, ai biết chuyện gì sẽ có thể xảy ra trong thời gian đó".

Bạn đọc Vĩnh Thụy cũng trăn trở: "Trường hợp phát hiện có trộm đột nhập nhà, gia chủ có quyền tấn công. Hành động tấn công này là để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt hoặc hành vi tẩu thoát của kẻ trộm. Đây được coi là phòng vệ nhưng phải là phòng vệ chính đáng hay phòng vệ phải nằm trong giới hạn cho phép của pháp luật. Trường hợp của bà Hằng là chống trả xâm phạm đến tính mạng người khác (tên trộm đã chết), nên có phải là phòng vệ chính đáng không còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng nhưng giới hạn nào cho sự phòng vệ chính đáng và không chính đáng thực sự còn quá nhập nhằng".

Trước những ý kiến về giới hạn của phòng vệ chính đáng, bạn đọc Minh Khai bình luận: "Nếu không quyết liệt thì có thể mạng mình, mạng người nhà mình sẽ bị đe dọa, còn quyết liệt kháng cự thì lại dễ dàng rơi vào vòng lao lý. Khi ranh giới sống chết là quá mong manh nhưng lại phải tính xem chống trả như thế nào để kẻ trộm không còn gây nguy hiểm nữa lại không khiến hắn bị thương quá nặng thì thật là đánh đố!".

Bạn đọc Lê Hùng cảm thán: "Trộm giờ có uy lắm, chúng luôn trang bị "hàng nóng" sẵn sàng xả khi bị phát hiện. Chủ nhà ở thế bị động nên luôn bị thiệt. Đánh trong giới hạn cho phép thì không thể nào đánh lại chúng vì nó rất manh động, còn đánh mạnh tay thì mình vướng vào đường tù tội. Chỉ cần pháp luật mạnh tay với loại tội phạm này thì may ra mới yên bình cho xã hội, bắt được tù chung thân không đặc xá thì khi đó chúng mới sợ".

Xung quanh vấn đề trên, bạn đọc Nguyễn Hữu Trí đề xuất: "Luật Việt Nam cần sửa đổi để bảo vệ con người! Xâm nhập gia cư bất hợp pháp là đe dọa tới an toàn của cả gia đình, cần có trừng phạt đủ mạnh để răn đe và hợp tình hợp lý!".

Độc giả Bao Công thẳng thắn bày tỏ: "Tôi bất chợt nghĩ đến vụ chủ tiệm tạp hóa ở Hà Nội phải đi tù 9 năm vì chém bị thương tên trộm. Tôi ao ước luật của Việt Nam giống nước ngoài. Khi người lạ xâm nhập gia cư bất hợp pháp, gia chủ có quyền bắn chết tại chỗ".

Bên cạnh đó, một số bạn đọc cũng bày tỏ hy vọng cơ quan chức năng nhanh chóng có kết luận chính xác về vụ án. "Rất tin tưởng cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ mọi góc khuất của câu chuyện, để đem lại sự công bình cho người sống và cả người chết. Giúp dư luận hiểu thấu đáo bản chất sự việc. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm hơn về việc phổ biến các chế định về phòng vệ chính đáng cho người dân, để có thể phát huy được hết hiệu quả trên thực tế" – bạn đọc Lan Hương nêu vấn đề.

 

Tác giả bài viết: Ý Linh

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây