Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc làm nô lệ tình dục

Thứ hai - 11/03/2019 21:30
Ngày 12/3/2003, Elizabeth Smart (15 tuổi) được tìm thấy tại Sandy, bang Utah (Mỹ), 9 tháng sau khi bị bắt cóc tại nhà riêng.
Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc làm nô lệ tình dục

Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc làm nô lệ tình dục
Brian David Mitchell và vợ Wanda Barzee đã bị cáo buộc bắt cóc, ăn trộm và tấn công tình dục. Mitchell từng làm thuê cho gia đình Smart trong một thời gian ngắn.

Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc làm nô lệ tình dục
Wanda Barzee. (Ảnh: AP)

Vào giữa đêm 5/6/2002, Elizabeth Smart, khi đó 14 tuổi, đã bị bắc cóc khỏi phòng ngủ tại nhà riêng ở khu Federal Heights, thành phố Salt Lake. Kẻ bắt cóc đã cậy cửa sổ, đột nhập vào nhà rồi dùng dao khống chế cô. Em gái của Elizabeth là Mary Katherine, người ngủ chung phòng với cô, là nhân chứng duy nhất trong vụ việc.

Hai tiếng sau khi Elizabeth bị bắt đi, Mary mới thông báo cho cha mẹ biết vì sợ rằng gã bắt cóc có thể quay trở lại nếu cô đánh động mọi người. Ban đầu Mary không thể nhận dạng kẻ tấn công chị gái mình.

Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc làm nô lệ tình dục
Tờ rơi tìm kiếm Elizabeth được dán khắp nơi. 

Elizabeth bị đưa lên một khu cắm trại trong rừng, cách nhà khoảng 5km, đủ gần để cô bé có thể nghe thấy giọng nói của những người tìm kiếm mình vài ngày sau vụ bắt cóc.

Tại đây, Mitchell đã tấn công tình dục thiếu nữ 14 tuổi gần như hàng ngày, đôi khi một ngày vài lần. Wanda Barzee, vợ của Mitchell, đã coi Elizabeth như là nô lệ.

Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc làm nô lệ tình dục
Elizabeth nắm chặt tay mẹ sau khi được giải cứu. (Ảnh: AP)

Hai tháng sau, vợ chồng Mitchell bắt Elizabeth đội tóc giả, mặc quần áo trùm kín mít rồi dẫn cô bé xuống thành phố Salt Lake. Sau đó, họ đã đưa Elizabeth tới San Diego, nơi ba người sống lang thang trong những khu cắm trại và bên dưới những cây cầu.

Cuối cùng, vào tháng 3/2003, cả ba quay trở lại Salt Lake và chỉ vài giờ sau, một số người dân đã nhận ra Elizabeth. Sau khi nhận được tin báo, cảnh sát đã nhanh chóng lần theo manh mối và chặn chiếc xe chở Mitchell, Barzee và Smart.

Hầu hết các cuộc điều tra trước đó của cảnh sát về sự biến mất của Elizabeth đều tập trung vào một nghi phạm khác đó là Richard Ricci. Người này cũng từng làm các công việc lặt vặt cho gia đình Smart. Vào thời điểm điều tra, Ricci đang ngồi tù và phủ nhận có liên quan tới vụ bắt cóc. Mọi nghi ngờ chỉ chấm dứt khi hắn ta chết trong tù vì xuất huyết não vào hôm 30/8/2002.

Đầu tháng 2/2003, Mary Katherine Smart nói với cha mẹ rằng cô tin một người làm thuê cũ của gia đình, tự xưng là Emmanuel, có thể là kẻ bắt cóc Elizabeth và gia đình Smart đã dựa vào thông tin này để thông báo cho các nhà chức trách.

Vào ngày 3/2, gia đình Smart đã tổ chức một cuộc họp báo riêng để tiết lộ ảnh phác họa về Emmanuel vì tin rằng cảnh sát không coi trọng những manh mối mà Mary Katherine cung cấp.

Không lâu sau đó, một người đàn ông đã liên hệ với cảnh sát để thông báo rằng Emmanuel chính là bố dượng của anh ta, tên thật là Brian David Mitchell và anh tin rằng ông ta có thể là kẻ bắt cóc. Vài ngày trước khi tìm thấy Elizabeth, gia đình Smart tiếp tục chỉ trích cảnh sát vì không dốc sức để theo vụ điều tra.

Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc làm nô lệ tình dục
Tổng thống Mỹ George W. Bush chào đón Elizabeth Smart và mẹ cô, bà Lois Smart tại phòng Roosevelt Room vào tháng 4/2003. (Ảnh: Nhà Trắng)

Khi được tìm thấy, Elizabeth tự xưng là Augustine, dường như là theo sự chỉ đạo của Mitchell và không nhận mình là Elizabeth Smart.

Cảnh sát đã đưa cô và những kẻ bắt cóc lên những chiếc xe riêng biệt tới Sở Cảnh sát Salt Lake, nơi Elizabeth được đoàn tụ với gia đình. Ngày 18/3/2003, sau khi Mitchell và Barzee chính thức bị buộc tội, luật sư của Mitchell thông báo rằng thân chủ của ông ta coi việc bắt cóc Elizabeth là một lời kêu gọi từ Chúa.

Mitchell tin Elizabeth là vợ mình và thiếu nữ này đã bị hội chứng Stockholm (thuật ngữ mô tả một trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình) trong suốt 9 tháng. Có lẽ đó chính là lý do tại sao cô không tìm cách trốn thoát mặc dù đã có vài cơ hội.

Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc làm nô lệ tình dục
Mitchell ra hầu tòa. (Ảnh: AP)

Sau này, cảnh sát phát hiện ra rằng Mitchell cũng tìm cách bắt cóc anh em họ của Elizabeth vài tuần sau khi bắt cô bé đi. Mitchell được tuyên bố bị rối loạn tâm thần, không phù hợp để tới phiên xét xử vào tháng 7/2005 và tháng 12/2006. Y ra hầu tòa vào tháng 3/2010 và lãnh án tù chung thân vào tháng 5/2011. Trong khi đó, Barzee bị kết án 15 năm tù.

Ngày này năm xưa: Kỳ án thiếu nữ bị bắt cóc làm nô lệ tình dục
Elizabeth hiện đã có một cuộc sống viên mãn. (Ảnh: AP)

Hiện Elizabeth (31 tuổi) đã kết hôn và có 3 người con. Cô đi khắp nước Mỹ, tham dự các buổi gặp mặt, tổ chức những cuộc vận động cho quỹ từ thiện mang tên Elizabeth Smart để giúp đỡ những trẻ em bị bắt cóc. Tháng 10/2013, cô đã cho ra mắt cuốn hồi ký mang tên "Câu chuyện của tôi" để kể về những nỗi sợ mà cô từng chịu đựng, cho tới quyết tâm nuôi hy vọng và hành trình từ một nạn nhân tới một người đi bênh vực người yếm thế khác.

 

Tác giả bài viết: Sầm Hoa

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây