Ngày 12/3, Mỹ đã hoan nghênh Liên hợp quốc ban hành một báo cáo về việc thực thi các lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Trong một tuyên bố, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cho biết bản báo cáo thường niên "đúng lúc, đầy đủ và phân tích công bằng" nhằm giúp các chính phủ hành động trong khuôn khổ những lệnh trừng phạt và hành xử thận trọng đối với hành vi trốn tránh của nước này.
Ông Palladino nêu rõ: "Mỹ viện dẫn những vi phạm nghiêm trọng đối với lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và tất cả các quốc gia thành viên được hy vọng sẽ thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc quốc tế thống nhất trong thực thi các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục cản trở khả năng của Triều Tiên phát triển những vũ khí trái phép trong chương trình hủy diệt hàng loạt của nước này và gửi thông điệp rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục bị cô lập về kinh tế và ngoại giao cho đến khi phi hạt nhân."
Theo báo cáo trên của Liên hợp quốc, chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên "vẫn còn nguyên" bất chấp việc gia tăng các lệnh trừng phạt trong những năm qua. Cụ thể cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên tại Yongbyon vẫn hoạt động với lò phản ứng công suất 5 megawatt vận hành từ tháng 12/2015.
Báo cáo cũng cáo buộc Bình Nhưỡng thách thức các lệnh trừng phạt thông qua "một sự gia tăng hàng loạt" hoạt động vận chuyển trái phép những sản phẩm dầu khí và than đá giữa các tàu biển.
[Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa]
Liên quan đến chương trình hạt nhân Triều Tiên, ngày 13/3, Tổng Giám đốc cơ quan phụ trách vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Rhee Dong-yeol sẽ lên đường tới Mỹ, tham gia cuộc thảo luận cấp chuyên viên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Theo kế hoạch, ông Rhee Dong-yeol sẽ gặp Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Triều tiên của Mỹ, ông Alex Wong cùng một số quan chức khác để thảo luận về kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai vừa diễn ra cuối tháng Hai vừa qua tại Hà Nội.
Ngoài ra, hai bên cũng đề cập đến mong muốn của Seoul thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều, như mở cửa lại Khu công nghiệp Kaesong và khai thác trở lại chương trình du lịch Núi Kumgang ở bờ biển phía Đông của Triều Tiên.
Về phần mình, Triều Tiên vẫn cam kết chắc chắn tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Uriminzokkiri, một trong những trang tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên, vừa đăng bài viết nêu rõ "lập trường kiên định của Triều Tiên là thiết lập quan hệ mới với Mỹ, xây dựng cơ chế hòa bình vững chắc và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn."
Tuyên bố trên của Bình Nhưỡng có thể được xem là dấu hiệu Triều Tiên đã hoàn thành các cuộc thảo luận nội bộ về cách thức thúc đẩy đàm phán hạt nhân sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai với Mỹ không đạt thỏa thuận.
Giới phân tích cho rằng động thái này của Triều Tiên nhằm gián tiếp truyền đi thông điệp Bình Nhưỡng sẽ không làm cho tình hình xấu đi./.
Nguồn tin: Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn