Vụ cô gái dân tộc Giẻ Triêng 23 tuổi tên là Y Nhiêu bị tra tấn đến thân tàn ma dại là một vụ án như vậy. Hiện cơ quan điều tra thành phố Kon Tum chưa khởi tố vụ án bởi đang chờ thủ tục giám định thương tích, nhưng chỉ cần nhìn thấy vô số vết thương cũ mới chồng chéo trên đầu, trên mặt và trên cơ thể Y Nhiêu, chỉ cần nghe lời kể của cô và đánh giá ban đầu của bác sỹ, đã có thể nhận định việc khởi tố vụ án để điều tra truy tìm hung thủ là hết sức cần thiết.
Theo tôi, kẻ đã đánh đập hay chính xác hơn là tra tấn Y Nhiêu phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) với hàng loạt tình tiết tăng nặng: “dùng hung khí nguy hiểm”; “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”; “phạm tội 02 lần trở lên”; “đối với phụ nữ mà biết là có thai”; “có tính chất côn đồ”. Bên cạnh đó, hung thủ còn có dấu hiệu phạm nhiều tội khác như “tội hành hạ người khác” (Điều 140 BLHS), “tội đe dọa giết người” (Điều 133 BLHS), “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 255 BLHS), “tội môi giới mại dâm” (Điều 328 BLHS).
Nói về vụ Y Nhiêu, thật khó giữ bình tĩnh để phân tích nhận định điều này luật kia. Tôi thực sự bị ám ảnh khi xem clip hai nữ phóng viên phỏng vấn Y Nhiêu. Bằng giọng nhẹ nhàng khúc triết đến kinh ngạc, cô gái dân tộc Giẻ Triêng chậm rãi kể lại bà chủ dùng búa đánh cô và còn nhiều hành động tàn ác nữa mà tôi không dám nghĩ tới. Ngay cả vành tai của cô gái trẻ cũng biến dạng vì những vết sẹo lồi lõm do dao cắt. Và, cái thai trong bụng cô đã được 5 tháng, vì những đòn tra tấn nên cô không thể giữ được... Những vết thương kiểu này không chỉ gây đau đớn về thể xác, nó còn làm biến dạng khuôn mặt, để lại nỗi đau tột cùng trong tâm hồn cô gái đang độ xuân thì.
Tôi cứ liên tưởng đến vụ án cậu bé Hào Anh năm xưa bị vợ chồng chủ đìa tôm tra tấn đánh đập gây thương tích trầm trọng khắp cơ thể giống như Y Nhiêu bây giờ. Cái đìa tôm xa xôi khiến người ta khó phát hiện, còn với Y Nhiêu, vụ việc xảy ra tại thành phố, vì sao suốt thời gian dài, những người chứng kiến, những người gần gũi cô, không ai trình báo chính quyền, công an? Bản thân Y Nhiêu, sao cô không bỏ trốn sớm hơn? Sao cô không nghĩ đến việc đơn giản là chạy ngay sang một nhà hàng xóm gần nhất để tố cáo, để được cứu giúp, bảo vệ?
Khi thử trả lời những câu hỏi trên đây, tôi uất nghẹn hiểu rằng Y Nhiêu đã quá sợ hãi. Kẻ tra tấn đã chiến thắng cô (và có thể còn cả nhiều người khác nữa) cả thể xác lẫn tinh thần. Nghi can là một phụ nữ sinh năm 1979, nghe đâu là đàn chị giang hồ, nghiện ma túy đá, ra trước Công an chưa hết “ngáo ngơ”. Người đàn bà quái đản này nhân danh điều gì, ỷ thế điều gì để hành hạ tra tấn Y Nhiêu như vậy? Có lẽ ngay cả khi vụ án này được đưa ra xét xử và kẻ phạm tội đã bị pháp luật trừng trị, thì vẫn còn nhiều câu hỏi khiến chúng ta phải day dứt.
Một nhà báo hỏi tôi: Với tư cách luật sư, anh có thể giúp gì cho Y Nhiêu? Tôi thích kiểu hỏi thẳng như vậy, và đã trả lời: Tôi sẵn sàng bảo vệ quyền lợi miễn phí cho Y Nhiêu khi vụ án được khởi tố, nhưng có lẽ việc này các luật sư tại Kon Tum thực hiện sẽ thuận lợi hơn. Một cách thiết thực tôi thấy Hội phụ nữ tỉnh Gia Lai (nơi Y Nhiêu cư trú hiện nay) cần có hình thức trợ giúp, bảo vệ Y Nhiêu, chẳng hạn Hội cần thông báo rộng rãi một số tài khoản để những người hảo tâm có thể gởi tặng tiền, giúp Y Nhiêu trả viện phí và bồi dưỡng ăn uống, thuốc men, hy vọng sẽ chữa lành nỗi đau thể xác và tinh thần cho cô.
Chúng ta không thể hờ hững đứng ngoài cuộc. Từ nhà lập pháp, nhà hành pháp đến người dân bình thường, chúng ta cần chung tay góp sức làm một điều gì đó cho Y Nhiêu. Chúng ta không thể để cái ác lên ngôi, không cho phép một vụ việc như thế này tái diễn, phải ngăn chặn nó sớm hơn.
Sẽ như thế nào nếu chúng ta thờ ơ với nhiệm vụ bảo vệ những giá trị cốt lõi và thiêng liêng của trật tự xã hội, đó là danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng Con Người?
Nguồn tin: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn