Ai là người đề nghị nâng điểm thi ở Hà Giang?

Thứ sáu - 20/07/2018 21:06
(PL)- Thông tin về vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang gây chú ý nhiều nhất trong tuần.
Ai là người đề nghị nâng điểm thi ở Hà Giang?

Bên cạnh câu chuyện gian lận điểm thi ở Hà Giang và một số tỉnh phía Bắc, nhiều tuyến bài riêng của Pháp Luật TP.HCM thu hút sự quan tâm, bình luận của nhiều bạn đọc.

6 giây chỉnh điểm: Quá nhanh, quá nguy hiểm

Bạn ThanhTuan góp ý: Chỉ mất sáu giây để chỉnh sửa bài thi từ 1 điểm lên 9 điểm. Cũng có nghĩa là từ học sinh yếu thành học sinh giỏi. Phải nói là hành động này quá nhanh, quá nguy hiểm. Việc bây giờ là cơ quan công an cần làm rõ động cơ của ông Lương này là gì? Vì tiền hay vì thân quen nhờ vả? Ai là người đề nghị, nhờ vả…? Làm rõ những việc này sẽ vạch trần được bản chất sự việc ngay thôi.

Bạn ThanhNguyen đề nghị: Việc nâng điểm này có thể diễn ra nhiều năm ở nhiều địa phương. Bộ GD&ĐT nên có phương án rà soát lại những kết quả thi THPT có dấu hiệu bất thường. Biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng khó cũng phải làm để lấy lại sự công bằng cho các cháu học sinh khác trên cả nước.

Trách ai trong vụ gian lận điểm thi này? - bạn KhaNguyen tự hỏi và trả lời: Đừng vội trách kiểu thi “2 trong 1” này, dù là kiểu thi nào thì yếu tố con người cũng có thể tác động vào được. Vấn đề chính là con người được giao trách nhiệm công việc này.

Khi có thông tin về những điểm thi cao bất thường ở các tỉnh khác như Sơn La, Lạng Sơn, nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc yêu cầu Bộ GD&ĐT thanh tra lại điểm thi của nhiều năm về trước.

Cuối chiều qua, bạn đọc L.A.T và nhiều bạn đọc khác hoan nghênh sự vào cuộc nhanh của cơ quan công an khi đã nhanh chóng khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn tại Hà Giang.
Ai là người đề nghị nâng điểm thi ở Hà Giang? - ảnh 1
 

Taxi dù làm xấu hình ảnh đất nước

Trong tuần, báo Pháp Luật TP.HCM có loạt bài Taxi dù hoành hành trung tâm TP.HCM”.Loạt bài viết phản ánh nạn “chặt chém” du khách bằng việc cân chỉnh đồng hồ tính cước, ma mãnh hơn là việc tài xế taxi dù giở trò đánh tráo tiền của khách trong chớp mắt.

Phần lớn ý kiến bạn đọc lên án hành vi này của các tài xế taxi dù và cũng nhận mình đã từng là nạn nhân của chiêu trò tráo tiền này.

Bạn HoaMai cho biết: Tôi ở miền Tây lên TP.HCM thăm người bạn, khi ở chợ Bến Thành tìm xe về khách sạn tôi đã dính phải chiêu tráo tiền của tài xế như báo đã viết. Tôi cũng đã làm dữ khi bị tráo tiền nhưng cũng không làm lại với kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng” của người tài xế này.

Tệ nạn này diễn ra đã lâu sao các cơ quan chức năng không rốt ráo giải quyết? Đó là ý kiến phản hồi của bạn Nguyễn Đức Sùng. Bạn đọc này cho biết đã bị dính trò này ở khu trung tâm quận 1 cách đây mấy năm rồi. Cả mấy chục chiếc taxi dù chạy nhan nhản ngoài đường vậy mà không cơ quan nào biết, quản lý hay sao?

Bức xúc trước tệ nạn này, bạn ĐoanKhang đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng phải nhanh chóng dẹp bỏ nạn taxi dù này bởi nó đang làm xấu đi hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.

Việc nhiều + kỷ luật cao + lương thấp = Bỏ nghề?

Bài viết “Vì sao thẩm phán, thư ký tòa bỏ nghề?” phản ánh việc từ cuối tháng 10-2017 đến nay, tại TP.HCM đã có 11 thẩm phán, 15 thư ký tòa xin nghỉ việc. Trong đó có người rất giỏi chuyên môn, có người vừa được bổ nhiệm một tháng.

Theo bạn LyNhan, hình như cán bộ ngành tòa án ở TP.HCM không được tăng lương theo cơ chế đặc thù của TP.HCM như các khối sự nghiệp, hành chính khác? Nếu vậy thì đây là điều bất hợp lý, các cấp quản lý chưa thấy hết được vai trò quan trọng của ngành tòa án. Việc nhiều, tính kỷ luật của ngành cao, thu nhập không tương xứng thì bảo sao thẩm phán, thư ký tòa không tính cách khác an toàn hơn.

Dường như là người trong nghề, bạn XuanNguyen bày tỏ tâm tư: Có làm trong nghề mới hiểu, một xã hội mà tất cả đều cào bằng cơ chế, không có cơ chế linh hoạt cho ngành đặc thù thì rất khó cho người thẩm phán, thư ký tòa an tâm làm việc.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, các bạn đọc LeHieu, TrinhDucTam đề xuất cần khuyến khích doanh nghiệp, người dân giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại. Hiện nay có nhiều trung tâm trọng tài nhưng người dân vẫn có tâm lý giải quyết các tranh chấp tại tòa án. Việc cần làm nữa là tăng số lượng thẩm phán nhưng không tăng biên chế ngành. Như vậy công việc sẽ được chia sẻ, số lượng án sẽ giảm, chất lượng được nâng cao.

Học hỏi được điều gì khi trái chuyên môn?

Tuyến bài Doanh nghiệp đài thọ cán bộ sang Nhật tiếp cận hạ tầng đô thị; Chờ bí thư Bình Thuận trị cán bộ xuất ngoại bằng tiền DN… thu hút nhiều bình luận của bạn đọc:

• Đây là căn cứ để thanh tra hoạt động của doanh nghiệp tài trợ tại Bình Thuận. Không tự dưng mà họ lại bỏ cả đống tiền cho quan chức chủ chốt của tỉnh đi chơi. HoangYen

• Giám đốc công an sao đi học về công nghệ hạ tầng biển, nghe nó sai sai sao đó? Công an thì liên quan gì đến hạ tầng khu dân cư ven biển? Có ai giải thích giùm? Nguoinhaque

• Vụ nhận xe sang chưa phải là bài học hay sao mà còn nhận sự đài thọ của doanh nghiệp, không ai cho không ai cái gì hết đâu. QUATSQ

 

Tác giả bài viết: LÊ HUY

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây