Tranh chấp QSDĐ kéo dài 32 năm ở Tuy Phước (Bình Định): Chính quyền nói đúng, Tòa nói sai

Chủ nhật - 22/04/2018 05:47
(PhapluatNews) - Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai hộ gia đình ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước (Bình Định) kéo dài suốt 32 năm qua và được kết thúc bằng một Bản án có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng, Bản án phúc thẩm vừa tuyên xong, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã có đơn đề nghị Chánh án TANDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm…
Tranh chấp QSDĐ kéo dài 32 năm ở Tuy Phước (Bình Định): Chính quyền nói đúng, Tòa nói sai
    
      Thửa đất số 907 (trước đây là thửa 687 có diện tích 264m2, đất ao) và thửa 908 (trước đây là thửa 688, diện tích 234m2, loại đất thổ cư), tờ bản đồ số 3, thị trấn Tuy Phước, tỉnh Bình Định có nguồn gốc do vợ chồng ông Nguyễn Hiệp và bà Trần Thị Kim Ba mua lại của ông Trần Kham từ năm 1965. Theo bà Trần Thị Kim Đính, do thửa đất 687 là đất ao, nên vào ngày 2/2/1972 vợ chồng ông Hiệp đã viết Giấy trích thế một phần thửa đất cho vợ chồng bà để mượn 80.000 đồng san lấp. Sau đó vì không có tiền chuộc lại nên một phần thửa đất 687 đã thuộc về gia đình bà từ năm 1972. Trong khi đó theo ông Nguyễn An Hòa (con ông Hiệp bà Ba) thì sau khi mua 2 thửa đất, cha mẹ ông đã xây dựng nhà ở trên thửa 688, còn phần đất phía sau (thửa 687) tự bỏ tiền san lấp xây dựng nhà máy sản xuất nước đá. Cùng thời gian này vì thương vợ chồng bà Đính (em gái, tản cư, chỗ ở chật chội), nên cha mẹ ông đã cho mượn một phần của thửa đất 687 để làm nhà ở…
                                                                        
Một phần nội dung lá thư và chữ ký được cho là của ông Nguyễn Hữu Thành viết gửi cho ông Nguyễn Hiệp xin tu sửa lại nhà… nhưng không được Tòa xem xét
 
       “Còn việc viết Giấy thế đất mượn tiền là hình thức để đối phó với chính sách của chính quyền vào thời điểm đó, chứ cha mẹ tôi không nhận một khoản tiền nào của gia đình bà Đính”, ông Hòa cho biết thêm. Chính vì không có việc thế đất, nên theo ông Hòa, năm 1975, khi Nhà nước có chủ trương xóa bỏ nhà tranh vách đất thì ông Nguyễn Hữu Thành (chồng bà Đính) đã viết một lá thư có lời lẽ thống thiết gửi cho cha mẹ ông xin được sửa lại nhà và hứa khi nào về quê sẽ trả lại đất. Từ năm 1975 – 1985, lợi dụng gia đình ông Hiệp chuyển về quê sinh sống (nhường chỗ ở cho chính quyền địa phương mượn làm nhà thư viện), bà Đính đã kê khai đăng ký quản lý sử dụng toàn bộ thửa đất 687 và một phần của thửa 688, với tổng diện tích 410m2…

       Tranh chấp giữa hai gia đình xảy ra từ năm 1986. Ngày 8/6/1990, trên cơ sở xác minh kiểm tra của cơ quan có chức năng, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 98/QĐ-UB buộc bà Đính giao trả lại 376m2 đất đã lấn chiếm cho gia đình bà Ba. Theo đó đến năm 1993, gia đình bà Đính đã điều chỉnh đăng ký kê khai quyền sử dụng thửa đất 907 (tức thửa 687), tờ bản đồ số 3 vào Sổ mục kê đất của thị trấn quản lý là 48m2 đất ở; gia đình bà Ba đăng ký kê khai bổ sung vào Sổ mục kê đất đối với thửa 908 (tức thửa 688) và một phần còn lại của thửa 907, tổng cộng diện tích là 435m2. Đến năm 1996, Nhà nước mở rộng QL19, một phần thửa đất số 908 bị ảnh hưởng, theo đó tổng diện tích còn lại của gia đình bà Ba quản lý sử dụng giảm còn 415m2 (trong đó phần đất mà gia đình bà Đính lấn chiếm còn 251,5m2).
                                                                    
Ông Nguyễn An Hòa trên phần đất tranh chấp có nguồn gốc cha mẹ ông mua lại của ông Trần Kham từ năm 1965 đã bị Bản án phúc thẩm tuyên giao cho bà Đính.
 
       Mặc dù tự nguyện điều chỉnh diện tích sử dụng trên Sổ mục kê địa chính nhưng trên thực địa gia đình bà Đính kiên quyết không chịu tháo dỡ vật kiến trúc để giao trả lại 251,5m2 mặt bằng cho gia đình bà Ba, thậm chí còn tiếp tục mở rộng xây dựng trên đất lấn chiếm. Các cấp có thẩm quyền địa phương đã phải vào cuộc bằng nhiều hình thức vận động, thuyết phục, hòa giải, xử phạt hành chính và ban hành quyết định cưỡng chế… kéo dài hơn 20 năm nhưng đều không mang lại kết quả. Ngày 25/5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 số 1792/QĐ-UBND không công nhận nội dung đơn của bà Trần Thị Kim Đính, tiếp tục công nhận các quyết định giải quyết khiếu nại trước đó của Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước là đúng quy định pháp luật. Trước đó tại Báo cáo số 41/BCSTNMT ngày 01/03/2016, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định cho biết: “Diện tích tại thửa đất số 908 tờ bản đồ số 03 không phải là đất trước đây bà Trần Thị Kim Ba viết giấy trích thế mượn tiền. Còn đất tại thửa đất 907 tờ bản đồ số 03 trước đây là đất ao, bà Ba viết giấy trích thế mượn tiền, bà Đính đã bồi trúc xây nhà ở từ 1972, sử dụng ổn định, không ai tranh chấp. Trong quá trình sử dụng tại thửa 907, bà Đính lấn, chiếm đất tại thửa 908 và xảy ra tranh chấp với bà Ba…”

       Quá trình giải quyết khiếu nại của các cấp có thẩm quyền là có cơ sở nên tại Bản án sơ thẩm số 25/2016/HCST ngày 14/12/2016, TAND tỉnh Bình Định đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Kim Đính về việc yêu cầu hủy bỏ các quyết định hành chính. Tuy nhiên đến Bản án phúc thẩm số 122/2017/HC-PT ngày 16/8/2017, TANDCC tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng cáo của bà Đính, sửa bản án sơ thẩm, xử hủy toàn bộ các quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai đối với hai thửa đất 907 và 908 nói trên.

        Bỏ qua chứng cứ quan trọng (?!)

        Cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bà Đính, cấp phúc thẩm cho rằng Giấy trích thế đất mượn tiền của vợ chồng ông Hiệp lập ngày 02/12/1972 là có thật. Do đó sau khi san lấp mặt bằng xong, ông Hiệp không bỏ tiền ra chuộc lại theo thỏa thuận nên vợ chồng bà Đính được trọn quyền sử dụng diện tích đất thế tục. Điều bất thường là cấp phúc thẩm đã bỏ qua chứng cứ lá thư viết tay mà theo ông Hòa đó là của ông Nguyễn Hữu Thành (chồng bà Đính) gửi cho cha mẹ ông vào thời gian sau năm 1975. Trong thư ông Thành thừa nhận vợ chồng ông ở nhờ trên đất của vợ chồng ông Hiệp, nay vì chính quyền không cho phép tồn tại nhà tranh vách ván nên ông ngỏ lời xin được phép tu sửa lại… Lời lẽ trong nội dung lá thư cho thấy, vợ chồng bà Ba vẫn là chủ sở hữu thửa đất tranh chấp, theo đó việc viết Giấy trích thế đất chỉ là hình thức để đối phó với cơ quan có thẩm quyền vào thời điểm đó.
                                                        
Cụ Huỳnh Thắng (88 tuổi) – một trong 3 nhân chứng còn sống đã xác nhận với PV, thông tin trong Biên bản xác minh do Ban TTND huyện Tuy Phước lập năm 1989 là hoàn toàn chính xác.
 
                Ông Huỳnh Thắng, ông Võ Quang, ông Hồ Ngọc Anh: “Sau khi mua lại đất của ông Kham, ông Hiệp bồi trúc cất nhà để ở, còn phía sau cái ao ông Hiệp đổ đất cất nhà máy nước đá và làm giếng nước. Đến năm 1972, gia đình bà Đính tản cư vào ở nhà cha mẹ ở Hưng Nghĩa chật chội nên vợ chồng ông Hiệp thương tình cho ở tạm. Việc viết Giấy trích thế đất là hình thức vì hồi đó ông Hiệp đi cải tạo, sợ Nhà nước thu hồi hết đất không còn chỗ để ở. Hơn nữa gia đình bà Đính quá nghèo làm gì có tiền mà đưa cho ông Hiệp” (theo Biên bản xác minh của Ban thanh tra nhân dân huyện Tuy Phước 24/11/1989).

         Từ tình tiết trên, theo Luật gia Trương Việt Kon Tum (Hội Luật gia tỉnh Bình Định), trong trường hợp này, theo quy định của Luật TTDS 2015 (khoản 2, Điều 102) thẩm phán cần phải ra quyết định trưng cầu giám định lá thư để xác định có phải chữ viết của ông Thành viết ra hay không. Bỡi đây là chứng cứ có thể làm thay đổi bản chất vụ việc, theo đó làm thay đổi quyền kháng cáo của người khởi kiện cũng như quyền lợi của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trước đó trong Công văn 790/UBND ngày 26/7/2017 gửi cho Tòa phúc thẩm, UBND huyện Tuy Phước cũng đã lưu ý lá thư là “cơ sở quan trọng để xác định bà Trần Thị Kim Đính chỉ mượn đất của gia đình ông Nguyễn An Hòa ở tạm”. Đáng tiếc là chứng cứ vô cùng quan trọng đó, Tòa phúc thẩm đã bỏ qua, vì cho rằng lá thư chưa được giám định nên không có căn cứ để xem xét (?).

       Bản án phúc thẩm còn dẫn xác nhận của các nhân chứng ở cùng thôn (gồm ông Huỳnh Thanh Kiểu, bà Lê Thị Hồng Xuân, Lê Văn Mấy, Huỳnh Thị Chín), cho rằng quá trình san lấp thửa đất, vợ chồng bà Đính có thuê người trực tiếp đổ khoảng 200 – 300 xe cát để nâng cao mặt bằng, cất nhà quán. Theo LG Kon Tum, lời làm chứng này không khách quan vì các nhân chứng này là hậu sinh, riêng ông Kiểu là con rể nguyên đơn. Trong khi đó lời trình bày của các ông Võ Quang, Hồ Ngọc Anh, Huỳnh Thắng ở cùng đội sản xuất, sinh cùng thời với ông Thành, ông Hiệp (đã được Ban thanh tra nhân dân huyện Tuy Phước xác lập vào ngày 24/11/1989) có nội dung làm chứng ông Hiệp là người san lấp mặt bằng, lại không được tòa xem xét(?).

       Sau khi Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 98/QĐ-UB, năm 1993 gia đình bà Đính đã tự nguyện điều chỉnh đăng ký kê khai quyền sử dụng thửa đất 907 giảm còn 48m2 đất ở; còn gia đình bà Ba đăng ký kê khai bổ sung đối với thửa 908 và một phần còn lại của thửa 907, tổng cộng diện tích là 435m2. “Như vậy quyền sử dụng đất giữa hai hộ gia đình đã được thiết lập lại ổn định kể từ năm 1993, Luật gia Trương Việt Kon Tum nhận xét: - Việc bà Đính sau đó không tự nguyện bàn giao lại diện tích trên thực tế là thể hiện sự không nhất quán trong tuân thủ pháp luật, lời nói không đi đôi với việc làm. Do đó nếu tuyên trả lại đất cho bà Đính không những trái với đạo lý mà còn đi ngược lại chính sách quản lý đất đai của Nhà nước”.
 
                      Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định): “Việc đánh giá chứng cứ của cấp phúc thẩm chưa toàn diện, biện chứng và không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án... Do đó có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự”.
 
       Bản án phúc thẩm còn cho rằng, năm 2012 gia đình bà Trần Thị Kim Ba cũng đã thương lượng với gia đình bà Đính cắt thêm đất ngang 5m, dài 12m (ngoài diện tích 48m2) nhưng gia đình bà Đính không đồng ý. Tuy nhiên các tài liệu kèm theo vụ án không có thể hiện nội dung này. Trước đó tại Báo cáo số 18/BC-UBND ngày 30/6/2008, do Chủ tịch UBND thị trấn Tuy Phước báo cáo UBND huyện Tuy Phước cho biết, chủ thể thương lượng cắt thêm diện tích đất là gia đình bà Trần Thị Kim Đính chứ không phải gia đình bà Trần Thị Kim Ba…

      Có quá nhiều mâu thuẫn trong các tình tiết phát sinh chưa được làm sáng tỏ. Vì vậy để giải quyết triệt để quyền lợi của nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, theo các chuyên gia luật, cần phải kháng nghị Bản án phúc thẩm để xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm./.                                                                                          

Tác giả bài viết: TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinhdoanh và Phápluật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây