Kể từ khi Mỹ nổ phát súng khai hỏa thương chiến với Trung Quốc cách đây hơn 1 năm, 2 nước liên tiếp áp đặt lên nhau các vòng áp thuế ăn miếng trả miếng và dường như chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mới đây nhất, bắt đầu từ ngày 1/9, Mỹ áp mức thuế mới 15% đối với hàng hóa Trung Quốc bao gồm quần áo, dụng cụ và đồ điện tử. Đợt thuế quan trả đũa của Trung Quốc cũng có hiệu lực, nhắm vào đậu nành, dầu thô và dược phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Mức thuế quan 25% đang áp lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc lẽ ra tăng lên 30% từ ngày 1/10 nhưng được lùi xuống ngày 15/10 như là một "quà mừng" Quốc khánh Trung Quốc của Tổng thống Trump.
Đáp trả, Bắc Kinh cũng áp thuế bổ sung đối với một phần trong số 75 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ vào từ sáng 1/9.
Theo OECD, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây sức ép lớn lên hoạt động đầu tư và niềm tin của các doanh nghiệp, khiến tăng trưởng kinh tế thế giới nguy cơ chạm đáy 1 thập kỷ.
Trong báo cáo mới nhất ngày 19/9, OECD dự báo nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm 2019, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009; mức tăng trưởng năm 2020 được dự báo khoảng 3%. Chỉ 18 tháng trước, tổ chức này còn dự báo mức tăng trưởng 4% cho năm nay và năm tới.
IMF cũng dự báo kinh tế toàn cầu chỉ đạt mức tăng trưởng từ 3% trở xuống, đây được coi là mức “suy thoái”.
IMF cho rằng thuế quan Mỹ-Trung có thể gây mất 0,8% GDP toàn cầu trong năm 2020, và tiếp tục gây thiệt hại trong những năm sau đó.
Với Mỹ
Các mức thuế áp lên Trung Quốc, vốn được mệnh danh là công xưởng toàn cầu, sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty vốn dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho các công ty Mỹ nhiều hơn là các công ty Trung Quốc mà chính quyền ông Trump đang nhắm vào. Cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ gia tăng chi phí cho các ngành công nghiệp Mỹ nhiều khả năng đe dọa các công việc trong lĩnh vực sản xuất mà ông Trump từ lâu nói rằng ông muốn bảo vệ. Và những chi phí cao thêm này cuối cùng cũng đổ dồn lên vai của người tiêu dùng Mỹ.
Đến nay, nông dân Mỹ là một trong những "nạn nhân" lớn nhất của chiến tranh thương mại. Chiến tranh thương mại khiến kim ngạch xuất khẩu của nhiều nông sản Mỹ giảm mạnh, bao gồm trái cây, thịt và ngũ cốc.
Để bù đắp cho xuất khẩu sụt giảm, chính phủ Mỹ đã đưa ra chương trình hỗ trợ 28 tỷ USD cho nông dân, trong đó khoảng 8,6 tỷ USD đã được giải ngân vào cuối tháng 6.
Dầu thô Mỹ cũng nằm trong danh sách bị đánh thuế mới của Trung Quốc.
Các hãng công nghệ Mỹ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi thương chiến. Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ đưa ra hồi tháng 6, thuế quan thương mại khiến lĩnh vực công nghệ Mỹ thiệt hại 1,3 tỷ USD mỗi tháng.
Theo một báo cáo mới đây của JPMorgan Chase, các loại thuế đang được áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc khiến các hộ gia đình Mỹ tốn trung bình 600 USD/năm và con số này sẽ tăng lên 1.000 USD khi Mỹ áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Theo số liệu mới nhất từ OECD, tăng trưởng kinh tế Mỹ bị hạ về 2,4% trong 2019 và 2% trong năm 2020 do ảnh hưởng từ thương chiến.
Với Trung Quốc
Kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% giá trị xuất khẩu của quốc gia này. Giá trị gia tăng từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% GDP của Trung Quốc. Mặc dù nhiều công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc nhưng nếu các căng thăng thương mại không được giải quyết, Trung Quốc sẽ chịu tác động kinh tế trực tiếp lớn hơn Mỹ.
Bản thân tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chững lại trong những năm gần đây. Số liệu mới nhất cho thấy GDP Trung Quốc chỉ tăng 6,2% trong quý II vừa qua, mức thấp nhất kể năm 1992. Việc Mỹ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD càng làm gia tăng thêm căng thẳng. Động thái đã khiến một số công ty Trung Quốc bị tổn thương bởi khoảng 20% hàng xuất khẩu của nước này có điểm đến là Mỹ. Nhưng điều gây hại hơn với doanh nghiệp là họ không biết chắc chắn bao giờ xung đột sẽ chấm dứt.
Hàng loạt các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, mang theo số lượng lớn tài chính và việc làm. Tính tới nay đã có khoảng 400 công ty của Mỹ hoặc liên quan tới Mỹ đã tuyên bố sẽ rút khỏi Trung Quốc. Trong đó có các “ông lớn” như Apple, Foxconn.
Không chỉ các công ty Mỹ, các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã rút khỏi Trung Quốc.
Ông Trump nói cuộc chiến thương mại với Mỹ đã khiến Trung Quốc mất 3 triệu việc làm, và sẽ còn nhiều hơn trong thời gian tới khi các đòn thuế quan ngày càng khốc liệt và gây ảnh hưởng với sản xuất của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ không có cơ sở, thực tế Trung Quốc không có số liệu báo cáo về thương chiến gây ra tỷ lệ thất nghiệp, nhưng các cuộc điều tra kinh tế do hai ngân hàng Trung Quốc thực hiện cho thấy cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng từ 1,2 đến 1,9 triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. Song con số này cũng được cho là không chính xác khi không tính toán được số lao động nhập cư, thường rất lớn.
Kinh tế sa sút, doanh nghiệp khó khăn, thất nghiệp gia tăng… do gánh chịu hậu quả chiến tranh kinh tế với Mỹ đã khiến giới quan sát đánh giá lại mục tiêu năm 2050 của Trung Quốc, hay còn gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” vào giữa thế kỷ 21. Tham vọng biến Trung Quốc thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới vào năm 2050 xem ra khó thành hiện thực nếu chiến tranh kinh tế với Mỹ còn dai dẳng và căng thẳng.
Với Việt Nam
Xét về mặt tích cực, những mặt hàng Mỹ đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc đều nằm trong thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, đây có thể là cơ hội tốt để Việt Nam chiếm lĩnh thị phần. Mặt khác, khi đồng USD tăng giá, NDT giảm giá sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn, vì VND chủ yếu neo theo giá USD. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng có thể tăng lên trong bối cảnh dòng vốn FDI vào các nước bị Mỹ đánh thuế cao sẽ có xu hướng chững lại.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ chịu một số tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc như: Nền kinh tế Việt Nam tuy nhỏ nhưng có độ mở lớn, lại phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác lớn nhất về ngoại thương của Việt Nam. Do đó, khi 2 đối tác lớn xảy ra xung đột sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị hạn chế dẫn tới dư thừa và có thể đổ về thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, bởi vì Trung Quốc phải tập trung tiêu thụ hàng hóa nội địa. Ngoài ra, còn có những lo ngại về khả năng Trung Quốc lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “Made in Việt Nam” để tránh thuế của Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Trung Quốc.
Bên cạnh các tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng tác động mạnh tới thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam. Cụ thể: Đối với TTCK Việt Nam. TTCK Việt Nam sau khi đạt kỷ lục vào tháng 4/2018, đã xuất hiện xu hướng giảm điểm mạnh với việc nhà đầu tư (NĐT) ngoại liên tục rút vốn ròng, bất chấp nền kinh tế đang có những chuyển biến tích cực như: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối cao và dòng vốn FDI vào tiếp tục tăng.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, tỷ giá VND/NDT liên tiếp giảm và mức độ giảm mạnh hơn là kể từ cuối tháng 6/2018. Như vậy, so với NDT, VND đang đắt dần lên, khiến giá cả hàng hóa Trung Quốc tại Việt Nam rẻ hơn, sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc đang tăng lên. Trong bối cảnh đó, nếu để VND mất giá theo tốc độ đồng tiền NDT của Trung Quốc để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế, thì có thể gây mất niềm tin về đồng VND, tăng nguy cơ rút vốn nước ngoài, tác động lên tăng trưởng và lạm phát. Mặt khác, nếu VND tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay, việc xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sẽ gặp khó khăn, nhập khẩu tăng lên, hàng Trung Quốc có thể tràn sang Việt Nam, cán cân thanh toán có thể rơi vào tình trạng xấu hơn…
Tác giả bài viết: MỸ TRUNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn