Một số chuyên viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương được luân chuyển, điều động về làm hiệu trưởng, hiệu phó của các trường trên địa bàn huyện không xin ý kiến và không được sự chấp thuận của Sở Nội vụ Hải Phòng.
Về vấn đề này, ngày 7/4, PV VTC News đã có buổi làm việc với Huyện ủy An Dương để làm rõ những nội dung bạn đọc phản ánh.
Cấp trên làm sai, cấp dưới bị kiểm điểm
Liên quan đến công tác bổ nhiệm 3 phó hiệu trưởng 3 trường THCS vượt chỉ tiêu biên chế theo quy định tại Điều lệ trường THCS và Thông tư liên tịch số 34/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ, ông Hoàng Bích – Trưởng phòng Tổ chức Huyện ủy An Dương thừa nhận thông tin bổ nhiệm ‘thừa’ là chính xác.
Theo ông Hoàng Bích, từ những năm 2014-2015, căn cứ vào nhu cầu sử dụng cán bộ, theo đề xuất của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ, UBND huyện có tờ trình đề nghị với Thường trực Huyện ủy xin kiện toàn, bổ sung các chức danh cán bộ.
Sau khi giao cho các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước theo quy trình, quy định đối với công tác bổ nhiệm cán bộ, Thường vụ Huyện ủy An Dương có nghị quyết đồng ý.
Sau đó, Chủ tịch UBND huyện đã ký quyết định bổ nhiệm 3 hiệu phó tại 3 trường THCS trên địa bàn huyện trong khi những mỗi trường chỉ có 18, 21, 23 lớp.
Theo quy định, các trường phải có 28 lớp trở lên mới được bổ nhiệm 2 hiệu phó. Thời điểm bổ nhiệm thêm hiệu phó, những trường này đã có 1 hiệu phó.
Các quyết định bổ nhiệm nêu trên do ông Phùng Văn Thanh – Nguyên Chủ tịch UBND huyện An Dương ký. Năm 2016, ông Thanh đã lên làm Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng.
Cũng từ việc bổ nhiệm thừa chỉ tiêu biên chế theo quy định, UBND huyện An Dương đã không có văn bản xin ý kiến, không được sự chấp thuận của Sở Nội vụ Hải Phòng theo quy định.
Lý giải về việc bổ nhiệm hiệu phó vượt chỉ tiêu biên chế, ông Hoàng Bích lý giải trường THCS An Dương, với 18 lớp, là trường trung tâm huyện.
Trước năm 2015, UBND huyện An Dương đã từng bổ nhiệm 1 hiệu phó; một hiệu phó chuyên ngành ngoại ngữ nên muốn bổ nhiệm thêm một hiệu phó chuyên ngành xã hội.
Đối với Trường THCS Đại Bản, có 23 lớp, địa bàn đông dân và chia làm 2 khu; hiệu trưởng là giáo viên chuyên toán nên muốn ‘xin thêm’ một hiệu phó chuyên ngành xã hội.
Đối với trường THCS Nam Sơn, do vị hiệu phó là giáo viên dạy giỏi nên huyện muốn quy hoạch, bổ nhiệm tạo nguồn cán bộ.
Cuối năm 2016, thời điểm này ông Phùng Văn Thanh – nguyên Chủ tịch UBND huyện An Dương đã chuyển lên làm Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, sau khi rà soát lại công tác cán bộ để chuẩn bị làm đề án quy hoạch cán bộ giai đoạn mới, Ban Tổ chức Huyện ủy An Dương đã bị Ban thường vụ Huyện ủy “phê bình, kiểm điểm nội bộ” vì đã không làm tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo huyện trong việc bổ nhiệm vượt chỉ tiêu biên chế 3 hiệu phó của 3 trường nêu trên.
“Mình cũng có khuyết điểm bổ nhiệm thừa”, ông Bích phân trần.
‘Người ở lại’ khắc phục hậu quả
Về hướng ‘khắc phục hậu quả’ của việc bổ nhiệm ‘thừa’ biên chế nêu trên, ông Bích cho biết, hiện nay Huyện ủy An Dương đã giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy làm công tác tham mưu cho lãnh đạo huyện lên phương án cụ thể sắp xếp lại công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 3 cán bộ ‘thừa’ biên chế nêu trên.
Việc làm này để đảm bảo đúng, đủ số lượng chỉ tiêu biên chế mỗi trường chỉ có 1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó theo quy định.
Theo đó, đối với trường THCS Nam Sơn, tháng 7/2017, khi hiệu trưởng nhà trường về hưu thì sẽ bổ nhiệm 1 hiệu phó lên thay. Như vậy, trường này sẽ chỉ có 1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó.
Tương tự, đối với Trường THCS An Dương và Trường THCS Đại Bản cũng đã có phương án, hoặc điều chuyển, bổ nhiệm hiệu phó lên làm hiệu trường của trường khác khi hiệu trưởng trường đó về hưu.
Ngoài ra, sẽ xem xét có thể ‘rút’ một hiệu trưởng về công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo và bổ sung nguồn tại chỗ lên thay hiệu trưởng.
Liên quan đến phán ánh, một số chuyên viên của Phòng Giáo dục huyện An Dương được điều động, bổ nhiệm làm hiệu trưởng, hiệu phó của các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện mà không xin ý kiến của Sở Nội vụ Hải Phòng, ông Hoàng Bích cho biết, từ năm 2009 trở về trước thì đúng là huyện phải xin ý kiến của Sở Nội vụ trước khi bổ nhiệm, điều động cán bộ.
Tuy nhiên, theo phân cấp quản lý từ năm 2009 đến nay, những cán bộ thuộc diện Huyện ủy quản lý thì không phải xin ý kiến của Sở Nội vụ Hải Phòng khi làm công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ, trừ trường hợp vượt chỉ tiêu, biên chế theo quy định thì huyện phải xin ý kiến và có sự chấp thuận của Sở Nội vụ.
Nguồn tin: VTC News
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn