Kẽ hở không ngờ của Trump khi ra lệnh oanh tạc tên lửa vào Syria

Chủ nhật - 09/04/2017 03:02
(PL News) - Việc Mỹ tấn công tên lửa vào một căn cứ không quân của quân đội chính phủ Syria là bước ngoặt mới trong chính sách của chính quyền mới ở Mỹ với tân tổng thống Donald Trump đối với Syria.
Kết quả của vụ không kích này chỉ rất hạn chế và hoàn toàn không được như phía Mỹ mong đợi.
Kết quả của vụ không kích này chỉ rất hạn chế và hoàn toàn không được như phía Mỹ mong đợi.

 

Vừa trước đấy thôi, chính quyền này đã công bố sự điều chỉnh mục tiêu chính sách là không còn bám giữ vào điều kiện tiên quyết là tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời bỏ quyền lực. Về biểu hiện ra bên ngoài, hành động quân sự vừa rồi của Mỹ có thể được coi như bước chuyển giai đoạn vì bao lâu nay rồi Mỹ đã không hành động như thế. Nhưng trong thực chất, bước ngoặt hay bước chuyển giai đoạn trên danh nghĩa này lại chưa có gì là cơ bản trong thực chất.

Theo phía Mỹ, Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa Tomahock, mỗi quả có giá 800.000 Euro, đem theo gần nửa tấn thuốc nổ TNT, trúng đích chính xác đến từng mét. Nhưng theo xác nhận của Nga, chỉ có 23 trong số ấy trúng đích. Do được Mỹ thông báo trước về vụ không kích nên Nga và chắc chắn cả phía chính phủ Syria nữa đều đã sơ tán con người và khí tài. Hôm sau đã lại thấy chiến đấu cơ của quân đội chính phủ Syria cất cánh và hạ cánh ở căn cứ không quân ấy.

Qua đó đủ để thấy kết quả của vụ không kích này chỉ rất hạn chế và hoàn toàn không được như phía Mỹ mong đợi. Nó chỉ có lợi về chính trị nội bộ cho ông Trump là chủ yếu. Ông Trump dùng hành động quân sự này để chứng tỏ khác người tiền nhiệm, quyết đoán và mạnh mẽ chứ không chần chừ, để phô trương sức mạnh của Mỹ và thị uy cả những đối thủ khác như Triều Tiên hay Iran, thậm chí cả Nga lẫn Trung Quốc. Cách diễu võ dương oai như thế vốn được các tổng thống ở Mỹ, từ xưa đến nay đã vậy chứ không chỉ riêng gì ông Trump, thường sử dụng để đối phó với áp lực nội bộ, mỗi khi bị sa sút uy tín hay thất bại trong đối nội, hoặc để dư luận không để tâm đến những yếu kém hay tai tiếng của chính mình.

Bước ngoặt hay bước chuyển giai đoạn này của ông Trump trong thực chất chưa được như trên danh nghĩa bởi ông Trump hiện cần tác động của danh nghĩa chứ đâu đã có được gì mới để thay đổi thực chất chính sách. Hiện tại, ông Trump chỉ cần hành động như thế ở Syria và cũng không thể làm gì hơn được thế. Với hành động quân sự này, ông Trump đã tự bác bỏ chính mình và khiến cho những người ủng hộ quan điểm "Nước Mỹ trước hết" của mình thất vọng. Ông Trump được cái này thì phải chấp nhận mất cái khác. Nhưng xem ra, ông Trump hiện coi trọng gỡ gạc uy danh và thể diện sau những thất bại trong cầm quyền thời gian qua nhiều hơn là làm hài lòng bộ phận cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Cuộc bầu cử tới còn lâu mới đến.

Mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc tấn công này của Mỹ chỉ là một hành động quân sự riêng lẻ chứ không phải là bộ phận của một chiến lược nào đấy của Mỹ. Ông Trump cho thấy chưa có chiến lược ấy, chưa có chiến lược cho giải quyết toàn bộ vấn đề Syria, kết thúc chiến tranh như thế nào, giải pháp chính trị hoà bình ra sao, hợp tác hay đối phó Nga để đạt được mục tiêu hay như sau cuộc chiến thì tương lai của Syria ra sao. Vì thế, vụ tấn công vừa rồi như một màn kịch dành cho nước Mỹ và ông Trump là chính, chứ gần như chưa làm thay đổi gì đáng kể cục diện chiến sự và tương quan lực lượng ở Syria.

Ngoài hai cái khó nói trên, ông Trump còn phải trực diện hai cái khó khác nữa liên quan đến Syria là phản ứng và đối phó của Nga. Sau vụ này, chắc chắn Nga và phía chính phủ Syria sẽ có những chuẩn bị và phòng bị cần thiết để những vụ không kích tiếp theo của Mỹ không gây thiệt hại lớn hoặc bị vô hiệu hoá. Càng can dự quân sự sâu hơn vào Syria, ông Trump càng cần hợp tác với Nga và hậu thuẫn của Nga chứ không phải ngược lại.

Cái khó nữa đối với ông Trump là hành động quân sự vừa rồi của Mỹ ở Syria là bất chấp luật pháp quốc tế. Nó gợi liên tưởng đến những lần trước đó chính quyền Mỹ bịa lý do, dựng chứng cứ giả và bất chấp luật pháp quốc tế phát động chiến tranh. Iraq năm 2003 là ví dụ điển hình. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có một vài đồng minh và đối tác của Mỹ ủng hộ ông Trump. Sai lầm khi xưa vì tin Mỹ và theo Mỹ tiến hành chiến tranh vẫn chưa nguôi ngoai ở nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ.

Tình hình ở Syria diễn biến còn rất phức tạp. Nhưng điều chắc chắn là Syria hiện tại không phải như Iraq, Afghanistan hay Libya thời nào đối với Mỹ nên không phải ông Trump muốn làm gì thì cũng đều có thể làm được trong thời gian tới.

Nguồn tin: Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây