Bình luận về tình hình ở quốc gia Mỹ Latin này, ông Trump tuyên bố: "Nga phải ra đi". Theo ông, Washington đang xem xét ‘tất cả mọi phương án’ để đạt được điều này.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, chính quyền Washington dự định chi tới 500 triệu USD để thay đổi chính phủ ở Venezuela. Ông cũng cho biết cuộc chiến chống lại "ảnh hưởng nguy hiểm" của Nga là ưu tiên hàng đầu trong ngân sách của Hoa Kỳ.
Phản ứng với tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), Vladimir Jabarov lưu ý rằng Nga có rất ít đại diện tại quốc gia Mỹ Latin này.
Ông Jabarov nói: “Ở Venezuela, thực tế không có sự hiện diện của Nga, ngoại trừ một số ít ỏi hoạt động trong lĩnh vực mỏ dầu. Không có sự can thiệp nào đến các vấn đề nội bộ của Venezuela từ phía Nga, trong khi người Mỹ được tự do đi lang thang ở đó, mặc dù Venezuela không phải là thuộc địa của họ. Ngài Trump nói mà không suy nghĩ gì, hơn nữa lại nói rất gay gắt”.
Từ năm 1823 tại Hoa Kỳ xuất hiện cái gọi là Học thuyết Monroe, tuyên bố Hoa Kỳ có lợi ích đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc gia ở Bắc và Nam Mỹ. Họ cho rằng Hoa Kỳ phải chống lại ảnh hưởng có thể có của châu Âu và các quốc gia khác đối với các vấn đề của cả châu Mỹ. Học thuyết này của Hoa Kỳ biện minh cho sự can thiệp, kể cả bằng quân sự, vào các vấn đề tại Cuba, El Salvador, Grenada, Mexico, Peru, Venezuela và các nước khác trong khu vực.
Học thuyết Monroe là một chính sách của Hoa Kỳ được trình bày vào ngày 2/12/1823 bởi tổng thống Mỹ James Monroe trước quốc hội. Theo đó, những nỗ lực trong tương lai của các nước Âu châu để lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược, và như vậy đòi hỏi sự can thiệp của Hoa kỳ.
Học thuyết này cũng lý giải là Hoa kỳ không những sẽ không can thiệp vào những thuộc địa hiện thời của các nước Âu châu mà cũng sẽ không xía vào nội bộ các nước Âu châu. Học thuyết này được đưa ra vào lúc hầu hết các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại châu Mỹ Latin đã giành được độc lập ngoại trừ Cuba và Puerto Rico.
Hoa Kỳ, với sự đồng ý của Vương quốc Anh, muốn bảo đảm là sẽ không có cường quốc Âu châu nào can thiệp vào các vấn đề châu Mỹ. Dự định và tác động của học thuyết này kéo dài hơn 100 năm với vài sự thay đổi nhỏ. Mục đích nguyên thủy của nó là để cho các quốc gia châu Mỹ Latin mới giành được độc lập không bị can thiệp bởi các nước Âu châu, tránh tình trạng châu Mỹ trở thành chiến trường của các cường quốc Âu châu.
Năm 1848 dưới thời tổng thống James K. Polk và 1870 dưới thời tổng thống Ulysses S. Grant học thuyết này mở rộng thêm việc cấm chuyển nhượng thuộc địa cho một cường quốc khác. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1853 từ "Học thuyết Monroe" mới được ghi vào từ điển Mỹ.
Thủ lĩnh đối lập, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, Juan Guaido |
Như đã đưa tin, ngày 21/1 tại Venezuela đã nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại Tổng thống Nicolas Maduro. Ngay sau khi xảy ra bạo loạn, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đã tự tuyên bố trở thành "Tổng thống lâm thời". Một số quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã lên tiếng công nhận tư cách của ông Guaido.
Về phần mình, đương kim Tổng thống Maduro gọi người đứng đầu quốc hội Guaido là con rối của Hoa Kỳ. Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác ủng hộ Maduro với tư cách là Tổng thống hợp pháp.
Moscow cũng đã nhiều lần cảnh báo phản đối việc Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào các vấn đề của Venezuela. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng sự can thiệp của Washington sẽ gây ra thảm họa. Theo ông, các hành động của Washington đối với Venezuela thậm chí còn thúc đẩy cuộc khủng hoảng ở đất nước Nam Mỹ này trở nên tồi tệ hơn nữa.
Tác giả bài viết: Trí Đức (Lược dịch)
Nguồn tin: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn