Vụ xe innova lùi trên đường cao tốc: Một quyết định kịp thời, hợp lòng dân

Thứ ba - 26/03/2019 23:13
Với kháng nghị của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án này, dư luận và cả xã hội cũng rất đồng tình, vừa hợp lòng dân và đúng pháp luật!
Vụ xe innova lùi trên đường cao tốc: Một quyết định kịp thời, hợp lòng dân

 

Theo hồ sơ vụ án, sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn sinh năm 1978, quê ở xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh lái xe Toyota Innova mang BKS 99A-142.53 chở theo 10 khách di chuyển từ Bắc Ninh lên thành phố Thái Nguyên để ăn cưới. Khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, khi xe vừa đi qua lối ra khỏi đường cao tốc thuộc khu vực nút giao Yên Bình, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Sơn đi chậm lại để hỏi đường. Lúc này, Sơn bật xi nhan phải, lái ô tô vào lề đường ngoài cùng bên phải để một cháu bé xuống nôn do say xe.


Sau đó, Sơn lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra nút giao Yên Bình thì bị chiếc xe đầu kéo mang BKS 89C-079.17 kéo theo rơ moóc mang BKS 89R-004.65 do anh Lê Ngọc Hoàng (tên gọi khác là Vũ Văn Hoàng, sinh năm 1985, ở xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) điều khiển, kéo theo rơ-moóc đi thuận chiều trên cao tốc, với tốc độ được xác định sau khi gây tai nạn là 62km/giờ. Khi xe đến gần nút giao, anh Hoàng thấy chiếc xe Innova phía trước, cách khoảng 70m đang bật đèn phanh đỏ, anh Hoàng rà phanh giảm tốc và quan sát gương chiếu hậu thấy có ô tô khác đang vượt lên, anh Hoàng không thể chuyển làn để tránh xe Innova, nên tông vào đuôi chiếc xe Innova khiến 4 người tử vong tại chỗ, 6 người bị thương. 

Ngày 09/5/2018, Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm kết án Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng đều về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999; Ngô Văn Sơn bị tuyên phạt 10 năm tù, Lê Ngọc Hoàng bị tuyên phạt 8 năm tù.

Ngày 01/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xử phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm, giảm án cho Ngô Văn Sơn từ 10 năm tù xuống còn 9 năm tù; Lê Ngọc Hoàng từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù đều về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, có nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại việc kết án anh Lê Ngọc Hoàng. Không chỉ có dư luận không đồng tình, mà tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu cũng chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về vụ án này.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, với tinh thần cầu thị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên chuyển toàn bộ hồ sơ để xem xét, đồng thời tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan như: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Khoa học hình sự và nhiều chuyên gia đầu ngành về an toàn giao thông đường bộ.

Tại cuộc họp, sau khi tham vấn ý kiến của các cơ quan hữu quan, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết luận: Tới nay chưa làm rõ được tốc độ xe Innova lùi là bao nhiêu và vẫn chưa xác định được điểm hai ô tô đâm nhau, đây là hai điểm mấu chốt của vụ án; đây là vụ án mang tính kỹ thuật, nên rất cần ý kiến chuyên môn của chuyên gia giao thông. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, thậm chí phải trưng cầu giám định lại.

Lời bình

Lý do mà vụ án gây nhiều tranh cãi trong dư luận bởi tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh Thái Nguyên xác định: Lái xe container có lỗi “không giữ khoảng cách an toàn”! Nhiều ý cho rằng, nếu bắt lỗi lái xe container “không giữ khoảng cách an toàn” là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng về xác định lỗi của lái xe container.

Luật Giao thông đường bộ chỉ có quy định khoảng cách an toàn giữa xe đi sau với xe đi trước, đề phòng trường hợp xe trước phanh (thắng) gấp, chứ không có quy định nào về khoảng cách an toàn giữa hai xe đi ngược chiều. Việc lái xe Innova cho xe lùi trên đường cao tốc một chiều có khác nào xe đi ngược chiều vào đường cấm. Nếu cho rằng phải giữ khoảng cách an toàn là điều phi lý, trái pháp luật.

Trong các vụ án vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông thì vấn đề cốt lõi là cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định lỗi tham gia giao thông và nguyên nhân gây tai nạn. Nếu một người tham gia giao thông đi đúng phần đường, đúng tốc độ cho phép và chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn giao thông thì họ không có lỗi, mà không có lỗi thì không có tội.

Trong vụ án này, hành vi của lái xe Innova Ngô Văn Sơn là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, phạm nhiều lỗi về an toàn giao thông đường bộ như: chở quá số người quy định, uống rượu bia vượt quá ngưỡng cho phép, lùi xe trên đường cao tốc một chiều... Đây mới là nguyên nhân gây ra tai nạn làm 4 người chết, 6 người bị thương và hư hỏng nặng về tài sản. Còn đối với lái xe container (anh Lê Ngọc Hoàng) đã chấp hành đúng các quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ trên đường cao tốc; khi phát hiện thấy đằng trước có xe Innova, anh đã rà phanh nhưng vì lái xe Innova lùi ngược chiều ra giữa đường, nên anh Hoàng đã phanh gấp nhưng do khoảng cách quá gần nên không tránh kịp; như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm không thể xác định anh Hoàng cũng có lỗi gây ra tai nạn được!

Việc điều tra lại cũng như việc giám định một số điểm như ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là cần thiết, nhưng theo tôi cũng không làm thay đổi bản chất của vụ án, nhất là việc tiếp tục tạm giam anh Hoàng là không cần thiết. Lẽ ra, cùng với việc kháng nghị thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao căn cứ vào Điều 377 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án đối với anh Hoàng, trả tự do cho anh, cùng lắm là áp dụng biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú” để chờ kết quả giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao. Bởi lẽ anh Hoàng có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.

Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm nhằm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.

Quyết định kháng nghị của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chỉ đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm nhằm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại, chứng tỏ bản án của tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, vi phạm của hai cấp tòa án ở tỉnh Thái Nguyên không phải là vi phạm về tố tụng, mà là sai lầm nghiêm trọng về việc đánh giá các tình tiết của vụ án và dấu hiệu của tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Vì vậy, thiết nghĩ Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao nên tuyên bố anh Lê Ngọc Hoàng không phạm tội và trả tự do cho anh.

Nhưng dù sao, với kháng nghị của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án này, dư luận và cả xã hội cũng rất đồng tình, vừa hợp lòng dân và đúng pháp luật!

Nguồn tin: lsvn.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây