Nỗi oan thấu trời trong vụ cha giết con cách đây 50 năm

Thứ bảy - 18/02/2017 03:15
(PL News) - 21 năm sau song sắt là 21 năm James Richardson khóc than cho sự mất mát quá lớn với cái chết của 7 đứa con và cho cả số phận bi thảm của mình vì tội ác giết con mà anh không hề thực hiện.
Nỗi oan thấu trời trong vụ cha giết con cách đây 50 năm

 

 

Màn cướp nhà băng đầy kịch tính của “Ông già Noel”

Hoảng hồn với vụ cướp liều lĩnh nhất lịch sử ngành đường sắt Anh

Kế hoạch “trộm long tráo phụng” hoàn hảo trong vụ cướp vàng ở Anh

Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống. Mảng tối về sự vô trách nhiệm với mạng sống con người của những người nắm quyền sinh sát sẽ phần nào được hé lộ qua loạt bài “Những vụ án oan làm chấn động lịch sử”.

7 ngôi mộ nhỏ ở Arcadia, Fla. là nơi an nghỉ của 7 đứa trẻ vô tội - nạn nhân vụ giết người kinh hoàng bằng thuốc độc vào tháng 10/1967. Đó là một phần câu chuyện về một trong những vụ án oan chấn động nhất lịch sử nước Mỹ.

Nỗi oan thấu trời trong vụ cha giết con cách đây 50 năm - 1

James Richardson (người đàn ông da đen, tóc trắng) trong vòng vây người ủng hộ sau khi được xử trắng án

Nỗi đau mất con và một bản án xót xa

Vợ chồng James Richardson (53 tuổi) và vợ Annie Mae là những lao động tự do. Họ có 7 người con với 4 con chung và 3 con riêng từ những cuộc hôn nhân trước đó.

Ngày 25/10/1976 bắt đầu như bao ngày bình thường khác. 6h50, James và Annie Mae tới nơi làm việc cách nhà họ hơn 22km. sau khi bố mẹ ra khỏi nhà, cô con gái lớn Betty cùng ăn sáng với các em, sau đó đưa Alice và Susie Mae đến trường, để lại Dorine, Venessa, Diane và James Jr. ở nhà với Dorothy Bracey - một người hàng xóm được thuê để trông những đứa trẻ trong khi bố mẹ đi làm. Nhưng hôm đó Bracey phải đưa con đi khám bệnh nên đã nhờ mẹ cô, Betsy Reese (46 tuổi), đến trông giúp.

Buổi trưa, khi 7 đứa trẻ về nhà, Reese mang cho chúng một món ăn nấu bằng đậu, gạo và pho mát, giống bữa sáng mà mẹ chúng đã chuẩn bị từ hôm trước.

Buổi chiều, khi đang ở trường, Betty, Alice và Susie Mae đột nhiên đau bụng dữ dội, miệng sùi bọt và cơ thể quằn quại trong đau đớn. Các giáo viên vội vã đưa chúng đến bệnh viện và đến nhà Richardson xem tình hình những đứa trẻ còn lại. Tại đây, họ nhận thấy chúng cũng bị các triệu chứng tương tự như các anh chị.

Nhận được tin dữ, 2 vợ chồng James Richardson và Annie Mae Richardson vội vã trở về. Trên đường đi, 5 trong số 7 đứa trẻ đã qua đời. Sau đó, 2 đứa trẻ còn lại cũng đã ra đi. Khám nghiệm tử thi cho thấy thức ăn mà chúng đã ăn phải có chứa parathion, một chất kịch độc.

Cả 2 vợ chồng James Richardson gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn trước bi kịch này. Họ còn hoang mang hơn cả khi không hiểu tại sao lại có chất độc vì thức ăn buổi trưa hôm đó là do tay Annie chuẩn bị từ tối hôm trước và được cất trong tủ lạnh. Tất cả đều là thực phẩm sạch, cả nhà đều đã dùng trong bữa sáng.

Khi mọi việc còn chưa ngã ngũ thì một nhân viên bảo hiểm đã gọi điện cho cảnh sát thông báo rằng James  Richardson đã mua gói bảo hiểm cho các con mình hơn một năm trước và buổi tối trước hôm xảy ra sự việc, James đã gọi điện cho anh ta để thỏa thuận một số chính sách bảo hiểm của bọn trẻ.

Nghi ngờ động cơ từ cuộc gọi này, Cảnh sát trưởng Frank Cline và các chuyên gia đã khám xét căn hộ nhà Richardson. Bước vào nhà, họ sững sờ khi ngửi thấy nồng nặc mùi thuốc độc có ở khắp nơi, trong nồi, chảo thậm chí cả trong bát đường.

Tuy cả căn nhà bị lục tung nhưng nguồn gốc của số thuốc độc vẫn không được tìm thấy. Sáng hôm sau, Betsy Reese thông báo với Cline rằng cô vừa tìm thấy một gói bột màu trắng bên trong nhà kho mà về sau được xác định chính là parathion. Kỳ lạ là mặc dù nhà kho rất khô ráo nhưng gói bột lại có dấu hiệu ẩm ướt.

Hơn nữa, nhân viên bảo hiểm Gerald Purvis cũng đã khai với cảnh sát rằng đúng là Richardson đã gọi điện hỏi về bảo hiểm của mình nhưng đích thân người này đã nói rõ với Richardson rằng trường hợp của anh sẽ không nhận được thanh toán cho dù có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, bất chấp những chứng cứ thiếu thuyết phục, Công tố viên tòa án Frank Schaub vẫn ra lệnh bắt giam James Richardson với tội danh giết 7 đứa con của mình nhằm ăn chặn số tiền 3.500 USD bảo hiểm.

 Các tờ báo lớn thời đó đồng loạt đưa tin về cái chết thương tâm của 7 đứa trẻ. Dư luận thương xót và căm phẫn với kẻ thủ ác bao nhiêu thì cũng choáng váng trước kết luận này bấy nhiêu. Bất kỳ ai quen biết gia đình Richardson và ngay cả vợ ạnh đều không hề tin James là thủ phạm bởi anh là người hết mực yêu thương các con.

Đúng lúc này, bên công tố đưa ra lời khai của 2 bạn tù cùng phòng giam với James rằng James đã thừa nhận giết những đứa con của mình với họ khi đêm về.

Cùng với vài chứng cứ lỏng lẻo khác mà cảnh sát thu thập từ trước đó, tòa án chỉ mất 84 phút trước để quyết định 1 mạng người và ra phán quyết quyết tử hình đối với James Richardson.

Sự thật sáng tỏ sau hơn 20 năm

Luật sư John S. Robinson không thỏa mãn với bản án của James và luôn cảm thấy có sự tắc trách nào đó trong việc điều tra vụ án và quyết tâm theo tới cùng vụ việc.

Richardson có thời gian chờ đợi 4 năm trước khi án tử hình được thi hành. May mắn cho anh, đúng vào khoảng thời gian cuối cùng, năm 1972, Tòa án Tối cao Mỹ mở đợt ân xá cho 131 tội phạm mang án tử hình và mức án dành cho Richardson được giảm xuống còn 25 năm tù.

Thời gian trôi qua, Betsy Reese, người hàng xóm trông coi bọn trẻ vào ngày kinh hoàng ấy, cuối cùng cũng phá vỡ sự im lặng. Một buổi chiều năm 1986, Reese, lúc này đã 68 tuổi và đang sống trong một viện dưỡng lão gần Arcadia,  nói chuyện với các bạn cùng phòng về việc mình đã giết chết 7 đứa trẻ. Cuộc trò chuyện này được một nhân viên điều dưỡng nghe thấy và sau đó đã hỏi lại Betsy Reese thì bà ta nói: “Vâng, tôi đã giết chúng”. “Khi tôi hỏi lý do tại sao, người đàn bà này đã bật khóc”, cô điều dưỡng cho hay.

Tuy nhiên, Tòa án Arcadia cho rằng không đủ tin cậy vì Reese khi đó đang mắc bệnh Alzheimer. Luật sư John S. Robinson đã tổ chức một chiến dịch mang tên “Tự do cho James Richardson” với sự ủng hộ của rất nhiều người.

Mọi cố gắng đã được đền đáp, thời gian ngắn sau chiến dịch, một túi hồ sơ mật về sự vô tội của Richardson bị các nhà điều tra cố tình che giấu đã được tìm thấy. Theo đó, lời khai của 2 người bạn tù làm chứng chống lại Richardson được xác định là giả mạo khi tất cả đều được giảm án sau đó. Còn Betsy Reese tại thời điểm đó là một góa phụ trẻ, chồng bà ta cũng đã tự tử bằng một loại chất độc. Hơn nữa, người tình đã bỏ rơi bà ta để đi theo chị gái của James Richardson vài tuần trước khi những đứa trẻ bị sát hại.

Với những bằng chứng mới, tháng 2/1989, luật sư bảo về quyền lợi cho James Richardson đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Hoa Kỳ và được chấp thuận. Ngày 15/12/1989, James Richardson được trả tự do sau hơn 20 năm ngồi tù vì một tội ác mà anh không hề thực hiện.

----------------------------------------

Chứng cứ lỏng lẻo, không rõ ràng nhưng Troy Davis vẫn phải chịu mức án tử hình. Cho tới bây giờ, đây vẫn được xem là trường hợp án oan gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ.

Sự thật của vụ án được làm sáng tỏ như thế nào? Mời độc giả đón đọc "Án tử hình gây tranh cãi nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ", vào 4h ngày 17/2/2017.

Tác giả bài viết: Theo Huyền An

Nguồn tin: Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây