Báo cáo phát hành tháng 11/1984 với tiêu đề, "Không quân Ấn Độ: Hiện đại hóa và ưu thế trong khu vực". CIA nhận thấy, mức độ đáng tin cậy của Moscow với vai trò là nhà cung cấp và tài trợ ưu đãi các công nghệ tiên tiến, đã mang lại cho Nga lợi thế đáng kể trong cuộc cạnh tranh trên thương trường với các quốc gia phương Tây.
Mặc dù bản báo cáo đã phát hành 33 năm, nhưng phần lớn nội dụng được đề cập đến vẫn liên quan đến sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga, với vai trò nhà cung cấp chính máy bay và các thiết bị liên quan, báo cáo giải thích. “Các quan chức cấp cao Ấn Độ đã công khai tuyên bố Moscow là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy hơn so với phương Tây, chủ yếu do Liên Xô đã giúp đỡ Ấn Độ trong cuộc xung đột với các nước láng giềng, còn phương Tây thì không”.
Máy bay của Liên Xô sản xuất đơn giản, độ tin cậy cao khiến Không quân Ấn Độ rất ưa thích. Hơn nữa, Moscow còn bán máy bay chiến đấu hiện đại được trang bị các hệ thống tiên tiến, cùng điều khoản tín dụng dễ dàng, thanh toán dần, lãi suất thấp và kỳ hạn trả nợ dài, và có thể cung cấp các thiết bị khá nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Moscow sẵn sàng cung cấp giấy phép, hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất tiêm kích MiG-27, MiG-29 tại Ấn Độ.
Nỗ lực đa dạng hóa
Báo cáo của CIA cho thấy, Ấn Độ đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí từ những năm 1980, dưới thời Thủ tướng Indira Gandhi. “Bà Gandhi cho rằng mối quan hệ thân thiết với Moscow có thể làm hạn chế các chính sách đối ngoại của New Delhi, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Ấn Độ, gây mất thiện cảm với các quốc gia trung lập, dẫn đến quân đội nước này quá phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí duy nhất”, trích báo cáo của CIA.
CIA tin rằng, bà Indira đã sẵn sàng để khai thác sự cạnh tranh giữa Đông-Tây để phục vụ lợi ích của Ấn Độ. CIA hy vọng rằng con trai của bà Indira - người nối nghiệp - sẽ đưa Ấn Độ bước ra ngoài mối quan hệ bó hẹp.
“Là người có tư tưởng kỹ trị, Thủ tướng mới của Ấn Độ Rajiv Gandhi (nhiệm kỳ từ năm 1984-1989) có thể nghiêng về yếu tố kỹ thuật nhiều hơn các vấn đề chính trị khi lựa chọn hệ thống vũ khí mới. Điều này có thể khiến ông muốn mua trang thiết bị từ phương Tây hơn so với bà Indira trước đây.
Song, theo đánh giá của chúng tôi, việc mua sắm máy bay từ phương Tây có vẻ vẫn sẽ có quy mô nhỏ hơn so với mua từ Liên Xô, ngay cả khi các nhà cung cấp phương Tây đẩy mạnh nỗ lực chào hàng", bản báo cáo cho biết.
Tuy vậy, Thủ tướng Rajiv vẫn còn những hạn chế nhất định trong khả năng đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào vũ khí Nga.
"Moscow đang nắm chắc vị thế là nhà cung cấp vũ khí chủ lực của New Delhi, Ấn Độ cũng không đủ khả năng chi trả cho chương trình chuyển đối tốn kém và kéo dài sang vũ khí phương Tây. Các báo cáo còn cho thấy nhiều quan chức Ấn Độ không tin rằng họ có thể nhờ vả lâu dài vào sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây”, bản báo cáo của CIA nhận định.
MiG-29 và F-16
Báo cáo của CIA nhận xét, tiêm kích MiG-29, NATO định danh Fulcrum, một trong những máy bay chiếm ưu thế trên không có khả năng nhất đang được đưa vào biên chế của Không quân Liên Xô.
“Chúng tôi tin rằng, việc Ấn Độ quyết định mua MiG-29, thay vì lắp ráp tiêm kích Mirage-2000 của Pháp (một trong các phương án thay thế mà New Delhi đã cân nhắc) phản ánh sự sẵn sàng của Moscow trong việc xuất khẩu những máy bay tiên tiến nhất, nhằm cạnh tranh với nỗ lực bán hàng của Tây Âu”, trích báo cáo của CIA.
CIA đánh giá, tên lửa dẫn đường bằng radar lắp trên MiG-29 cung cấp khả năng tác chiến tầm trung trong mọi thời tiết tốt hơn so với F-16 của Pakistan, mặc dù 2 máy bay tương đương nhau về hiệu suất khí động học.
Ấn Độ là khách hàng quốc tế đầu tiên của MiG-29. Không quân Ấn Độ (IAF) đã đặt hàng 50 máy bay MiG-29 vào năm 1980, khi máy bay vẫn trong giai đoạn phát triển ban đầu. Hiện tại IAF có khoảng 90 chiếc MiG-29, trong đó có 45 MiG-29K, phiên bản hoạt động trên tàu sân bay.
Không quân Ấn Độ đã sử dụng MiG-29 trong cuộc xung đột Kargill năm 1999 ở khu vực Kashmir để hộ tống cho máy bay chiến đấu MiG-21, MiG-27 đặc biệt là Mirage-2000 tấn công các mục tiêu của Pakistan. MiG-29 của Ấn Độ từng khóa F-16 của Pakistan vào radar của họ nhưng không khai hỏa.
MiG-29 của Ấn Độ đã được trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn, trong khi F-16 của Pakistan chưa có.
Bài học cho Nga và Ấn Độ
Nhà báo Rakesh Krishnan Simha nhận định, Nga và Ấn Độ có mối quan hệ tuyệt vời trong nhiều thập kỷ, dù có một vài lần chính sách của Moscow bổng dưng chuyển hướng sang Pakistan.
Sau khi Liên Xô tan rã, những chính sách thất thường của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin và các cố vấn thân Mỹ của ông này như Yegor Gaidar và Andrey Kozyrev đã tạo cơ hội cho Mỹ làm suy yếu sức ảnh hưởng của Nga tại Ấn Độ.
Kozyrev, ngoại trưởng Nga từ năm 1990-1996, tuyên bố rằng Moscow sẽ không tiếp tục dành vị trí quan trọng đặc biệt cho New Delhi, mà sẽ đối xử với Ấn Độ và Pakistan như nhau.
Điều đó buộc Ấn Độ phải tìm tới phương Tây để mua vũ khí. Thủ tướng Ấn Độ P.V. Narasimha Rao (nhiệm kỳ 1991–1996) đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đa dạng hóa các liên kết an ninh của New Delhi.
Mức độ tin cậy của Moscow đối với New Delhi chủ yếu được củng cố trong giai đoạn trước và sau thời kỳ ông Yeltsin nắm quyền. Nga là quốc gia duy nhất cung cấp cho Ấn Độ tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay, tên lửa siêu âm, động cơ tên lửa và nhiều vũ khí công nghệ cao khác.
Nhà báo Simha cho rằng Ấn Độ không nên quên điều này khi cải thiện quan hệ với phương Tây. Ngược lại, Moscow nên thận trọng trong việc bán vũ khí cho các nước láng giềng với Ấn Độ. Ngay cả thỏa thuận vũ khí nhỏ với Pakistan có thể dẫn đến sự nghi ngờ cao của Ấn Độ.
Báo cáo của CIA cho thấy lập trường của Ấn Độ rất rõ ràng. “New Delhi từng công khai và thông qua các kênh ngoại giao để tuyên bố rằng nước này xem các thỏa thuận vũ khí giữa quân đội Mỹ và Pakistan là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Ấn Độ và sự ổn định trong khu vực.
Các quan chức Ấn độ chỉ trích rằng mối quan hệ an ninh giữa Mỹ-Pakistan đang thách thức sự thống trị về chính trị và quân sự của New Delhi tại Nam Á và khiến cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lan sang Ấn Độ Dương”.
Trong khi đó, Moscow không nên quên rằng New Delhi vẫn là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của họ. Và vì thế, nước này cần tránh phạm phải những sai lầm chiến lược như Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nguồn tin: Theo Kiến thức:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn