Nội các 2019 khiếm khuyết của chính phủ Trump

Thứ ba - 25/12/2018 09:48
Ngoài 10 người ra đi chỉ trong một năm, ghế của nhiều thành viên khác trong nội các chính phủ Trump vẫn đang rất nóng.
Nội các 2019 khiếm khuyết của chính phủ Trump

 

Nội các 2019 khiếm khuyết của chính phủ Trump

TIN LIÊN QUAN


Theo đánh giá của Viện Chính sách Brookings (Mỹ), tốc độ thay đổi nhân lực của nội các Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hai năm đầu nhiệm kỳ ở mức kỷ lục, vượt xa cả hai chính phủ tiền nhiệm Barack Obama và George H. Bush. Năm đầu nhiệm kỳ, cả chính phủ Bush và Obama đều không có thành viên nội các nào ra đi, trong khi chính phủ Trump có tới ba người. Năm thứ hai, nội các ông Trump có tới 10 vị trí ra đi so với chỉ một thời chính phủ Bush và bốn thời chính phủ Obama.

10 thành viên nội các ra đi trong một năm

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ chính thức rời nhiệm sở từ đầu tháng 1-2019 chứ không phải hai tháng sau đó như thông báo của Nhà Trắng tuần trước. Điều này được chính ông Trump cho biết ngày 23-12. Theo nguồn tin quan chức Mỹ nói với Reuters, sở dĩ ông Trump có thay đổi này vì không hài lòng với lá thư từ chức của ông Mattis tỏ ý bất mãn chính sách đối ngoại của ông.

Ngoài ông Mattis, những thành viên nội các ông Trump sẽ ra đi khi hết năm 2018 còn có Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats… Trước đó có Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions bị ông Trump sa thải từ tháng 11.

Từ ngày đầu năm 1-1-2019, nội các chính phủ Trump sẽ có tới ít nhất bốn vị trí bộ trưởng bị khuyết phải chỉ định người tạm thời kiêm nhiệm. Người được ông Trump chọn tạm lãnh đạo Bộ Quốc phòng thay ông Mattis từ đầu tháng 1-2019 là Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan. Nhiệm vụ chính của ông Shanahan trong thời gian làm thứ trưởng là tập trung cải cách nội bộ Bộ Quốc phòng và xúc tiến thành lập Quân chủng Không gian - dự án ông Trump rất ưng ý nhưng bị nhiều nghị sĩ và quan chức quốc phòng phản đối. Nguồn tin cho biết ông Trump sẽ chính thức đề cử người thay ông Mattis trong hai tuần tới.

Người tạm thời thay thế ông Sessions là Thứ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker. Tuy nhiên, người được đề cử thay thế ông Sessions là ông William Barr - từng là bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống George H. Bush và được ông Trump khen là “rất tài năng”. Ông Trump cũng đề cử người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert thay thế bà Haley. Các đề cử thay thế phải được Thượng viện Mỹ thông qua.

Nội các 2019 khiếm khuyết của chính phủ Trump - ảnh 1
Nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ ba từ phải) năm 2019 sẽ thiếu vắng với sự ra đi  của hàng loạt bộ trưởng. Ảnh: CBS NEWS
 

Ai đang ngồi ghế nóng và ghế ấm?

Bên cạnh các thành viên hoặc từ chức hoặc bị sa thải, người đang có nguy cơ phải ra đi là Bộ trưởng An ninh nội địa Kirstjen Nielsen - rất thân với ông Kelly và vốn trong tầm ngắm của ông Trump. Trả lời phỏng vấn Fox News tháng trước, ông Trump tỏ ý không hài lòng năng lực và cách làm việc của bà Nielsen.

10 trong 24 vị trí nội các chính phủ Trump bị thay thế trong năm 2018, chiếm gần 42%

Bộ trưởng Bộ Lao động Alexander Acosta cũng đang bị chiếu tướng vì dính líu vào thỏa thuận dàn xếp pháp lý của tội danh tình dục của tỉ phú Jeffrey Epstein. Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos và Bộ trưởng Phát triển nhà ở và đô thị Ben Carson cũng đang bị ngắm rất kỹ.

Giám đốc Gina Haspel là phụ nữ đầu tiên dẫn đầu Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhưng thời gian gần đây dần cho thấy có bất đồng với ông Trump quanh chuyện nhà báo Jamal Khashoggi (người Saudi Arabia) bị giết tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi bà Haspel kết luận thái tử Mohammad bin Salman thiết kế vụ giết người thì ông Trump từ chối lên án và trừng phạt Saudi Arabia.

Ngoài các nhân vật ra đi, sắp ra đi và có khả năng sẽ phải ra đi cũng có một số nhân vật củng cố được vị trí của mình. Một trong những nhân vật đó có thể kể đến Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mick Mulvaney. Đầu năm 2019, ngoài chức vụ hiện tại, ông Mulvaney sẽ kiêm nhiệm thêm vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng ông Kelly để lại.

Người thứ hai là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - người có quan hệ tốt với ông Trump và dẫn đầu đối thoại với Triều Tiên trong năm 2018. Nhân vật thứ ba là ông John Bolton - Cố vấn an ninh quốc gia thứ ba dưới thời ông Trump. Ông Bolton báo cáo trực tiếp cho ông Trump và chủ trương đối ngoại cứng rắn của ông này rất được lòng ông Trump.

Nhân vật thứ tư là đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người thực thi các gói thuế quan của ông Trump đánh lên hàng Trung Quốc và đang dẫn đầu phái đoàn Mỹ thương lượng thương mại với Trung Quốc. Nhân vật cuối cùng là Phó Tổng thống Mike Pence, người sát cánh với ông Trump trong thời gian tranh cử.

Bộ Quốc phòng Mỹ ký sắc lệnh rút quân khỏi Syria

AFP ngày 23-12 dẫn lời một người phát ngôn quân đội Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ vừa ký sắc lệnh rút quân khỏi Syria. Kế hoạch rút quân dự kiến sẽ được các chỉ huy quân đội trình bày với Bộ Quốc phòng trong tuần này.

Trước đó, ngày 19-12, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút quân khỏi Syria, với lý do cuộc chiến đánh IS đã hoàn thành. Quyết định của chính phủ Trump nhận chỉ trích lớn từ nhiều nghị sĩ Mỹ, cho rằng hành động này sẽ hủy hoại an ninh quốc gia Mỹ và từ bỏ khu vực cho Nga, Iran và Syria. Một ngày sau khi có quyết định này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đệ đơn từ chức vì khác biệt chính sách với ông Trump. Hai ngày sau đó, đặc phái viên Mỹ tại liên quân quốc tế đánh IS - ông Brett McGurk tuyên bố từ chức vì bất đồng với quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump.

Trên Twitter ngày 23-12, ông Trump cho biết có điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan rằng “sẽ phối hợp chặt với Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình rút quân chậm rãi”. Theo Reuters, đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump có thể làm chậm lại tiến trình rút quân sau khi hứng nhiều chỉ trích.

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây