Trước khi VKS nêu quan điểm, HĐXX hỏi hai bên có bổ sung gì trong phần tranh luận, cả phía Vinasun và Grab đều không có thêm ý kiến gì. HĐXX giải thích thêm, mặc dù vụ án kéo dài thời gian xét xử nhưng không bị quá hạn theo luật định. Phía Grab sau phiên xét xử ngày 26.12 có thông cáo báo chí cho rằng Tòa muốn kéo dài vụ án để cho bên nguyên đơn Vinasun chuẩn bị chứng cứ là không đúng. HĐXX xét xử một cách khách quan, độc lập, thời gian tạm ngưng hoặc tạm hoãn xét xử vẫn tuân thủ quy định của pháp luật.
VKS nhận định về mặt thủ tục, phiên tòa được xét xử theo đúng quy định của pháp luật, đúng trình tự thủ tục của pháp luật, tạo điều kiện để các bên được thực hiện quyền, nghĩa vụ phù hợp quy định của pháp luật.
Công ty giám định Kiểu Long mặc dù được mời nhiều lần nhưng không tham gia là vi phạm quy định của pháp luật.
VKS đề nghị không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun
Về mặt nội dung, sau khi xem xét các chứng cứ, VKS nhận thấy Grab hoạt động kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam, vi phạm quy định về kinh doanh vận tải hành khách như không niêm yết giá, không có biển hiệu, không có tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh, không thực hiện đúng Đề án 24 của Bộ GTVT...
Vinasun khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường thiệt hơn 41 tỷ đồng. Tuy nhiên Vinasun không chứng minh được lợi nhuận giảm sút của Vinasun là do việc vi phạm của Grab gây ra. Mặc dù kết luận giám dịnh xác định thiệt hại của Vinasun là do Grab, nhưng không đủ căn cứ chứng minh thiệt hại của Vinasun chỉ duy nhất do Grab gây ra. Việc Công ty giám định Cửu Long có mặt tại tòa là rất cần thiết để làm rõ nhiều vấn đề trong kết luận giám định, nhưng tòa triệu tập nhiều lần mà Cửu Long vẫn không có mặt.
Hoạt động của Vinasun ở nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ có kinh doanh vận tải taxi, nhưng Vinasun lại không tách bạch được lợi nhuận giữa kinh doanh taxi và các hoạt động kinh doanh khác để làm cơ sở khởi kiện buộc Grab phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Vinasun không chứng minh được tất cả thiệt hại là do Grab gây ra.
Từ những phân tích trên, VKS nhận thấy Grab có những hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên Vinasun không có cơ sở chứng minh được tất cả thiệt hại là do Grab gây ra, nên đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun là buộc Grab phải bồi thường hơn 41 tỷ đồng.
Đồng thời VKSND TP.HCM sẽ có kiến nghị VKSND Tối cao, Bộ GTVT, các bộ ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, tạo sự công bằng cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.
Trước đó, sau gần 1 tháng phiên tòa tạm ngưng để hai bên hòa giải, ngày 26.12 phiên tòa được mở lại với kết quả hai bên hòa giải không thành. Đại diện Vinasun cho biết, do phía Grab mong muốn được hòa giải, Vinasun tôn trọng và chấp nhận việc hòa giải với Grab. Tuy nhiên, phía Grab đưa ra không đúng với mong muốn của Vinasun, hai bên không cùng chung quan điểm, tiếng nói nên việc hòa giải bất thành.
Tại phiên xét xử, HĐXX cho biết nội dung Grab đưa ra để yêu cầu hòa giải là chấp nhận lỗ để mua lại cổ phiếu của Vinasun với giá gần 65 tỷ đồng. Phía Vinasun cho rằng nội dung hòa giải không nằm trong nội dung vụ án nên không chấp nhận.
Các bên đương sự tại phiên xét xử.
Đại diện Vinasun cho rằng mục đích công ty khởi kiện Grab là để làm rõ hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab, không phải để đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng…
Vinasun còn tố Grab vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vận tải nói chung tại Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của chính phủ. Việc vi phạm của Grab phải được xử lý nghiêm.
Tại phiên tranh luận, phản bác lại quan điểm mà Vinasun đưa ra, việc Grab gia nhập thị trường với những tiến bộ khoa học công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường. Các cơ quan quản lý của Chính phủ Việt Nam mới có thẩm quyền theo dõi, đánh giá việc Grab thực hiện đúng hay không đúng đề án thí điểm.
Đại diện Grab cũng nêu quan điểm: người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Việc một doanh nghiệp như Vinasun không thay đổi tích cực đáp ứng nhu cầu của khách hàng dẫn đến lợi nhuận sụt giảm lại đi kiện Grab là việc làm không đúng. Đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án vì Grab hoạt động hoàn toàn tuân thủ pháp luật, mục đích tranh chấp của Vinasun không phải vì tiền bạc mà là muốn triệt tiêu Grab với mô hình kinh doanh mới.
Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn