Mỹ-Trung thi gan, ai sẽ phải 'chớp mắt' trước?

Thứ hai - 20/05/2019 21:35
Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tin đang cùng thi gan xem nước nào có thể chống chịu được cuộc đối đầu thương mại lâu hơn.
Mỹ-Trung thi gan, ai sẽ phải 'chớp mắt' trước?

Sáng 16/5, khi công ty Walmart phát đi cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại mở rộng chống Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump sẽ dẫn tới việc leo thang giá cả đối với người tiêu dùng Mỹ, John Flynn, một chuyên gia môi giới bất động sản 55 tuổi ở bang Virginia đã lên tiếng bảo vệ lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm.

Phát biểu trên tờ Financial Times, ông Flynn tin rằng, Tổng thống Trump đã đúng vì nước Mỹ đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Theo chuyên gia môi giới bất động sản này, nếu giá cả tăng thì việc đó cũng gây tổn hại đến người Trung Quốc về dài hạn. "Vấn đề ở đây là trong cuộc thi gan giữa hai bên, ai sẽ chớp mắt trước", ông Flynn bày tỏ.

Những phát biểu như của Flynn có thể củng cố niềm tin của Tổng thống Trump rằng, ông có thể chiến thắng trong ván bài đặt cược kinh tế lớn nhất thời mình nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng.

Mỹ-Trung thi gan, ai sẽ phải 'chớp mắt' trước?
 

Các toan tính của ông Trump

Cách đây 2 tuần, ông Trump đã chùn bước trước khả năng đạt được một thỏa thuận thiết lập lại mối quan hệ mậu dịch với Trung Quốc, đồng thời cáo buộc giới chức ở Bắc Kinh đã từ bỏ các cam kết của họ. Sau đó, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh áp thuế suất nhập khẩu mới đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỉ USD và đe dọa tăng thuế thêm nhiều mặt hàng Trung Quốc nữa ngay từ cuối tháng 6 tới đây, làm gia tăng tác động đến nền kinh tế toàn cầu, các thị trường tài chính cũng như tương lai chính trị của chính ông trong mùa bầu cử năm 2020.

Giới chức Mỹ và Trung Quốc khăng khăng, các cuộc đàm phán không hoàn toàn đổ vỡ. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ gặp ông Tập vào tháng tới, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Các diễn biến làm dấy lên kỳ vọng về khả năng tránh được vòng xoáy đi xuống của mối quan hệ song phương. Song, khả năng dàn xếp bất đồng nhanh chóng ngày càng mất dần, làm dấy lên triển vọng về một cuộc cạnh tranh thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuần qua, khi Mỹ giáng đòn vào Huawei, công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc bằng cách đưa tên họ vào danh sách cấm vận xuất khẩu, đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty này, động thái càng làm gia tăng những lo ngại về một cuộc đối đầu lâu dài.

Ông Trump đặt cược là, nền kinh tế Mỹ, với tỉ lệ thất nghiệp vào mức thấp trong nửa thế kỷ qua cùng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng ở mức 3,2% trong quý đầu tiên của năm, có thể chống chịu được cơn đau từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Việc Mỹ vẫn giữ vững sự tăng trưởng ngay cả sau khi các đợt tăng thuế vừa qua gây chấn động khắp các thị trường tài chính toàn cầu, đã kích thích lãnh đạo Nhà Trắng thể hiện đường lối cứng rắn hơn trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc.

Song, giới quan sát nhận định, trừ khi thỏa thuận sớm đạt được, nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu hệ lụy từ việc áp thuế suất nhập khẩu mới cao hơn, vốn đóng vai trò như thuế bổ sung đánh vào một loạt sản phẩm, từ vật liệu xây dựng đến nông cụ và đồ điện tử. Các nhà phân tích thuộc Trường Kinh tế Oxford ước tính, nếu mức thuế 25% được áp dụng cho mọi mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, động thái có thể dẫn đến việc GDP của Mỹ giảm 0,5% vào năm tới. Người tiêu dùng, đặc biệt là những người Mỹ có thu nhập thấp và người cao tuổi sống dựa vào các gói hưu trí cố định, sẽ bắt đầu cảm nhận hậu quả của xung đột thương mại khi tăng thuế quan đẩy cao chi phí và lạm phát.

Hệ lụy khôn lường

Chase Rice, chủ một cửa hàng phần cứng do gia đình điều hành ở Manassas, bang Virginia đã bị đẩy vào tuyến đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung suốt nhiều tháng qua. Đối với ông, việc theo kịp mức giá cao hơn tới 5 - 10% do các nhà cung cấp hàng đưa ra là một thách thức lớn.

Nathan Sheets, một cựu quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính Mỹ hiện là kinh tế gia trưởng tại công ty đầu tư, quản lý tài sản PGIM Fixed Income tin Mỹ hiện có đủ động lực để hấp thụ các căng thẳng thương mại và đang có vị thế tốt hơn so với nhiều nền kinh tế khác.

Tuy nhiên, ông Sheets nhìn thấy "những rủi ro suy thoái đáng kể". Nhiều nhà phân tích có chung lo lắng rằng, sự leo thang đối đầu nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giáng đòn mạnh vào niềm tin của các thị trường tài chính cũng như sự lạc quan của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể cảm thấy bắt buộc phải nới lỏng chính sách để đối phó nếu xảy ra một đợt bán tháo lớn trên thị trường, ngân hàng trung ương nước này chỉ có trong tay vũ khí tiền tệ tương đối hạn chế.

Quan ngại lớn hơn là tổn hại lâu dài mà các cuộc chiến tranh thương mại có thể gây ra. Các doanh nghiệp đã gặp trở ngại khi họ cân nhắc chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, dẫn đến lo lắng rằng hai nền kinh tế đan xen đang hướng tới sự tách rời. Theo nhà nghiên cứu Mary Lovely thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, kìm nén cạnh tranh và đóng cửa thị trường ở nước ngoài sẽ chỉ gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, về dài hạn, chính sách đối phó Trung Quốc của Tổng thống Trump sẽ làm suy giảm sự đổi mới và tăng trưởng của nước Mỹ.

Jason Furman, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Barack Obama bày tỏ, ông không tin rằng kết quả thu được của Mỹ từ bất kỳ thỏa thuận thương mại nào trong tương lai với Trung Quốc là đủ để biện minh cho chiến lược của ông Trump. Song, ông nói thêm, bất cứ ai tin vào việc suy giảm nghiêm trọng về các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ dẫn đến dấu chấm hết cho Mỹ ở khía cạnh này cũng "nhiều khả năng phải thất vọng".

Trung Quốc đối mặt tổn thất lớn

Về phía Trung Quốc, tổn thất sẽ lớn hơn nếu tất cả hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ đều bị đánh thuế 25%. Trong khi Mỹ xuất khẩu 120 tỉ USD hàng hóa sang Trung Quốc vào năm ngoái, Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ khi doanh thu xuất khẩu sang thị trường này lên tới 540 tỉ USD. Greg Daco, trưởng kinh tế gia Mỹ tại Trường Kinh tế Oxford nhận định, theo viễn cảnh này, mức suy giảm vào năm 2020 đối với GDP của Trung Quốc, vốn đã cho thấy dấu hiệu suy yếu vào các tháng gần đây, sẽ là 1,3%.

Eswar Prasad, cựu Giám đốc chi nhánh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc và hiện là giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ) giải thích, các hoạt động kinh tế nội địa Trung Quốc đã mất một số động lực nên không còn hứa hẹn khi đối mặt với một cuộc chiến thương mại kéo dài và ngày càng khốc liệt với Mỹ.

Song, Matthew Goodman, cố vấn kinh tế cấp cao châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế quả quyết, Trung Quốc vẫn còn "cửa" để bổ sung các kích thích nền kinh tế.

Dù Trung Quốc không hoan nghênh viễn cảnh chiến tranh thương mại kéo dài nhưng các nhà phân tích cho rằng, việc Đảng Cộng sản cầm quyền kiểm soát mọi thứ, từ tỉ giá đồng Nhân dân tệ đến hệ thống ngân hàng sẽ giúp nước này thắng thế. Chính quyền Trung Quốc cũng có thái độ ngày càng cứng rắn. Ngay sau động thái thách thức mới nhất của Tổng thống Mỹ, thông qua một tài khoản bán chính thức trên mạng xã hội, giới chức Bắc Kinh cảnh báo, Trung Quốc "không muốn một trận chiến nhưng cũng không ngại chiến đấu để bảo vệ phẩm giá và các lợi ích cốt lõi của quốc gia".

Vào cả tối thứ ba và thứ sáu tuần trước, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã phát sóng liên tiếp hai bộ phim kinh điển về chiến tranh Triều Tiên. Ở Trung Quốc, cuộc xung đột quân sự vào những 1950 được biết đến như một cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Mỹ và hỗ trợ Triều Tiên.

Lối thoát mờ mịt

Kể từ khi các cuộc đàm phán song phương bị đình trệ hồi đầu tháng 5, ông Trump vừa cố gắng giảm nhẹ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc (ông gọi đó là "một cuộc cãi vã vụn vặt"), vừa phủ nhận ảnh hưởng của nó đến người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền của ông vẫn chật vật tìm cách làm giảm các hệ lụy bằng cách hứa hẹn gói cứu trợ thứ hai, trị giá nhiều tỉ USD cho những nông dân Mỹ đang chịu tác động từ các đòn áp thuế trả đũa của Trung Quốc.

Mặc dù nhiều nhà lập pháp Mỹ chấp nhận cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump, nhưng một vài đồng minh thân cận nhất của ông trong đảng Cộng hòa lại có quan điểm không ủng hộ. Một cuộc thăm dò dư luận của hãng thông tấn Fox mới đây cho thấy, 45% người Mỹ tin việc tăng thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế đất nước trong khi 34% số khác cho rằng điều đó sẽ giúp ích.

Song, hiện không có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Trump đang cảm thấy áp lực rất lớn để buộc phải thoái lui.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 5 này, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nêu rõ, hiện trạng thương mại Mỹ - Trung đã hình thành kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, với nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ Mỹ và trợ cấp doanh nghiệp tràn lan, còn gây tổn thất lớn hơn nhiều so với bất kỳ điều gì phát sinh từ việc tăng thuế. Quan chức này nói, mục tiêu cơ bản của Tổng thống Trump là chống lại cũng như điều chỉnh cho đúng những hành vi của Trung Quốc đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ cả trong hiện tại và tương lai.

Các chính khách có quan điểm diều hâu trong chính quyền Trump tin, đối đầu càng kéo dài, các công ty Mỹ càng có động lực để tiếp tục ngưng làm ăn với Trung Quốc. Đây là mục tiêu cuối cùng của Washington.

Tuy nhiên, quay trở lại Manassas, nhiều người ở đây không tin cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ. "Tôi có thể hiểu lí do tại sao chúng ta cần đẩy lùi Trung Quốc, nhưng tôi không nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm là cách đúng đắn để đạt được điều đó. Chính quyền hiện không có kế hoạch chiến lược và tất cả chỉ là bất cứ thứ gì mà Tổng thống Trump quyết định đăng tải lên Twitter vào thời điểm nào đó trong ngày", Anne Dancy, một chuyên gia về bán hàng và marketing đã nghỉ hưu nhấn mạnh.

 

Tác giả bài viết: Tuấn Anh

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây