Bà Nguyễn Thị Anh bức xúc vì bị ông Dũng (anh) đòi trục xuất cả hai chị em ra khỏi ngôi nhà 316 – 318 Trần Phú có nguồn gốc là tài sản của cha mẹ để lại
Theo Đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Anh (trú tại 237/16 Nguyễn Tiểu La, phường 8, quận 10, TP. HCM), cha mẹ bà là ông Nguyễn Hóa và bà Lê Thị Thân đã lúc còn sống tạo lập được khối tài sản, gồm: Căn nhà gắn liền với diện tích 136,2m2, tọa lạc tại địa chỉ số 51. Quang Trung, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định (trước đây là số 13. Quang Trung, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn); và căn nhà gắn liền với diện tích 246,9m2, tọa lạc tại địa chỉ số 316 – 318 Trần Phú, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định (trước đây số nhà 280 Trần Phú, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn).
Ông Hòa và bà Thân sinh hạ được tổng cộng 9 người con, gồm: Nguyễn Văn Dậu, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Sửu, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Dũng (anh), và Nguyễn Văn Dũng (em). Trong đó, bà Nguyễn Thị Ngọc (đã qua đời) có 4 người con. Như vậy theo quy định của pháp luật, bà Anh và các con, cháu của ông Nguyễn Hóa và bà Lê Thị Thân có quyền được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của ông Nguyễn Hóa và bà Lê Thị Thân để lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng (anh) người quản lý 02 căn nhà không đồng ý chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Việc chuyển dịch quyền sở hữu ngôi nhà 13. Quang Trung (51. Quang Trung) cho ông Nguyễn Văn Dũng (anh) chỉ có 04/10 người thừa kế viết giấy cho và khước từ nhận di sản
Theo ông Dũng (anh), di sản đang thuộc quyền sở hữu của ông: Đối với căn nhà số 51 Quang Trung, năm 1964, bà Lê Thị Thân đã viết giấy tặng cho và đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNO&TSKGLVĐ đứng tên ông sử dụng. Căn nhà 316 – 318 đường Trần Phú, năm 2016, sau khi mẹ ông mất, cả gia đình họp bàn chia thừa kế và thống nhất giá trị căn nhà. Ông đã thối lại kỷ phần giá trị căn nhà cho Nguyễn Văn Dũng em. Mặc dù trước khi mất, mẹ ông có làm di chúc cho ông toàn bộ kỷ phần của bà thừa kế theo pháp luật đối với căn nhà.
Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Anh và bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, lời khai của ông Dũng là không đúng sự thật. Theo hai bà, năm 1964, ông Dũng lúc này mới 12 tuổi và đang ở Sài Gòn thì làm gì có chuyện bà Thân lập di chúc cho căn nhà 13. Quang Trung cho ông Dũng, nếu có cũng không căn cứ pháp luật. Tương tự như vậy, đối với căn nhà 316 – 318 đường Trần Phú, các đồng thừa kế cũng không tin là bà Lê Thị Thân tự nguyện tặng cho nửa phần tài sản và kỷ phần thừa kế cho ông Dũng (anh). Cả bà Anh và bà Nhung đều quả quyết, Di chúc lập ngày 14/3/2011 là giả, vì tại thời điểm này bà Thân bị tai biến nặng, đầu óc không còn tỉnh táo. “Nếu ông Dũng (anh) cho rằng, bà Thân tặng cho là vì có công nuôi dưỡng mẹ lúc ốm đau và sửa chữa lại di sản thì càng không đúng vì toàn bộ số tiền ông Dũng sử dụng là của anh chị em chúng tôi cùng góp nhau chuyển về. Hơn nữa mẹ tôi là người biết chữ nhưng trong Di chúc không ký mà lại lăn tay là điều không bình thường…”, bà Nhung cho biết.
Có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật
Để làm rõ sự thật, PV đã có buổi làm việc với Phòng TN&MT thị xã An Nhơn. Trước đó, Phòng TN&MT đã có văn bản đề nghị Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thị xã An Nhơn cung cấp toàn bộ hồ sơ lưu giữ có liên quan đến việc cấp Giấy CN QSDĐ cho ông Nguyễn Văn Dũng đối với căn nhà 51.Quang Trung (trước đây là 13.Quang Trung), phường Bình Định, thi xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo đó, trong Đơn xin cấp GCNQSDĐ ngày 06/92007, ông Dũng khai có nguồn gốc của cha mẹ cho năm 2000. Vào thời điểm ông Dũng xin cấp quyền sở hữu căn nhà này, ông Nguyễn Hóa đã chết nhưng không để lại di chúc, như vậy theo quy định pháp luật quyền định đoạt tài sản đối với căn nhà, ngoài bà Lê Thị Thân còn có quyền của tất cả 9 người con. Tuy nhiên trong Hồ sơ lưu giữ chỉ có hợp đồng cho nhận nhà ở của bà Lê Thị Thân; và đơn khước từ nhận di sản thừa kế của các bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Anh. Các đồng thừa kế còn lại không có ý kiến khước từ nhận di sản thừa kế. Mặc dù vậy, ngày 29/3/2000, UBND huyện An Nhơn vẫn cấp GCN số 48/UB công nhận việc các bên đương sự cho toàn phần ngôi nhà số 13, đường Quang Trung cho người nhận là ông Nguyễn Văn Dũng (còn gọi là Nguyễn Văn Hùng). Trên cơ sở đó, ngày 01/10/2007, ông Lê Minh Toán – PCT UBND huyện An Nhơn đã ký Giấy chứng nhận QSDĐ số AK 588256 cấp cho ông Nguyễn Văn Dũng được sở hữu căn nhà 13. Quang Trung gắn liền với 137,4m2 đất ở đô thị lâu dài.
Di chúc tặng cho một phần ngôi nhà 280 Trần Phú của bà Lê Thị Thân bị nghi ngờ ông Dũng làm giả ?
“Như vậy việc UBND huyện An Nhơn cấp quyền sở hữu cho ông Nguyễn Văn Dũng sở hữu căn nhà 13. Quang Trung là trái pháp luật. Bỡi việc cấp quyền này căn cứ vào hợp đồng chuyển dịch tài sản khi chưa được sự đồng ý khước từ nhận di sản của tất cả các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật (vi phạm Điều 651; điểm c, khoản 1 Điều 117 và Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015). Do đó giao dịch dân sự bị vô hiệu”, Luật gia Lê Công Tâm (Hội Luật gia tỉnh Bình Định) nhận xét và nêu quan điểm.
Liên quan đến căn nhà tọa lạc tại 280 Trần Phú, thị trấn Bình Định (nay là 316 - 318. Trần Phú, phường Bình Định) mà theo bà Anh và bà Nhung có dấu hiệu ông Dũng làm Di chúc giả, PV cũng đăng ký làm việc với ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch UBND phường Bình Định (nguyên là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bình Định – người đã ký chứng thực vào bảng Di chúc lập ngày 14/03/2011). Tại buổi làm việc, ông Dũng đã cung cấp bảng Di chúc gốc có đóng dấu mộc còn lưu giữ tại phường có áp chỉ ngón trỏ trái bằng mực son của bà Lê Thị Thân, phía dưới là chữ ký sống của 02 nhân chứng là Hà Văn Dũng và Nguyễn Phúc Sơn. Song nhìn từ mắt thường rất khó phân biệt là Di chúc thật hay giả, trừ phi được giám định bằng thiết bị kỹ thuật của cơ quan có chức năng. Ông Dũng khẳng định: “… Tại thời điểm công chứng chứng thực, không thấy có biểu hiện bà Lê Thị Thân không đủ hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Sau khi tôi đọc toàn bộ nội dung trong bản Di chúc, bà Thân đã đồng ý và ký, điểm chỉ trước mặt chúng tôi”.
Trong khi đó, nội dung Di chúc thể hiện ý chí của bà Thân là để lại một phần tài sản (chứ không phải toàn phần) trong phạm vi thuộc quyền sở hữu, sử dụng của mình là nhà và đất tọa lạc tại 280 Trần Phú cho ông Nguyễn Văn Dũng (anh) được sở hữu. Hiện tài sản trên vẫn còn đứng tên chủ sử dụng đất là bà Lê Thị Thân và ông Nguyễn Hóa. Theo đó, nếu Di chúc của bà Lê Thị Thân xác lập ngày 14/3/2011 là thật thì quyền định đoạt một nửa giá trị căn nhà 280 Trần Phú (nay là 316 - 318. Trần Phú), tức di sản của ông Nguyễn Hóa để lại, vẫn thuộc về của tất cả các đồng thừa kế. Từ phân tích đó, Luật gia Tâm khẳng định, việc Nguyễn Văn Dũng từ chối chia thừa kế căn nhà 280 Trần Phú cho các đồng thừa kế theo pháp luật là trái quy định của pháp luật.
Hiện vụ án đang được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định thụ lý giải quyết. Dư luận và các đồng thừa kế mong mỏi Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định sẽ có một phán quyết thật sáng suốt, thấu tình đạt lý, để tâm nguyện của anh chị em (giữ lại căn nhà 316 - 318. Trần Phú làm nơi thờ tự) được như ý và vụ án sẽ khép lại ở cấp sơ thẩm.
Tại buổi hòa giải lần 2, do TAND tỉnh Bình Định thực hiện, diễn ra ngày 7/5/2014, bà Nguyễn Thi Tuyết Nhung cho biết: “Mặc dù khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nhưng đến thời điểm này, tất cả các anh chị em đều muốn ông Dũng nghĩ lại để giữ tình cảm trong gia đình được tốt đẹp. Theo đó, các đồng thừa kế thống nhất để lại ngôi nhà 51. Quang Trung (tài sản có giá trị cao gấp 2 lần ngôi nhà thứ hai) cho ông Nguyễn Văn Dũng (anh) toàn quyền sở hữu mà không yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Với điều kiện ông Dũng tự nguyện nhường lại căn nhà 316 – 318 Trần Phú để làm nhà thờ tự và có chỗ anh chị em cùng đi về sum họp gia đình (vì ai cũng có chỗ ở riêng ổn định), song ông Dũng vẫn nhất quyết không đồng ý. Thậm chí ông còn hăm dọa sẽ yêu cầu Công an trục xuất 02 chị em chúng tôi đang tạm trú ra khỏi ngôi nhà này. Trước đó, ông Dũng đã có những hành vi như cắt điện, cắt nước và cắt dịch vụ wi-fi… không cho chị em tôi sử dụng”