Luật sư lý giải tại sao nói vụ án chạy thận là vụ "đầu độc giết người"

Thứ năm - 24/01/2019 21:47
Chiều 24.1, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục phiên làm việc thứ 9. Chiều nay, các luật sư sẽ đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.​​​​​​​
Luật sư lý giải tại sao nói vụ án chạy thận là vụ "đầu độc giết người"

 

Luật sư Phạm Quang Hưng/Ảnh: Phi Hùng
Luật sư Phạm Quang Hưng/Ảnh: Phi Hùng

 

Luật sư Phạm Quang Hưng cho rằng, khi luận tội thân chủ ông cần phải xác định mối quan hệ pháp luật giữa ông Đỗ Anh Tuấn với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn và giữa Thiên Sơn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Ông Hưng khẳng định, thân chủ ông không có quan hệ gì với bệnh viện. Còn Công ty Thiên Sơn có quan hệ với bệnh viện thông qua hai hợp đồng cho thuê máy chạy thận. “Chính vì bị cáo Đỗ Anh Tuấn không có quan hệ với bệnh viện nên không thể cấu thành tội phạm Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được”, luật sư Hưng nói.

Cũng theo nam luật sư, 18 máy chạy thận mà Thiên Sơn cho bệnh viện mượn đều hoạt động bình thường. Điều này đã phủ nhận cáo buộc kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra và VKS liên quan đến máy chạy thận.

Luật sư Hưng cho rằng, mấu chốt của vụ án này chính là hóa chất tồn dư trong đường ống RO số 2. Ông này dẫn kết luận điều tra, xác định nguyên nhân tử vong của 9 nạn nhân chạy thận là ngộ độc Florua.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn tại tòa.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn tại tòa.

Ông Hưng cho rằng, phải đi tìm “Ai là người đưa hóa chất Florua vào cơ thể người bệnh”. Và, lý do ông nói đây là vụ án “đầu độc giết người” là vì trong 18 tháng điều tra, truy tố vụ án chạy thận thì có tới 17 tháng cụm từ "tồn dư hóa chất HF" được nói đến. Điều này khiến ông khó hiểu bởi không ai phát hiện ra, không ai đối chiếu lại kết luận giám định của cơ quan giám định, dẫn đến điều tra sai hướng.

"Kết luận khiến 9 nạn nhân tử vong trong vụ chạy thận do ngộ độc Florua, song, nhận định của cơ quan công an, của VKS lại là HF. Chi tiết cũ mà không ai phát hiện ra, tôi cho rằng nó mới”, ông Hưng khẳng định.

Theo ông Hưng, tất cả mẫu vật liên quan công tác giám định trong vụ án đã được niêm phong trong ngày xảy ra sự cố. Tại thời điểm điều tra đã xác định được bị cáo Bùi Mạnh Quốc dùng 3 loại hóa chất để sục rửa đường ống RO số 2, đó là hóa chất HF, HCL và Javen.

Luật sư này cho hay, không thể chứng minh được luận cứ “tồn tại hóa chất HF trong cơ thể bệnh nhân”. Bởi, khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 2 can đựng hóa chất để sục rửa màng RO. Can số 1 đựng hỗn hợp HF và HCL, can số 2 đựng hóa chất Javen. Khi vệ sinh màng RO, 3 chất này được đưa vào hệ thống sẽ tạo nên hợp chất. Đó là lý do khi giám định “không bao giờ còn một chất là HF trong người bệnh nhân”.

Luật sư Hưng.
Luật sư Hưng.

Liên quan vấn đề này, đại diện VKS cho rằng, quan điểm của luật sư Hưng khẳng định có dấu hiệu vụ án “đầu độc giết người”, VKS đã được tiếp cận các chứng cứ giao nộp, thấy rằng, quan điểm của luật sư không chính xác, không khách quan. Bởi, hóa chất hóa chất Florua là phù hợp với nguồn gốc HF mà bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã sử dụng.

Về hàm lượng Florua bất thường tại các quả lọc, không đồng đều nhau, VKS cho rằng đó là điều bình thường, phù hợp với thực tế vì nồng độ Florua ở hệ thống RO số 2 khi vận hành sẽ thay đổi liên tục. Và nồng độ Florua còn phụ thuộc vào tỉ lệ trộn giữa nước RO và dung dịch lọc.

Trước đó, tại đầu phiên xét hỏi chiều 19.1, luật sư Phạm Quang Hưng, bào chữa cho ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn cho biết, ông đang có chứng cứ chứng minh đây “là một vụ án đầu độc giết người” và đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để ông cung cấp.

Khi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh đề nghị trình bày và cung cấp ngay tại phiên xử, ông Hưng nói đây là tài liệu bí mật nên mong được cung cấp cho Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tỉnh và Chánh án TAND tỉnh.

"Các chứng cứ thu thập khi nào?”, HĐXX hỏi. Ông Hưng đáp rằng, không thể nói công khai. Chủ tọa nói, nếu bằng chứng không có thật thì đây có thể là hành vi cản trở xét xử và có thể bị xử lý. Luật sư Hưng đồng ý và đề nghị “được cung cấp bí mật”.

Sau chừng 30 phút hội ý, HĐXX đề nghị ông Hưng giao nộp ngay tại tòa và cho hay chứng cứ này sẽ được HĐXX xem xét, giao cho kiểm sát viên điều tra theo thẩm quyền.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây