Kỳ án ''giết mẹ' mù lòa vì 1,5 chỉ vàng: Ánh sáng cuối đường hầm?

Thứ bảy - 28/10/2017 23:47
(Phapluat News) - Ngày 30/8/2016, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể ký kháng nghị bản án này và đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy các bản án trên để điều tra lại theo đúng trình tự pháp luật.
Kỳ án ''giết mẹ' mù lòa vì 1,5 chỉ vàng: Ánh sáng cuối đường hầm?

 

 

 
Hủy tất cả các bản án trước đây, giao cho VKSND Tối cao điều tra lại từ đầu do nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là quyết định mới nhất của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đối với vụ án giết mẹ của Vi Văn Phượng. Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu có thêm một Nguyễn Thanh Chấn hay một Hàn Đức Long mới ở Bắc Giang?

Ky an ''giet me' mu loa vi 1,5 chi vang: Anh sang cuoi duong ham? - Anh 1

Nhiều người dân thôn Hòn Ngọc không tin Phượng giết mẹ như kết luận của cơ quan điều tra.

Ngày 30/8/2016, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể ký kháng nghị bản án này và đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy các bản án trên để điều tra lại theo đúng trình tự pháp luật. HĐXX gồm 14 thành viên do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa đã xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có nhiều thiếu sót, mâu thuẫn trong việc đánh giá chứng cứ để kết tội đối với Vi Văn Phượng.

Đường đi “lạ” của những vết máu

Nhận định về dấu vết máu thu thập tại hiện trường, Quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao cho rằng, dấu vết trên cổ nạn nhân do vật sắc nhọn chém với lực rất mạnh, máu phun tung tóe. Giường bà Vui nằm rất thấp, bị cáo đứng cao hơn giường, khi chém phải cúi xuống chém mà áo phông lại chỉ có mấy giọt máu bắn và quần Vi Văn Phượng mặc hôm đó lại không có máu là không phù hợp. Cơ quan điều tra cũng không thu chiếc quần Phượng mặc hôm bà Vui bị giết là thiếu sót. Bên cạnh đó, bản án đề nghị làm rõ dấu vết máu dạng nhỏ giọt xuất hiện ở… phía sau cổ áo của Phượng và trên đế quạt để ở đầu giường của bà Vui.

Về chiếc áo mà Vi Văn Phượng mặc hôm gây án cũng cần được làm rõ hơn. Kết luận điều tra khẳng định, khi gây án Phượng mặc hai áo, áo xanh bên ngoài và áo trắng có cổ bên trong. Tuy nhiên, cháu Hồ và nhân chứng Lăng Văn Mạnh, người đi làm cùng với Phượng đều cho biết Phượng chỉ mặc duy nhất một chiếc áo. Cơ quan điều tra đã thực nghiệm hiện trường để cho Phượng mặc quần áo như khi gây án nhưng khi thực nghiệm thì chỉ cho Phượng đứng yên mà không yêu cầu Phượng làm việc để xem người khác có nhìn thấy áo trong bị lộ ra ngoài hay không, người khác có nhìn thấy không?

Bên cạnh đó, trong hồ sơ có danh sách số điện thoại gọi đi, gọi đến cho thấy bị cáo gọi cho anh Vi Văn Sáng (là anh trai) lúc 11 giờ 23 phút, sau đó mới gọi cho anh Đinh Văn Dung là công an xã lúc 11 giờ 26 phút nhưng nội dung của các cuộc gọi này cũng chưa được làm rõ. Trước đó, tại thời điểm Vi Văn Phượng ăn cơm tại nhà anh Lê Quang Trường có phát sinh cuộc gọi của chị Mai vợ anh Linh gọi cho chồng. Trên điện thoại của chị Mai thể hiện cuộc gọi lúc 11 giờ 10 phút trong khi điện thoại của anh Linh thể hiện nhận cuộc gọi lúc 11 giờ 14 phút. Về thời điểm này, quá trình lấy lời khai mỗi người lại khai một khác. Anh Linh khai Phượng về sau khi nghe điện thoại, anh Mạnh khai về trước khi vợ chồng Mai- Linh gọi điện cho nhau. Còn anh Trường lại khai khi anh nói với con là “giờ mới 11 giờ mà đã đi học à?” thì Vi Văn Phượng đã về rồi. “Như vậy, việc sử dụng thời gian của bị cáo còn nhiều mâu thuẫn, cần phải làm rõ”, bản án kết luận.

Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán cũng chỉ ra hàng loạt các thiếu sót khác như thời gian từ khi kết thúc bữa ăn đến khi chết của bà Vui chưa được làm rõ. Kết luận của cơ quan giám định pháp y cũng chưa xác định là bà Vui chết lúc mấy giờ. Cơ quan điều tra khi mổ tử thi đã không lấy thức ăn trong dạ dày để giám định. Ngoài ra, cần làm rõ cơ chế hình thành các dấu vết khác trên giường khi thủ phạm dùng dao quắm để chém với lực mạnh. Động cơ giết người của Vi Văn Phượng cũng chưa được làm rõ. Chính quyền địa phương, hàng xóm láng giềng đều cho rằng Phượng là người hiền lành, thương yêu mẹ nhưng lời khai của người bán mì tôm cho Phượng lại cho rằng khi kể chuyện khổ vì nuôi mẹ, Phượng rất bức xúc, tức giận. “Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định xử Vi Văn Phượng tử hình về tội “giết người” với các căn cứ nêu trên là chưa vững chắc”, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao khẳng định. Cùng với quyết định hủy các bản án của hai cấp xét xử đối với Vi Văn Phượng đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ cho VKSND Tối cao điều tra lại từ đầu, TAND tối cao cũng đưa ra 7 yêu cầu cần làm rõ trong vụ án này, mở ra những hi vọng mới cho “tử tù” Vi Văn Phượng và những người thân trong gia đình.

Ky an ''giet me' mu loa vi 1,5 chi vang: Anh sang cuoi duong ham? - Anh 2

Vợ Vi Văn Phượng đi kêu oan cho chồng.

Chứng cứ buộc tội thiếu căn cứ khoa học và nhiều mâu thuẫn

Theo hồ sơ vụ án, Vi Văn Phượng bị bắt khẩn cấp ngày 18/10/2012. Tuy nhiên, các bản khai của Phượng về thời gian gây án lại rất khác nhau. Trong tất cả các bản khai đầu tiên, Phượng đều cho rằng mình bị oan. Đến các bản khai ghi ngày 19/10/2012 thì Phượng nhận tội. Bản khai này xác định thời điểm Phượng giết mẹ là khi đang đi làm thì… bỏ về nhà giết mẹ sau đó lại đi làm tiếp (khoảng 10 giờ sáng). Các bản khai từ ngày 20/10/2012, Phượng lại khai là giết mẹ sau khi ăn cơm ở nhà anh Trường về (11 giờ 15 phút cùng ngày).

Về chiếc áo khi mặc gây án, các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận Phượng mặc chiếc áo trắng bên ngoài khi gây án, bên trong là chiếc áo màu xanh có cổ. Trong khi đó, khi khai tại các biên bản lấy lời khai, hơn 10 nhân chứng (anh Trường, bà Thi, cháu Hồ, anh Hải….) đều khẳng định Phượng chỉ mặc duy nhất chiếc áo màu xanh. Tại phiên tòa phúc thẩm, một số người được triệu tập và thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm đều đã khẳng định Phượng mặc áo xanh ngày hôm đó nhưng bản án phúc thẩm không hề sử dụng lời khai của nhân chứng tại tòa. Cũng tại phiên tòa, Phượng khai trước hôm xảy ra án mạng Phượng mặc chiếc áo trắng giết gà làm làm cỗ và bị máu gà vương vào nên đã cởi chiếc áo đó vắt ở trong buồng. HĐXX cấp phúc thẩm cũng không hề đề cập, xem xét đến xem máu trên áo là máu gì.

Ky an ''giet me' mu loa vi 1,5 chi vang: Anh sang cuoi duong ham? - Anh 3

Vi Văn Phượng tại tòa.

Vì sao Vi Văn Phượng nhận tội?

Xem xét kỹ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án còn một điểm khá bất thường trong lời khai của anh Vi Văn Phượng. Đó là trong bút lục ghi lại cuộc hỏi cung vào hồi 8 giờ (không ghi thời gian kết thúc) ngày 19/10/2012 do điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng thực hiện thì trong cả 3 trang giấy ghi lời khai, anh Vi Văn Phượng đều không nhận tội. Nhưng một bút lục lập hồi 9 giờ 30 phút cùng ngày do điều tra viên Lê Danh Thu hỏi thì lại thể hiện bị can Phượng nhận tội. Đây cũng là lần đầu tiên anh Vi Văn Phượng nhận tội giết mẹ. “Vấn đề đặt ra là với thời gian 1 giờ 30 phút liệu có đủ thời gian để cơ quan điều tra cử hai điều tra viên hỏi cung độc lập hay không? Trong khi bản cung thứ nhất đã dài 3 trang cộng thêm thời gian làm thủ tục trích xuất, giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can, chốt cung, ký cung, đọc lại bản cung… Và có cơ quan điều tra nào cử hai điều tra viên vào hỏi độc lập cách nhau hơn một giờ đồng hồ?”, Luật sư Trần Văn An, Văn phòng Luật sư Dân An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Giang, nêu ý kiến.

Luật sư Trần Văn An cho biết, qua quá trình làm việc với anh Vi Văn Phượng, khi được hỏi về lý do nhận tội, anh Phượng cho rằng tại thời điểm ấy, các điều tra viên ép buộc rằng nếu không nhận tội sẽ bắt cháu Vi Văn Hồ là con đẻ của anh. Lo sợ việc con mình bị bắt nên anh Phượng đã nhận bừa. Phóng viên Tiền Phong liên lạc với cháu Vi Văn Hồ đang làm việc tại Đài Loan, Hồ cho biết: “Sau khi bà cháu mất thì công an về làm việc với cháu rất nhiều lần, đến cả trường cháu để hỏi. Cháu cũng không nhớ nổi bao nhiêu lần nữa!”.

Hàng loạt các hoạt động trong quá trình tố tụng vụ án này cũng thể hiện sự bất thường cần được xem xét lại một cách khách quan. Ví dụ như cơ quan điều tra đã thu giữ được con dao với đầy vết máu ở chuôi dao nhưng không thu được dấu vân tay trên đó. HĐXX triệu tập người làm chứng đến nhưng không hề ghi trong bản án về những người làm chứng và không thể hiện lời khai của họ tại phiên tòa. Đặc biệt, tại cấp phúc thẩm đã thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa vào phút chót mà không hề thông báo cho những người tham gia tố tụng được biết. Vị thẩm phán được thay đổi này đã về hưu ngay sau khi xét xử xong vụ án Vi Văn Phượng phạm tội giết mẹ. Đó là ông Bùi Đắc Uyên, nguyên lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang và cũng là thẩm phán chủ tọa trong phiên tòa xét xử “tử tù” oan sai Hàn Đức Long.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trường

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây