Xử phúc thẩm vụ án VN Pharma: Tòa triệu tập không đến, Thứ trưởng Bộ Y tế có bị áp giải?

Thứ sáu - 27/10/2017 05:30
(Phapluat News) - Phiên toà phúc thẩm vụ án VN Pharma đang thu hút sự quan tâm khá lớn của dư luận xã hội. Hôm rồi tôi đã có bài viết, nêu quan điểm phải truy tố về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" mới hợp lý. Hôm nay (24/10/2017) lại có chuyện Toà triệu tập mà Cục trưởng Cục quản lý Dược không đến. Báo Giao Thông có mời tôi bình bàn ngắn gọn về khía cạnh tố tụng hình sự trong trường hợp này. Dưới đây là ý kiến của tôi.
Xử phúc thẩm vụ án VN Pharma: Tòa triệu tập không đến, Thứ trưởng Bộ Y tế có bị áp giải?



Theo luật sư, với diễn biến của phiên tòa hiện nay, tư cách tố tụng của Thứ trưởng Bộ Y tế được triệu tập chưa được xác định chính thức nên Tòa chưa thể áp giải khi ông này vắng mặt.

"Dẫn giải" là một biện pháp tố tụng hình sự, áp dụng trong trường hợp nhân chứng cố ý không có mặt tại toà theo giấy triệu tập, và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử (ảnh minh hoạ)

Trước phiên xử phúc thẩm ngày 24/10, Tòa đã có thư triệu tập đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, lãnh đạo Cục Quản lý Dược để làm rõ nhiều vấn đề. Tuy nhiên, sáng nay, chỉ có ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế có mặt. Nhân vật được quan tâm nhất trong phiên xử ngày hôm nay - Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường vắng mặt.

Trước tình tiết này, dư luận đặt nhiều câu hỏi: Tòa triệu tập không đến, hậu quả pháp lý thế nào? Tòa có quyền làm gì, có áp giải người triệu tập không đến được không? Luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn LS TP.HCM đã có một số phân tích về vấn đề này. Cụ thể như sau:

Qua phần xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm vài ngày qua, đã xuất hiện khá nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, về trách nhiệm của Cục quản lý Dược và một số cán bộ lãnh đạo tại cơ quan này Thậm chí là có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa nhận hối lộ.v.v...

Chính vì vậy, Toà đã triệu tập một số cá nhân có liên quan đến các tình tiết mới này. Cụ thể, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Cục trưởng Cục quản lý Dược và ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Cục trưởng. Bởi hai người này được các cơ quan tố tụng xác định có liên quan trực tiếp đến việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc H-Capita, có dấu hiệu là thuốc giả. Việc Toà phúc thẩm triệu tập các cá nhân "mới" như vậy, chính là để bảo đảm nguyên tắc "xác định sự thật vụ án" được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, xét về mặt tố tụng, cá nhân ông Thứ trưởng Trương Quốc Cường lúc này không phải là "nhân chứng" hay "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan một cách "chính thức" trong vụ án. Hay nói khác, tư cách tố tụng của ông Thứ trưởng chưa được xác định chính thức. Trong trường hợp này, toà triệu tập chỉ để hỏi, làm rõ.

Về nguyên tắc, mọi công dân, tổ chức khi được Toà án triệu tập đều phải có mặt theo giấy triệu tập. Tuy nhiên Luật tố tụng hình sự không quy định bắt buộc những người không/chưa có tư cách tố tụng phải có mặt và nếu không có mặt thì sẽ bị áp giải. Trường hợp bị áp giải chỉ áp dụng với các nhân chứng. Do vậy, tôi cho rằng Toà không có quyền áp giải Thứ trưởng Trương Quốc Cường đến toà, nếu ông này vẫn vắng mặt. Sự vắng mặt của ông này có thể xem là sự thiếu hợp tác, thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cho dù ông Thứ trưởng không có mặt tại phiên toà lần này, thì không đồng nghĩa với việc những câu hỏi đặt ra với ông sẽ được bỏ qua, hay ông Thứ trưởng sẽ "thoát" được trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự, nếu có của mình... Phiên toà phúc thẩm hoàn toàn không phải là cơ hội duy nhất để các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết. Toà phúc thẩm có quyền huỷ án, yêu cầu điều tra bổ sung, xét xử lại, có quyền đề nghị điều tra về trách nhiệm, sai phạm của Cục quản lý Dược và lãnh đạo cơ quan này ...

Tại phiên toà ngày 20/10/2017, đại diện VKS đã nêu quan điểm đề nghị huỷ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xét xử lại, để toàn diện hơn, tránh lọt người, lọt tội - trong đó có việc làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược và cả một số cá nhân, lãnh đạo tại Cục này. Theo tôi kháng nghị này là cần thiết, hợp lý.

                                                                 Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM). 
.........

* Quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự (năm 2003):

Điều 55. Người làm chứng

1. Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.

2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của bị can, bị cáo;

b) Người do có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

3. Người làm chứng có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;

b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.

Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

Điều 54. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:

a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Tham gia phiên toà; phát biểu ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

c) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình;

d) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

........

Tác giả bài viết: Luật sư Trần Hồng Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây