Một đôi ủng màu cờ Mỹ bị bỏ lại trong cuộc hoảng loạn ở Las Vegas tối 1-10 - Ảnh: REUTERS
Las Vegas - thành phố hào nhoáng của những sòng bạc, sẽ còn được nhắc đến với tư cách là nơi xảy ra vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử Mỹ hiện đại. 58 người đã ra đi, hơn 500 người bị thương và một cuộc tranh luận kịch liệt đang chờ nước Mỹ phía trước.
"Cảm thông và cầu nguyện không bao giờ đủ"
Đó chính xác là những gì Thượng nghị sĩ (TNS) Dân chủ Elizabeth Warren đã viết trước những chỉ trích, sẻ chia và cầu nguyện của những đồng nghiệp Cộng hòa sau vụ xả súng ở Las Vegas tối 1-10 (giờ Mỹ).
"Cả đất nước bàng hoàng, lên án và nguyện cầu", Paul Ryan - Chủ tịch Hạ viện, một người Cộng hòa viết vào ngày 2-10. Lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện, TNS Mitch McConnell đề nghị "quốc tang" và kêu gọi cầu nguyện. Lác đác còn có một số thành viên Cộng hòa khác với nội dung tương tự.
Nhưng tất cả đều im lặng khi những người Dân chủ khơi dậy cuộc tranh luận, đòi siết chặt kiểm soát súng đạn.
"Cảm thông và cầu nguyện không bao giờ là đủ. Sẽ chẳng bao giờ là đủ cả khi cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh, những đứa con lớn lên mà không có cha mẹ ngày càng hiện hữu", TNS Warren viết trên Twitter ngày 3-10.
"Quốc hội Mỹ, đã tới lúc nên nhấc mông lên và làm gì đó cần thiết", TNS Chris Murphy nói thẳng. Ông Murphy đã đứng chân cùng những người Dân chủ khác khi khẳng định sẽ trình một dự luật rà soát lý lịch người mua súng mới trong tuần này.
Hồi tháng rồi, Chủ tịch Hạ viện Ryan, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP, cho rằng những thảm kịch đẫm máu của nước Mỹ đến từ chuyện súng đạn rơi vào tay của những kẻ khùng điên. Ông kêu gọi nên duy trì ngân sách liên bang cho việc phát hiện ra những kẻ loạn trí này.
Nhưng Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa của ông Ryan chiếm đa số, gần đây lại thông qua đạo luật cắt giảm ngân sách của cơ quan chuyên trách sức khỏe tâm thần thuộc chính phủ Mỹ.
Kể ra để thấy, giữa cảm thông và cầu nguyện với hành động để ngăn chặn thảm kịch tái diễn là hai chuyện hoàn toàn khác. Thực tế, người ta đã gần như chán ngấy với cuộc tranh luận về quyền sở hữu súng của nước Mỹ bởi nó chẳng có hồi kết.
Đỉnh điểm của cuộc tranh luận thường xảy ra sau các vụ thảm sát. Đáng buồn thay, những đỉnh điểm như vậy ngày càng xuất hiện nhiều.
Năm 2012, thảm kịch Connecticut khiến 20 trẻ em và 6 người lớn thiệt mạng cũng đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi nảy lửa tại Quốc hội Mỹ. Nhưng tất cả những nỗ lực thắt chặt luật sở hữu súng đã chấm dứt vào năm 2013, vừa ngay khi Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA) lên tiếng phản đối kịch liệt.
Ai cũng hiểu, đằng sau đó là cả một quá trình vận động hành lang mạnh mẽ của hiệp hội này, đủ nặng để dập tắt những tiếng nói phản đối.
Nếu quốc hội do đảng Cộng hòa lãnh đạo và vị tổng thống này cứ tiếp tục phí hoài trí tuệ, xem nhẹ đạo đức, California sẽ phải đi theo điều mà chúng tôi tin là hợp lý
Phó thống đốc bang California Gavin Newsom
Nghi phạm đào đâu ra hàng chục súng trường tự động?
Đó hẳn là câu hỏi đang được đặt ra sau thông tin cảnh sát phát hiện hàng chục khẩu súng trường tự động cùng hàng trăm băng đạn tại nhà riêng của nghi phạm Stephen Craig Paddock ngày 2-10.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhà chức trách thành phố Las Vegas và bang Nevada chưa công bố loại súng nghi phạm sử dụng trong vụ thảm sát. Tuy nhiên, dựa vào các đoạn video ghi lại thời điểm y xả súng, có thể khẳng định đó chắc chắn là súng trường tự động.
Giây phút nghi phạm Paddock xả súng. Tiếng súng liên tục như mưa là bằng chứng cho thấy y sử dụng loại súng trường tự động hoàn toàn - Nguồn: Youtube
Ít nhất 18 khẩu súng cùng loại, hàng trăm băng đạn đã được cảnh sát tìm thấy tại căn phòng y thuê để thực hiện tội ác ở khách sạn Mandalay Bay.
Không cần phải suy đoán, nguồn gốc của những khẩu súng này là bất hợp pháp bởi luật Mỹ cấm việc mua bán súng trường tự động kể từ năm 1986.
Tu chính án thứ 2 trong Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền sở hữu súng của người dân nhưng luật của mỗi bang về vấn đề này lại rất khác.
Nevada, nơi nghi phạm sinh sống, được mệnh danh là thủ đô của súng ống của nước Mỹ. Luật Nevada không bắt buộc người mua súng trường phải có giấy phép hay xét lý lịch rườm rà như các bang khác. Niềm tin được đặt vào người bán thông qua một quá trình kiểm tra và cấp phép.
Người ta thậm chí có thể nổ súng ở nơi công cộng, mang súng vào vũ trường, sòng bạc hay nhà hàng ở Nevada. Và cũng không giống như các bang khác, ở Nevada chẳng có giới hạn nào về việc khẩu súng đó có thể mang được băng đạn bao nhiêu viên.
Năm 1994, Đạo luật liên bang cấm vũ khí sát thương đã cấm một số loại súng trường bán tự động có băng đạn lớn trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, sau khi đạo luật này hết hiệu lực vào năm 2004 dưới thời chính quyền George W. Bush của đảng Cộng hòa, nó đã thất bại trong việc gia hạn.
Trong vòng 5 năm, từ 2011 đến 2016, hơn 100 đề xuất kiểm soát súng đạn đã được đề xuất lên quốc hội Mỹ nhưng đều chung kết cục thảm bại, theo CBS News. California và Massachusetts là hai bang quy định chặt chẽ nhất về việc sở hữu súng.
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn