Vụ án tranh chấp di sản thừa kế: Tòa tự đặt ra luật để xét xử?

Thứ bảy - 30/09/2017 23:19
(Phapluat News) - Khi Tòa án tuyên bố một giao dịch nào đó vô hiệu thì về nguyên tắc phải có căn cứ pháp lý. Nói khác, Tòa án chỉ có thể tuyên bố một giao dịch vô hiệu khi luật có quy định.
LS Hồ Ngọc Điệp
LS Hồ Ngọc Điệp

Trong vụ án này, Tòa án nhân dân quận P.N, Thành phố H đã tự đặt ra một căn cứ vô hiệu khác của hợp đồng, hoàn toàn không được quy định trong BLDS cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, đó là: hợp đồng sẽ bị vô hiệu nếu một trong các bên chưa thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản (?)

1/ Sơ lược nội dung vụ án.

Theo trình bày của nguyên đơn – bà Bùi Thị Mây (*): cha mẹ bà là ông Bùi Thiết và bà Trần Thị Lợi lúc sinh thời đã tạo lập được khối tài sản gồm 03 căn nhà: hai căn số 20 và 47 Huỳnh Mẫn Đạt, quận P.N và một căn số 183 Đào Duy Từ, quận T.B, Thành phố H.

Trong số 03 căn nhà nói trên thì có 02 căn: nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt và 183 Đào Duy Từ, ông Thiết, bà Lợi nhờ con trai là ông Bùi Văn Tiến là người có hộ khẩu Thành phố đứng tên giùm. Vì thời điểm mua các căn nhà này, theo quy định chung của Thành phố, những người không có hộ khẩu tại địa phương thì không được đứng tên sở hữu nhà. Năm 1999 theo yêu cầu của cha mẹ, ông Bùi Văn Tiến đã lập hợp đồng tặng cho căn nhà 183 Đào Duy Từ cho em trai là ông Bùi Ngọc Lân.

Riêng nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt, vào năm 1999 theo yêu cầu của mẹ là bà Trần Thị Lợi, ông Tiến đã chuyển giao lại quyền sở hữu căn nhà trên cho bà Lợi bằng hợp đồng tặng cho nhà số 0406/TCN ngày 16/01/1999 tại Phòng Công chứng Số 1 Thành phố H.

Ông Bùi Thiết chết ngày 28/3/1999, bà Trần Thị Lợi chết ngày 27/9/1999 đều không để lại di chúc.

Hiện nay nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt, ông Bùi Văn Tiến vẫn đang quản lý, sử dụng. Nay nguyên đơn yêu cầu được chia thừa kế theo pháp luật đối với khối di sản là căn nhà nói trên.

2/ Nhận định và quyết định của án sơ thẩm.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 124/2010 ngày 28/5/2010, Tòa án nhân dân quận P.N, Thành phố H nhận định:

xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy: bà Mây căn cứ vào “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998 thì nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt là nhà của ông Thiết, bà Lợi, và ông Tiến chỉ là người đứng tên giùm vì ông Tiến có hộ khẩu tại thời điểm mua nhà, trong khi ông Tiến không thừa nhận việc ông đã đứng tên giùm cho ông Thiết, bà Lợi đối với căn nhà 47. “Biên bản họp gia đình” là tài liệu photo, không có sao y công chứng, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều khằng định không có bản chính để cung cấp cho Tòa thì tài liệu này không phải cơ sở để xem xét giải quyết vụ án mà chỉ để tham khảo…

Tài liệu thể hiện trong hồ sơ gồm: “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998 trong đó có chữ ký của ông Tiến nhưng ông Tiến không thừa nhận đó là chữ ký của ông, tài liệu nêu trên phía bị đơn cho rằng không có bản chính và cũng không nộp cho Tòa mà Thư ký Tòa ghi “đã đối chiếu bản chính do bị đơn cung cấp” là không đúng… Hội đồng xét xử nghĩ, phía nguyên đơn, bị đơn cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có bản chính cung cấp cho Tòa thì làm sao có chứng cứ để Tòa ghi đã đối chiếu với bản chính. Hai tài liệu gồm: “Tờ cam kết thỏa thuận” ngày 15/1/1999 và “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998 thể hiện trong hồ sơ đều là bản photo và được Thư ký ghi: đã đối chiếu bản chính do bị đơn cung cấp đều có cùng ngày, trong khi bị đơn chỉ thừa nhận cung cấp cho Tòa 01 tài liệu là  “Bản cam kết và thỏa thuận” ngày 15/1/1999 là chưa thuyết phục….

Hội đồng xét xử nghĩ, tuy căn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt đã được ông Tiến, bà Vân (vợ đã ly hôn của ông Tiến) lập hợp đồng tặng cho nhà số 0406/HĐ – TCN ngày 16/1/1999 cho bà Lợi, nhưng bà Lợi chưa làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì hợp đồng tặng cho nhà nêu trên là vô hiệu và căn nhà vẫn thuộc về ông Tiến nên yêu cầu phản tố của ông Tiến xin hủy hợp đồng tặng cho nhà số 0406/HĐ – TCN là cần thiết. Hội đồng xét xử nghĩ, ông Tiến có trách nhiệm liên hệ các cơ quan chức năng để lập thủ tục đổi chủ quyền nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt, quận P.N là hợp lý.

Từ nhận định trên, Tòa án nhân dân quận P.N, Thành phố H đã tuyên xử:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – bà Bùi Thị Mây và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác có yêu cầu chia di sản thừa kế đối với căn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt, quận P.N, Thành phố H.

- Hợp đồng tặng cho nhà số 0406/TCN ngày 16/1/1999 là hợp đồng vô hiệu.

- Chấp nhận yêu cầu của ông Bùi Văn Tiến về việc yêu cầu hủy bỏ hợp đồng tặng cho số 0406/HĐ – TCN ngày 16/1/1999 của Phòng Công chứng nhà nước Số 1 Thành phố H.

3/ Bình luận.

3.1/ Vấn đề nhận định và đánh giá chứng cứ của vụ án.

Một trong những tài liệu thể hiện nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt là di sản thừa kế do ông Bùi Thiết và bà Trần Thị Lợi để lại là “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998. Nội dung biên bản này ghi rõ: tài sản do ông Bùi Thiết và bà Trần Thị Lợi tạo lập gồm có 3 căn nhà: 02 căn nhà số 20 và 47 đường Huỳnh Mẫn Đạt, Quận PN. và 01 căn nhà số 183 đường Đào Duy Từ quận T.B, Thành phố H. Trong đó 02 căn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt và 183 Đào Duy Từ là do ông Bùi Văn Tiến đứng tên sở hữu. Đây là chứng cứ quan trọng thể hiện nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt - đối tượng tranh chấp trong vụ án này là di sản do ông Bùi Thiết và bà Trần Thị Lợi để lại. Tuy nhiên, điều đáng nói là do sự sơ suất của Thư ký Tòa án trong khi thu thập chứng cứ, nên Tòa án không xác định được tài liệu này do ai cung cấp.

Thế nhưng, nội dung của văn bản này không chỉ xác định nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt là tài sản chung của vợ chồng ông Bùi Thiết và bà Trần Thị Lợi mà quan trọng hơn nó còn thể hiện việc thỏa thuận phân chia tài sản giữa bị đơn là ông Bùi Văn Tiến với các anh em trai khác là các ông Bùi Văn Phát, Bùi Ngọc Lân và Bùi Quang Hậu liên quan đến các căn nhà số 20 Huỳnh Mẫn Đạt, 183 Đào Duy Từ và 47 Huỳnh Mẫn Đạt.

Chính vì vậy, để xác định có hay không “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998, điều quan trọng là cần làm rõ các nội dung thỏa thuận tại biên bản ngày 20/12 có được thực hiện trên thực tế không? Việc các ông Bùi Ngọc Lân, Bùi Văn Tiến và Bùi Quang Hậu chiếm hữu, sử dụng các căn nhà nói trên dựa trên cơ sở nào? Có đúng theo tinh thần thỏa thuận tại biên bản ngày 20/12 không? Nếu việc phân chia các căn nhà nói trên phù hợp với nội dung biên bản họp gia đình  ngày 20/12/1998 thì rõ ràng biên bản này là hoàn toàn có thật. Vì các nội dung thỏa thuận tại biên bản này đã được chính những người trong cuộc thực hiện trên thực tế, do vậy, dù không có bản chính, bị đơn cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của biên bản họp gia đình ngày 20/12 nói trên.

Căn cứ vào các nội dung thỏa thuận tại biên bản ngày 20/12/1998 và diễn biến thực tế liên quan đến việc phân chia các căn nhà số 20 Huỳnh Mẫn Đạt, 47 Huỳnh Mẫn Đạt và 183 Đào Duy Từ, có thể thấy rằng từ việc chiếm hữu cho đến thỏa thuận về việc bù trừ giá trị chênh lệch khi phân chia nhà giữa các ông Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Phát, Bùi Ngọc Lân và Bùi Quang Hậu đều được thực hiện đúng theo tinh thần thỏa thuận tại biên bản họp gia đình ngày 20/12/1998. Cụ thể như sau:

a/ Thỏa thuận phân chia căn nhà 20 Huỳnh Mẫn Đạt cho ông Bùi Quang Hậu

Trong “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998 có nội dung ông Bùi Quang Hậu được cha mẹ chia cho căn nhà số 20 Huỳnh Mẫn Đạt. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế là ông Hậu đã nhận căn nhà này và hiện nay đang đứng tên sở hữu.

b/ Thỏa thuận chọn nhà 183 Đào Duy Từ  và 47 Huỳnh Mẫn Đạt giữa ông Bùi Ngọc Lân và ông Bùi Văn Tiến.

“Biên bản họp gia đình” cũng có nội dung phù hợp với diễn biến thực tế đối với việc thỏa thuận phân chia 02 căn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt và 183 Đào Duy Từ giữa ông Bùi Văn Tiến và ông Bùi Ngọc Lân. Theo đó, ông Bùi Ngọc Lân chọn căn nhà 183 Đào Duy Từ, ông Bùi Văn Tiến chọn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt. Tuy nhiên, tại thời điểm lập “Biên bản họp gia đình” cả hai căn nhà trên đều do ông Tiến đứng tên giấy tờ. Do vậy, để thực hiện đúng theo thỏa thuận phân chia tại biên bản họp gia đình ngày 20/12 nói trên, ông Bùi Văn Tiến đã tiến hành lập hợp đồng tặng cho căn nhà số 183 Đào Duy Từ cho ông Bùi Ngọc Lân tại Phòng Công chứng nhà nước Số 2 Thành phố H . Như vậy, việc ông Bùi Ngọc Lân được chia căn nhà 183 Đào Duy Từ là đúng theo nội dung thỏa thuận tại biên bản họp gia đình ngày 20/12/1998.

c/ Thỏa thuận về việc ông Bùi Văn Tiến và ông Bùi Ngọc Lân, mỗi người phải hoàn trả lại cho ông Bùi Văn Phát 75 lượng vàng để ông Phát mua nhà khác.

Tại “Đơn tường trình” ngày 15/3/2010, bà Vũ Thị Thu vợ ông Bùi Ngọc Lân (đã chết) khẳng định “ căn nhà 183 Đào Duy Từ, quận T.B Thành phố H.  là tài sản do cha mẹ ông Bùi Ngọc Lân tạo lập chứ không phải là tài sản của ông Bùi Văn Tiến. Khi nhận căn nhà trên vợ chồng bà có thối lại 75 lượng vàng SJC”.

Lời khai này hoàn toàn phù hợp với nội dung thể hiện trong “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998 là: chia đều giá trị của 02 căn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt và 183 Đào Duy Từ cho 03 người con trai là Bùi Văn Tiến, Bùi Ngọc Lân và Bùi Văn Phát. Theo đó, trị giá 02 căn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt  và 183 Đào Duy Từ là 450 lượng vàng (mỗi căn là 225 lượng). Mỗi căn nhà người nhận (là ông Lân và ông Tiến) sẽ hoàn lại cho ông Phát 75 lượng vàng, hai căn là 150 lượng để ông Phát mua nhà khác.

Chính vì vậy, khi vợ chồng ông Lân, bà Thu nhận nhà 183 Đào Duy Từ đã phải hoàn lại 75 lượng vàng đúng như lời khai trên đây của bà Thu vợ ông Bùi Ngọc Lân.

Như vậy đã rõ, mặc dù bị đơn phủ nhận tài liệu là “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998, nhưng có một thực tế mà bị đơn không thể phủ nhận, đó là sự phân chia tài sản  giữa các ông Bùi Văn Phát, Bùi Văn Tiến, Bùi Quang Hậu và Bùi Ngọc Lân liên quan đến 03 căn nhà: 20 Huỳnh Mẫn Đạt,  47 Huỳnh Mẫn Đạt và 183 Đào Duy Từ  đã diễn ra trên thực tế đúng đến từng chi tiết so với nội dung thỏa thuận tại biên bản ngày 20/12/1998. Điều này đã khẳng định một thực tế hết sức rõ ràng là cả 03 căn nhà 20 Huỳnh Mẫn Đạt, 183 Đào Duy Từ và 47 Huỳnh Mẫn Đạt đều là tài sản của vợ chồng ông Thiết, bà Lợi, và  “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998 là hoàn toàn có thật. Vì nếu không có biên bản này thì không có cơ sở cho sự thỏa thuận, để từ đó các bên thực hiện việc phân chia tài sản trên thực tế. Đó là chưa nói đến lý do vì sao việc phân chia các căn nhà trên so với nội dung thỏa thuận tại “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998 lại phù hợp và trùng khớp với nhau đến từng chi tiết như thế.

Theo hồ sơ vụ án thì “Biên bản họp gia đình” ngày 20/12/1998 là tài liệu do bị đơn cung cấp và đã được Thư ký  Tòa án đối chiếu. Nhận định về tính xác thực của tài liệu này, bản án sơ thẩm cũng cho rằng:

“ phía nguyên đơn, bị đơn cũng như người có quyền lợi liên quan không có bản chính cung cấp cho Tòa thì làm sao có chứng cứ để Tòa án ghi đã đối chiếu bản chính” và “hai tài liệu gồm tờ cam kết thỏa thuận ngày 15/1/1999 và biên bản họp gia đình ngày 20/12/1998 thể hiện trong hồ sơ đều là bản photo và được thư ký ghi đã đối chiếu bản chính do bị đơn cung cấp đều có cùng ngày, trong khi đại diện bị đơn chỉ thừa nhận chỉ có cung cấp cho tòa 01 bản “cam kết và thỏa thuận” ngày 15/1/1999 là chưa thuyết phục

Như vậy, chính Tòa án cấp sơ thẩm đã khẳng định “Biên bản họp gia đình” là tài liệu có thật và đã được chính bị đơn cung cấp bản chính cho Tòa. Thế nhưng, khi bị đơn phủ nhận việc cung cấp bản chính “biên bản họp gia đình” thì Tòa án cấp sơ thẩm lại không xem xét, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện để xác định sự phủ nhận đó có hợp lý hay không? mà “thúc thủ” chấp nhận và xem như chứng cứ này không tồn tại trên thực tế.

Cách làm này vô hình trung đã tạo điều kiện cho đương sự dễ dàng qua mặt cơ quan tiến hành tố tụng bất kỳ lúc nào, một khi có cơ hội. Mặt khác, nó còn thể hiện sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán của chính Tòa án trong việc nhận định và đánh giá chứng cứ. Vì sao trong cùng một bản án mà ở phần nhận định thì khẳng định có cung cấp bản chính ( vì nếu không cung cấp bản chính thì làm sao có chứng cứ để Tòa án ghi đã đối chiếu bản chính) và việc phủ nhận của bị đơn là chưa thuyết phục. Nhưng khi xem xét và đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án thì lại không thừa nhận sự thật khách quan này?

Rõ ràng cấp sơ thẩm đã tự mâu thuẫn ngay trong cách nhìn nhận và đánh giá chứng cứ của mình.

3.2/ Vấn đề hiệu lực của hợp đồng tặng cho nhà giữa ông Bùi Văn Tiến và bà Trần Thị Lợi.

Trên cơ sở áp dụng các quy định của BLDS năm 1995, tại bản án dân sự sơ thẩm số  124/2010, Tòa án nhân dân quận PN. Thành phố H cho rằng: “ Căn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt đã được ông Tiến lập hợp đồng tặng cho nhà số 0406/HĐ – TCN ngày 16/1/1999 cho bà Lợi nhưng bà Lợi chưa làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì hợp đồng tặng cho nhà nêu trên là vô hiệu và căn nhà vẫn thuộc về ông Tiến…”

Từ nhận định này, cấp sơ thẩm đã tuyên xử hủy hợp đồng tặng cho nhà giữa ông Tiến với bà Lợi . Đồng thời công nhận nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt  thuộc sở hữu của ông Bùi Văn Tiến.

Chúng tôi cho rằng quyết định trên của bản án sơ thẩm không những sai lầm về nội dung, về áp dụng pháp luật mà còn thể hiện sự tùy tiện, không dựa trên bất kỳ một căn cứ pháp lý nào. Điều này thể hiện rõ trên các  khía cạnh sau đây:

Sai lầm trong việc xác định luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.

Tại Mục 2 Nghị Quyết số 45/2005 ngày 14/6/2005 của Quốc Hội về việc thi hành BLDS đã quy định rõ:

Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:

a/ Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của BLDS thì áp dụng các quy định của BLDS

Hợp đồng tặng cho nhà giữa ông Tiến với bà Lợi đã qua công chứng nhưng chưa hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu nên được xem là đang trong giai đoạn thực hiện.

Nội dung và hình thức của Hợp đồng tặng cho nhà được quy định trong BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 là hoàn toàn giống nhau. Do vậy, theo tinh thần hướng dẫn của Nghị Quyết 45 thì luật áp dụng trong trường hợp này là BLDS năm 2005 chứ không phải BLDS năm 1995 như bản án sơ thẩm đã áp dụng.

-  Án sơ thẩm xác định nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt vẫn thuộc quyền sở hữu của bị đơn là không có căn cứ  và trái pháp luật.

Như trên đã phân tích, luật áp dụng trong trường hợp này là BLDS năm 2005. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử sơ thẩm (năm 2009) cùng với BLDS năm 2005, Luật Nhà ở (có hiệu lực ngày 1/7/2006) cũng đang có hiệu lực thi hành.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật nhà ở thì “ trường hợp có sự khác nhau của Luật này với pháp luật có liên quan về sở hữu nhà ở … giao dịch về nhà ở…thì áp dụng quy định của Luật này”.

Khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở quy định “ quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho nhà ở… kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân…”

Như vậy, theo quy định của Luật Nhà ở, trong trường hợp này, quyền sở hữu đối với căn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt đã được chuyển giao cho bà Trần Thị Lợi từ thời điểm hợp đồng tặng cho nhà giữa các bên được công chứng.  Vậy thì không có cơ sở nào để cho rằng nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Bùi Văn Tiến như án sơ thẩm đã tuyên.

-  Tòa án cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng tặng cho nhà vô hiệu và tuyên hủy giao dịch tặng cho nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt là tùy tiện và không có căn cứ  pháp luật.

Trước hết cần phải thấy rằng, khi Tòa án tuyên bố một giao dịch nào đó vô hiệu thì về nguyên tắc phải có căn cứ pháp lý. Nói khác, Tòa án chỉ có thể tuyên bố một giao dịch vô hiệu khi luật có quy định.

Hợp đồng tặng cho nhà được xác lập giữa ông Tiến với bà Trần Thị Lợi hoàn toàn tuân thủ các quy định pháp luật. Nội dung và hình thức của hợp đồng, theo nhận định của bản án sơ thẩm cũng không thuộc trường hợp bị vô hiệu theo quy định tại các Điều, từ Điều  128 đến 134  BLDS. Vậy cơ sở nào để Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng đây là giao dịch vô hiệu?

Căn cứ vào nhận định của bản án sơ thẩm thì lý do hợp đồng vô hiệu được xác định như sau: “bà Lợi chưa làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì hợp đồng tặng cho nhà nêu trên là vô hiệu…”.

Rõ ràng đây là một nhận định hết sức tùy tiện. Bởi lẽ  không có một quy định nào của pháp luật nói chung và BLDS nói riêng, quy định hợp đồng tặng cho nhà ở sẽ bị vô hiệu, nếu như bên nhận tặng cho chưa thực hiện việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như lý do mà bản án sơ thẩm đã tự đặt ra.

Ngay cả trong trường hợp người được tặng cho nhà ở, chết trước khi làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu như trường hợp của bà Trần Thị Lợi trong vụ án này, thì cũng không vì thế mà hợp đồng tặng cho nhà ở bị vô hiệu. Bởi lẽ theo quy định của pháp luật dân sự, ngoại trừ chế định “ủy quyền” được xem là chấm dứt và đương nhiên hết hiệu lực nếu bên ủy quyền hoặc bên nhận ủy quyền chết. Ngoài ra đối với tất cả các giao dịch còn lại, nếu một hoặc các bên tham gia giao dịch chết thì các thừa kế của họ sẽ là người kế thừa quyền và nghĩa vụ do người chết để lại, chứ hoàn toàn không có một quy định pháp luật nào xem sự kiện “mệnh một” (chết) của một người nào đó, là căn cứ để chấm dứt hay vô hiệu đối với một quan hệ hợp đồng hay giao dịch dân sự nói chung. Điều 636 BLDS cũng quy định rõ vấn đề này như sau: “ kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”.

Như vậy,  trong trường hợp này, rõ ràng các thừa kế của bà Trần Thị Lợi đương nhiên sẽ là người kế thừa quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng tặng cho nhà ở được xác lập giữa bà Lợi với ông Tiến. Theo đó, các thừa kế của bà Lợi hoàn toàn có quyền yêu cầu bên tặng cho là ông Tiến tiếp tục hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu cho các thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có tranh chấp xảy ra thì tùy thuộc vào nội dung quan hệ tranh chấp giữa các bên mà Tòa án sẽ có những phán quyết phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, nếu các thừa kế của bà Lợi khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu nhà dựa trên cơ sở của “Hợp đồng tặng cho tài sản” thì Tòa án xem xét công nhận tính hợp pháp của hợp đồng tặng cho và tuyên bố các thừa kế của bà Lợi có quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Trường hợp các thừa kế của bà Trần Thị Lợi khởi kiện yêu cầu chia thừa kế thì căn cứ vào tính hợp pháp của “Hợp đồng tặng cho” và thời điểm chuyển giao quyền sở hữu theo quy định của Luật Nhà ở để xác định nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt là di sản thừa kế do bà Trần Thị Lợi để lại và phân chia khối di sản này cho các đồng thừa kế.

  Như vậy có thể thấy rằng, cho dù nhà số 47 Huỳnh Mẫn Đạt là tài sản chung của ông Bùi Thiết và bà Trần Thị Lợi tạo lập và nhờ ông Tiến đứng tên giùm, hay đó là tài sản của bà Trần Thị Lợi được ông Tiến tặng cho bằng hợp đồng tặng cho tài sản số 0406/ HĐ – TCN ngày 16/1/1999 thì đó cũng là di sản thừa kế.

Việc nguyên đơn khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế đối với nhà số 47 nói trên là hoàn toàn có căn cứ và phù hợp pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm xác định hợp đồng tặng cho nhà ở vô hiệu để từ đó giao trả lại căn nhà 47 Huỳnh Mẫn Đạt cho bị đơn và bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhìn từ khía cạnh luật pháp cũng như đạo lý đều không phù hợp, vì nó khuyến khích cho một sự “bội tín”, đi ngược lại quan điểm “phải tôn trọng lời cam kết” vốn là một nguyên tắc trong Dân luật và là một giá trị phổ quát trong đời sống xã hội nói chung.

Tác giả bài viết: Luật sư HỒ NGỌC DIỆP ( Rút từ sách Bình luận án)

Nguồn tin: PhapluatNews.net:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây