Báo Kinh doanh & Pháp luật số ra ngày 28.11.2018
Đất đang còn tranh chấp…
Thửa đất có số hiệu 298, có diện tích 3 sào 11 thước, ở tại thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương - theo Đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Cảnh, có nguồn gốc của ông Nguyễn Nghi thừa kế theo pháp luật từ ông cố nội là Nguyễn Điệu tạo lập năm 1936, theo Giấy tuyệt hứa lập ngày 23/12/1952. Sau khi ông Nghi qua đời, con trai cả Nguyễn Hữu Tấn thừa kế. Năm 1964, ông Tấn chuyển vào Quy Nhơn lập nghiệp, để lại cho em gái là bà Nguyễn Thị Cúc tiếp tục quản lý canh tác. Sau năm 1975, bà Cúc không đưa thửa đất vào HTXNN mà giữ lại để canh tác ổn định. Đến năm 2002, thửa đất bất ngờ bị ông Nguyễn Hữu Cừu (người trong họ) tranh chấp. Theo ông Cừu, thửa đất mà bà Cúc đang canh tác chính là thửa đất 391, diện tích 2 sào 10 thước có nguồn gốc do cha ông Nguyễn Hữu Cửu mua lại của ông Nguyễn Điệu.
Do phát sinh tranh chấp nên UBND xã Hoài Hương tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Lần 1, vào ngày 06/3/2002, Biên bản hòa giải ghi: “
Khoảnh đất nêu trên nằm trong quy hoạch tổng thể của UBND xã, chưa giao quyền cho ai như vậy đất này của Nhà nước quản lý…”; lần 2, vào ngày 21/7/2004. Tại buổi hòa giải lần 2, theo bà Cảnh (con bà Cúc – người được ủy quyền), UBND xã Hoài Hương không đưa ra được tài liệu gì mới nhưng cho rằng: “
Vị trí đất ông Nguyễn Hữu Cừu đang có đơn yêu cầu chiếu theo trích lục cũ là đúng phù hợp với thửa đất có đơn xin cấp quyền của ông Cừu; vị trí đất bà Nguyễn Thị Cúc đang có đơn yêu cầu chiếu theo trích lục cũ là không phù hợp với trí đất bà Cúc yêu cầu”.
Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định): “Theo quy định tại Điều 10 Luật Khiếu nại: “Việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại”. Do đó nếu UBND huyện Hoài Nhơn cho rằng bà Cúc rút đơn khiếu nại bằng điểm chỉ trong Biên bản cuộc họp của UBND xã Hoài Hương ghi sẵn là không có căn cứ”.
Giữa lúc vụ việc chưa giải quyết xong, thì vào 07/4/2014 ông Nguyễn Hữu Khoa (con ông Nguyễn Hữu Cừu) có đơn xin cấp Giấy chứng nhận QSD đối với thửa đất đang tranh chấp. Yêu cầu của ông Khoa không hiểu sao cũng được UBND xã Hoài Hương chấp nhận và hướng dẫn hoàn thành các thủ tục. Đến ngày 10/10/2014, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn đã ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số CH 01815 cho ông Khoa được quyền sử dụng thửa đất số hiệu 122, tờ bản đồ số 15, xã Hoài Hương theo hình thức giao đất.
Thửa đất số 122, tờ bản đồ số 15 đã đứng tên UBND xã là chủ sử dụng đất từ năm 2008
Vụ việc lại “nóng” lên khi bà Cúc phát hiện ra sự thật và phát đơn khiếu nại. Thay vì thụ lý giải quyết Đơn khiếu nại của bà Cúc kịp thời thì UBND huyện Hoài Nhơn lại để kéo dài, khiến cho bà Cúc không chờ đợi được và lâm bệnh qua đời. Đến ngày 19/10/2018 (gần 4 năm sau đó), trước áp lực chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn mới ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 8234/QĐ-UBND, bác toàn bộ khiếu nại của bà Phan Thị Cảnh; giữ nguyên Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Nguyễn Hữu Khoa tại thửa đất số hiệu 122, tờ bản đồ số 15, xã Hoài Hương. Theo UBND huyện Hoài Nhơn, thửa đất số 122 được cấp quyền cho ông Khoa được hình thành từ thửa đất 391 chứ không phải thửa đất 298.
Sử dụng không liên tục, ổn định
Để cấp Giấy chứng nhận cho ông Khoa tại thửa đất số hiệu 122, UBND huyện Hoài Nhơn viện dẫn theo Điều 50 Luật Đất đai 2003; khoản 1 Điều 48 Nghị định 181/2004/NĐ- CP của Chính phủ; Điều 14 Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Trong khi đó tài sản xin cấp Giấy chứng nhận của ông Khoa đang còn bị tranh chấp (vi phạm một trong những điều kiện bắt buộc của pháp luật tại thời điểm là tài sản phải đảm bảo không bị tranh chấp - PV). Trao đổi với PV, Luật sư Bùi Phú Tuyên – Văn phòng Luật sư Phạm Anh (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Quá trình giải quyết khiếu nại của các cấp có thẩm quyền ở địa phương cho thấy, việc tranh chấp QSD đối với thửa đất (một bên cho là thửa 298 và một bên cho là thửa 391) giữa 2 hộ gia đình bà Cúc và ông Cừu chưa được giải quyết xong bằng một quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng hoặc biên bản hòa giải thành. Bà Cúc cũng không có đơn xin rút khiếu nại và UBND xã cũng không hề ban hành văn bản gửi cho người khiếu nại về việc đình chỉ khiếu nại theo quy định tại Điều 10 Luật Khiếu nại…
Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 8234, Chủ tịch UBND huyện cho rằng, trước khi chỉnh lý thành thửa đất số 122, thửa đất 391 được chỉnh lý thành thửa 76 (năm 1984) và số thửa 78 (năm 1993). Đến năm 2008, thửa đất số 78 tiếp tục được chỉnh lý theo bản đồ địa chính VN 2000 thành hai thửa đất có số hiệu 99 và 122, tờ bản đồ số 15, xã Hoài Hương,
ghi tên người sử dụng đất là UBND xã. Tại Biên bản hòa giải ngày 6/03/2002, UBND xã Hoài Hương khẳng định: “
Khoảnh đất nêu trên nằm trong quy hoạch tổng thể của UBND xã, chưa giao quyền cho ai như vậy đất này của Nhà nước quản lý…”. Trong sổ mục kê đất xã Hoài Hương được Sở TN&MT phê duyệt 31/12/2008 còn lưu trữ tại Văn phòng Đăng ký QSDĐ tỉnh Bình Định cũng ghi nhận thửa đất số 122, có tên người sử dụng là UBND xã, diện tích 740,8m2. Điều đó cho thấy, nếu thửa đất số 122 được chỉnh lý từ thửa đất 391 (nếu xác định của UBND huyện có căn cứ) thì thời gian sử dụng thửa đất của gia đình ông Khoa đã bị gián đoạn.
Ngày 5/5/2015, ông Nguyễn Hữu Lắm (SN1946) là bác họ của ông Khoa, trú tại thôn Nhuận An Đông, đã viết Đơn xin rút lại chữ ký gửi đến cán bộ có thẩm quyền có nội dung: “Qua thời gian điều tra rõ là mảnh đất có tục danh Cây Da không phải là thửa đất của ông bà nội ông để lại cho ba anh em ông. Nay tôi viết giấy đơn xin rút lại chữ ký của tôi”. Với việc rút lại lời làm chứng của ông Lắm cho thấy có sự khuất tất trong việc cấp quyền sử dụng thửa đất số 122 cho ông Khoa.
Như vậy việc cấp Giấy chứng nhận cho ông Khoa đối với thửa 122, UBND huyện Hoài Nhơn còn vi phạm khoản 2 Quyết định số 447/QĐ-UBND ngày 8/9/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về việc công nhận các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất:
“Việc sử dụng các loại giấy tờ nêu tại khoản 1 Điều này thực hiện theo nguyên tắc chỉ công nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định liên tục trước năm 1975”. Cũng theo Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Hoài Nhơn, tại thời điểm chỉnh lý thửa đất 391 thành thửa đất số 78, tờ bản đồ số 5 (năm 1993, theo Nghị định 64/CP), tổng diện tích thửa đất thể hiện là 2.380m2. Trong khi đó thửa đất số 391 mà ông Nguyễn Hữu Cửu nhận chuyển nhượng lại của ông Nguyễn Điệu theo Giấy bán đoạn đất lập ngày 18/5/1952, lại có diện tích 2 sào 10 thước. Lý do có sự “đá” nhau về diện tích, chỉ có thể giải thích hợp lý là thửa đất số 122 được hình thành từ thửa đất 298 (có diện tích 3 sào 11 thước), chứ không phải là thửa đất số 391 như các cơ quan có chức năng ở Hoài Nhơn viện dẫn.
Do được hình thành theo kiểu áp đặt “đầu Ngô mình Sở” nên trong các loại giấy tờ có liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu đối với thửa đất 122, ông Khoa trình bày có nội dung tiền hậu bất nhất. Tại Giấy xin xác nhận năm 2014, ông Khoa cho biết: “
Nguyên trước đây ông cố tôi có tạo lập một khu đất làm khu thổ mộ chôn con cháu, tọa lạc tại khu đồi Cây Da... Mảnh đất ấy trích lục cũ mang số hiệu 391, diện tích 2 sào 10 thước…” nhưng đến đoạn sau, ông Khoa lại ghi: “
Mảnh đất ấy truyền lại cho ba tôi là ông Nguyễn Hữu Cừu để canh tác, hương khói cho ông bà” (vì sao là đất thổ mộ nhưng ông Khoa lại bảo để canh tác, hương khói ông bà, trừ phi đó là đất hoa màu phù hợp với thửa đất 298 - PV). Cũng trong Giấy xin xác nhận, ông Khoa còn cho biết: “
Nguyên trước tôi có 1 khoảnh vườn dưới 1 mẫu, số hiệu của khoảnh đất 310… Đến năm 1975, tôi trở về quê hương thì Ủy ban xã có gặp tôi thương lượng đổi mảnh đất nói trên để cất đồn Biên phòng…”.
Vô lý là theo Giấy tuyệt hứa do ông Nguyễn Hữu Cửu lập ngày 29/11/1962, thửa đất có số hiệu 310 đã được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hữu Thọ (tức cha ông Nguyễn Hữu Hạnh mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước – PV). “Vì sao thửa đất đã chuyển nhượng cho người khác từ năm 1962 mà ông Khoa vẫn khai nhận là của mình. Điều đó càng làm sáng tỏ hành vi gian dối của ông Khoa trong việc khai nhận di sản thừa kế và có khuất tất của cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp quyền thửa đất số 122 cho ông Khoa” – Luật sư Tuyên đặt dấu hỏi và khẳng định. Được biết bà Cảnh đã gửi đơn khiếu nại lần 2 lên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định theo quy định pháp luật.