“Góc khuất” từ các dự án sản xuất nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên- Kỳ 1

Thứ sáu - 30/11/2018 08:09
Hơn 10 năm qua, hàng trăm dự án sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã được chính quyền cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là phần lớn các dự án này hoạt động không mấy hiệu quả, thậm chí nhiều dự án xin đầu tư xong để nhằm mục đích sang nhượng, mua bán đất, chặt phá rừng trái phép…
“Góc khuất” từ các dự án sản xuất nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên- Kỳ 1

 


Dự án triển khai, rừng biến thành... đồi trọc

Vào cuộc tìm hiểu, PV Báo CAND đã phát hiện một thực tế bất ổn. Và “góc khuất” âm ỉ từ những dự án này cũng đã được cơ quan chức năng chỉ ra...

Hàng nghìn hécta rừng ...“biến mất”

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện nay có hơn 40 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Hầu hết các dự án này trước khi được UBND tỉnh giao đều là những khu đất trù phú với phần lớn diện tích rừng tự nhiên xanh tốt. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian triển khai dự án, hầu hết rừng được giao đã bị chặt phá, đất đai biến thành đồi trọc…

Tháng 6-2009, Công ty TNHH Thương mại Đỉnh Nghệ (Công ty Đỉnh Nghệ) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 172,7ha đất rừng, rừng tại địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong để đầu tư, sản xuất nông lâm nghiệp. 

Trong tổng số diện tích rừng, đất rừng được giao có 107,8ha đất có rừng thuộc diện phải khoanh nuôi bảo vệ. Diện tích còn lại là đất trồng keo lai, chăn nuôi, làm đường giao thông… 

Theo kế hoạch, sau 7 năm triển khai, dự án sẽ cung cấp khoảng 3.600m³ gỗ nguyên liệu, 60 con bò thịt và 3.600 con heo thịt ra thị trường. Tuy nhiên, chỉ sau gần 5 năm, dự án không chỉ không mang lại như những gì mong đợi mà hàng trăm hécta rừng đã bị chặt phá, cạo trọc, hàng trăm hécta đất bị người dân lấn chiếm không thể thu hồi.

 
Hàng trăm hécta rừng được giao cho Công ty Đỉnh Nghệ và Thiên Sơn bị chặt phá, đất đai bị người dân lấn chiếm, mua bán sang nhượng trái phép.

Tương tự, năm 2009, Công ty Thiên Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê gần 400ha đất rừng, rừng ở huyện Đắk Glong để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Theo đó, hơn 222ha rừng tự nhiên buộc công ty phải bảo vệ, khoanh nuôi, 167ha còn lại là đất trồng rừng và đất khác… 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho thấy, diện tích rừng tự nhiên còn lại của dự án Công ty Thiên Phước chỉ còn vỏn vẹn 98,22ha. Như vậy, chỉ sau gần 6 năm thực hiện dự án, Công ty Thiên Sơn đã “góp phần” cạo trọc hơn 123ha rừng tự nhiên.

Còn tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hơn 10 năm qua, tỉnh này cho chuyển đổi hàng chục nghìn hécta rừng tự nhiên, đất rừng sang thực hiện các dự án nông lâm nghiệp nhưng hầu hết dự án không mang lại hiệu quả, rừng biến thành đất trống, đất bị lấn chiếm, xâm canh khó có khả năng thu hồi. 

Bên cạnh đó, việc quản lý rừng, quản lý tài nguyên rừng lỏng lẻo cũng khiến nguồn tài nguyên được đánh giá có tiềm năng lớn nhất tại địa phương này bị mất, thất thoát hàng chục nghìn tỉ đồng…

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Quang Dần, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông đã phải thừa nhận chua xót: 

“Trong tổng số hơn 40 dự án nông lâm nghiệp đã được tỉnh giao cho các công ty, doanh nghiệp thì chỉ có vỏn vẹn 12 dự án hoạt động ổn định và có hiệu quả bước đầu. Số còn lại không chỉ không mang lại hiểu quả mà còn để lại nhiều hệ lụy như làm mất hàng nghìn hécta rừng, đất đai bị người dân lấn chiếm khó có khả năng thu hồi; mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa người dân với công ty, doanh nghiệp ngày một phức tạp, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.

Vô tư mua bán đất rừng

Để kiểm chứng những hệ lụy từ việc giao đất, giao rừng cho các công ty, doanh nghiệp, những ngày giữa tháng 11-2018, PV Báo CAND đi dọc theo các tuyến đường trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. 

Thật không thể hình dung khi trước mắt chúng tôi, thay vào những cánh rừng bạt ngàn, xanh tốt trước đây, giờ là những khoảng đất trống, đồi núi trọc nằm trơ trọi đầy cỏ dại mọc hoặc thay thế bằng những rẫy cà phê, cao su, hoa màu do người dân quản lý. 

Trên giấy, đất này vẫn thuộc quyền quản lý của các công ty đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp nhưng thực tế đã bị xâu xé, sang nhượng, mua bán trái phép do việc quản lý yếu kém, buông lỏng của các chủ rừng.

Có mặt tại khu vực được xem là vùng lõi của dự án Công ty Đỉnh Nghệ, ngoài một vài vạt rừng còn sót lại ven theo tỉnh lộ 6 như để che mắt người đi đường thì xung quanh có rất nhiều căn nhà và nương rẫy mọc lên. 

Hỏi những người dân đang canh tác ở khu vực này, họ khẳng định, phần rừng của Công ty Đỉnh Nghệ còn sót lại chỉ còn vài chục hécta. Đất rừng giờ thành rẫy cà phê, hồ tiêu, cà phê mới trồng. Ở những phần đất, rừng còn sót lại thì cây rừng đổ xuống ngổn ngang. Cạnh những cây rừng bị đốn hạ, bị đốt cháy đen là những cây cà phê mới đơm chồi.

Còn tại khu vực biên giới của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi chứng kiến một “sự đổi thay toàn diện” khi hàng nghìn hécta rừng đã bị triệt phá, thay vào đó là bạt ngàn của cà phê, cao su, hoa màu… Những ngày lặn lội tìm hiểu tại các lâm phần quản lý của các doanh nghiệp lâm nghiệp như Công ty Cư Mlan, Công ty Rừng Xanh, Công ty Ea Hmơ; hay tại các dự án của Công ty Anh Quốc, Công ty Rừng Xanh… chúng tôi mới thấy mức độ “tàn sát” rừng nơi đây diễn ra nghiêm trọng như thế nào.

Quá trình tìm hiểu cho thấy, đất, tài sản trên đất dự án (rừng - PV) được Nhà nước giao cho các công ty, doanh nghiệp giờ phần lớn trở thành nương rẫy của người dân. Vậy có hay không sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp trong việc mua, bán đất rừng, rừng trái pháp luật với người dân?

Bà Lưu Thị Viện (trú tại thôn Quảng Tín, xã Quảng Sơn) cho biết, tháng 5-2013, bà được chính ông Hoàng Phi, Giám đốc Công ty Đỉnh Nghệ lúc bấy giờ ký giấy có đóng con dấu đỏ của công ty bán lại cho 2ha đất với giá 300 triệu đồng. “Việc mua bán giữa tôi với công ty là hợp pháp, có con dấu đỏ đàng hoàng và do chính tay ông Phi giám đốc ký”, bà Viện khẳng định. 

Còn anh Nguyễn Văn Hoàng (trú cùng thôn) lại cho hay, năm 2015, gia đình anh có mua lại hơn 1ha đất của một người dân trong thôn có giấy viết tay sang nhượng. 

“Vào thời điểm mua bán, diện tích này đã được người dân canh tác, không hề có bất cứ cây rừng. Sau này mảnh đất có xảy ra tranh chấp với công ty thì được biết, đất này trước đó đã được ông Phi bán lại cho người dân”, anh Hoàng nói.

Theo kết luận Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho biết, đến cuối tháng 9-2017, qua xác minh, riêng vùng dự án Công ty Đỉnh Nghệ có 80 hộ dân sinh sống, trong đó, có 6 hộ dân khai báo mua bán đất của công ty, số còn lại thì được sang nhượng từ người khác hoặc lấn chiếm mà có. Đến thời điểm thanh tra, khu vực dự án đã xảy ra 1 vụ khiếu kiện, 3 vụ gây rối trật tự liên quan đến đất đai. Công an huyện Đắk Glong đã khởi tố 2 vụ án gây thương tích và 1 vụ phá hoại tài sản.

Còn tại dự án của Công ty Thiên Sơn đã để người dân lấn chiếm hơn 195ha đất (chiếm 45% diện tích dự án). Trên diện tích lấn chiếm, người dân đã làm nhà ở, trồng cây công nghiệp dài ngày và hoa màu. Qua xác minh của cơ quan chức năng, trong vùng dự án của Công ty Thiên Sơn có 36 hộ lấn chiếm, sinh sống và làm nhà kiên cố.

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây