Bé trai bị sát hại khi đi mua bánh
Theo nguồn thông tin từ báo Tuổi Trẻ, được biết như sau:
Khoảng 13h trưa ngày 26/11/2017, bé trai N.H.V.Kh. (6 tuổi, sống với mẹ ruột tại căn nhà trên đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP. HCM) đang chơi trong nhà, sau đó mở cửa đi bộ qua tiệm tạp hóa gần nhà để mua bánh.
Lúc này một người đàn ông tên là Hoàng Nhất Giang (34 tuổi, ngụ phường 5, quận 11), là bảo vệ dân phố của phường 5, quận 11) đang ở trong chốt bảo vệ dân phố trên đường Trịnh Đình Trọng (bên kia đường thuộc phường 5, quận 11).
Khi bé Kh. đi bộ gần đến tiệm tạp hóa số 96 Trịnh Đình Trọng (đối diện chốt dân phố) thì Giang nhìn thấy bé Kh..
Bất ngờ, Giang cầm một con dao nhỏ (loại dao giống dao cạo râu trong tiệm hớt tóc) đi ngang qua đường Trịnh Đình Trọng, khống chế và dùng dao cắt vào vùng cổ bé Kh..
Bị cắt cổ, bé Kh. rướn chạy được mấy bước thì nằm gục và chết bên đường.
Sau khi gây án, Giang cầm dao trở lại chốt dân phố và đóng cửa lại ở bên trong.
Nghe tin cháu chết, cậu ruột bé Kh. sang chốt dân phố yêu cầu Giang mở cửa. Tuy nhiên, Giang mở cửa ra và tiếp tục cầm dao tấn công cậu ruột của bé Kh. Thấy vậy, người dân hỗ trợ tước dao, khống chế Giang.
Nhận tin báo, công an quận Tân Phú nhanh chóng có mặt khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra vụ việc.
Sau đó Công an quận Tân Phú bắt khẩn cấp Giang, sau đó chuyển lên công an TP.HCM tiến hành điều tra hình sự về vụ việc.
Theo thông tin từ Công an quận Tân Phú, Giang có tiền sử bị tâm thần phân liệt nhiều năm qua.
Để có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự, CQĐT công an TP.HCM đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với đối tượng Hoàng Nhất Giang.
Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM đã có bản Kết luận giám định pháp y tâm thần của, kết luận Hoàng Nhất Giang bị "tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, giai đoạn đang phát triển. Trong khi gây án Giang mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".
Ngày 22/3/2018, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và đình chỉ bị can đối với Hoàng Nhất Giang.
....
Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:
Không thể để người mắc bệnh tâm thần "làm việc" vì quá nguy hiểm
1. Trước hết, xét về hậu quả, đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng (gây chết người) nên kẻ gây án có dấu hiệu phạm tội giết người. Với nhiều tình tiết tăng nặng như: giết trẻ em, phạm tội một cách man rợ.
2. Tuy nhiên, do đối tượng gây án có dấu hiệu bị bệnh tâm thần - là yếu tố có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự, nên luật quy định bắt buộc phải giám định tâm trước khi quyết định khởi tố vụ án.
Điều 21 Bộ luật hình sự quy định "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
3. Như vậy, với kết luận giám định "tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, giai đoạn đang phát triển. Trong khi gây án Giang mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi" - xem như Hoàng Nhất Giang thuộc trường hợp "không phải chịu trách nhiệm hình sự". Nói một cách đơn giản, Giang đã thực hiện hành vi phạm tội giết người, nhưng do bị bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi nên thoát tội. Đây là quy định của pháp luật, nên dù muốn hay không, thì cũng cứ phải như vậy.
4. Song trong vụ việc đau lòng này, không thể không đặt câu hỏi là tại sao một đối tượng bị bệnh tâm thần, tiềm ẩn khả năng thực hiện những hành vi nguy hiểm như vậy, lại "ung dung" sống giữa cộng đồng, thậm chí được tuyển làm dân phòng - là một công việc bắt buộc phải có nhận thức, hiểu biết pháp luật. Chính điều này cho thấy "lỗ hổng" nghiêm trọng trong tuyển dụng và sử dụng còn người tại địa phương. Về nguyên tắc, người lao động/làm việc, phải bảo đảm sức khoẻ, bao gồm sức khoẻ về tâm thần.
5. Lại chợt cảm thấy lo sợ, khi biết đâu đó, trong số những người đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, lại là những kẻ tâm thần, có thể ra tay đánh đập, thậm chí sát hại dân lành - nhân danh pháp luật. Nếu kẻ tâm thần mà lọt vào làm lãnh đạo thì càng "chết" hơn nữa.
(Trong lịch sử nhân loại không hiếm những trường hợp này).
6. Cũng chính vì do có bệnh tâm thần mà được thoát tội, nên có những kẻ phạm tội thật, nhưng tinh ranh quỷ quái, khi bị phát hiện, truy cứu trách nhiệm hình sự thì bỏ tiền "chạy" để được bị bệnh tâm thần, để được thoát tội. Tức là dùng tiền "xé toạc" công lý. Sau đó ung dung hưởng số tiền mình đã phạm tội mà có.
....
* Quy định tại Bộ luật hình sự (2015, sửa đổi bô sung 2017):
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
.....
* Quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.
......