Tai nạn trên đường hẹp
Ông Nguyễn Thành Tích (SN 1974, ngụ phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết ông chưa thể thương lượng bồi thường được với Tòa án huyện Xuân Lộc trong vụ án oan của mình.
Theo lời kể của ông Tích: Khoảng 14h30 ngày 27.5.2014, ông điều khiển xe đầu kéo chạy trên quốc lộ 1A hướng từ Bình Thuận đi TP HCM. Khi xe lưu thông đến đoạn đường thuộc ấp Hòa Hợp (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) thì phát hiện phía trước có công trình thi công.
Đây là công trình nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 do công ty của Bộ Quốc Phòng lãnh thầu. Con đường bị cắm cột tiêu căng dây hơn một nửa.
Lúc này, phía trước, cùng hướng và ngược hướng với xe ông đều không có xe khác lưu thông. Bên phải có khoảng 4, 5 xe máy lưu thông cùng hướng. Ông Tích mô tả đoạn đường bị thu hẹp chỉ vừa một xe đầu kéo của ông và một làn nhỏ bên phải cho xe máy.
Quan sát, ông thấy có biển báo đường đang thi công, đi chậm, đường hẹp, cấm vượt và một biển báo tròn nên xanh có mũi tên trắng chỉ hướng lưu thông. Ông Tích khẳng định không có biển báo nào cho biết đoạn thi công này được phép lưu thông hai chiều.
“Tôi biết đây là đường hẹp, người ta điều hành cho xe lưu thông từng đợt. Hai xe cùng lưu thông với nhau sẽ không lọt”, ông Tích nói.
Trước khi vào đoạn đường thi công, ông Tích nhìn thấy một công nhân cầm cờ phất ra hiệu cho phép ông đi qua. Ông kể: “Tôi đi khá chậm vì đường hẹp. Đi được một đoạn, tôi nghe tiếng xe máy gầm rú phía sau. Tiếng gầm rú và sau đó là tiếng ngã xe cà lên mặt đường. Với phản xạ của người tài xế, tôi nhìn qua kiếng chiếu hậu phía bên lơ (bên phải). Phía bên này có xe máy lưu thông nhưng không thấy gì khác lạ. Chưa kịp nhìn qua kiếng chiếu hậu bên tài (bên trái) thì tôi nghe phía sau cộm lên như xe vừa cán qua vật gì”.
Về vụ tai nạn, ông kể: “Biết là xảy ra tai nạn, tôi dừng xe, nhìn vào kiếng chiếu hại thì thấy một xe máy tay ga hiện Elizabeth màu cam ngã ra đường phía bên phần đường đang thi công, cách hông và đuôi xe tôi khoảng 1,5m. Ở bánh xe cuối cùng của chiếc xe đầu kéo, tôi thấy một cô gái nằm chết tại chỗ. Người cầm lái xe máy là một thanh niên, có biểu hiện say rượu, chỉ bị thương nhẹ ở chân, đứng dậy được”.
4 tháng bị bắt oan
Ông Tích nói đã để nguyên xe ở hiện trường và chạy bộ sang quán nước cách đó không xa để chờ công an đến. “Tôi phải làm thế vì sợ gia đình nạn nhân đến thấy cảnh tượng đó, chưa biết phải trái thế nào mà bức xúc đánh tôi thì sao. Sau khi công an đến đo đạc, khám nghiệm hiện trường, tôi điều khiển xe về trụ sở công an để phục vụ điều tra”, ông nói.
Kết luận điều tra cho thấy thanh niên điều khiển xe máy là Nguyễn Duy Tùng (SN 1996) và người ngồi sau tử vong trong tai nạn là Lày Ngọc Đông Nhi (SN 1999, cả hai cùng ngụ xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc). Theo đó, Tùng vượt nhanh, chạy quá tốc độ và tay lái đụng vào cột tiêu làm ngã xe dẫn đến tai nạn. Nồng độ cồn trong người Tùng đo được vào thời điểm xảy ra tai nạn là 51mg/100ml.
Ông Tích khẳng định mình không có lỗi trong vụ tai nạn. Người có lỗi chính là Tùng. Tuy nhiên, đến ngày 8.7.2014, CQĐT huyện Xuân Lộc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với cả ông Tích và Tùng vì cho rằng đã phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Đến ngày 14.7.2014, ông Tích đến Công an huyện Xuân Lộc làm việc theo giấy mời thì bị bắt tạm giam.
Quyết định đình chỉ bị can đối với ông Tích và ông Tích yêu cầu bồi thường 5 tỷ đồng cho việc mình bị oan
Ông Tích kể gia đình ông đã đến CQĐT xin cho ông tại ngoại nhưng không được. Trong lúc ông Tích bị tạm giam, phía bảo hiểm và vợ ông mang đến nhà nạn nhân tổng cộng 67 triệu đồng để hỗ trợ mai táng. “Ngay khi đọc toàn bộ hồ sơ, tôi đã yêu cầu Công an huyện Xuân Lộc xem xét lại vì tôi hoàn toàn không có lỗi trong vụ việc. Nhưng Công an huyện Xuân Lộc không chấp nhận và tạo ra oan sai cho tôi”.
Ông Tích cũng cho rằng việc bắt giam, khởi tố ông “có sự tư thù cá nhân”. Điều này được ông lý giải: “Ngay ngày xảy ra tai nạn, phía công an đã cố tìm cách bắt lỗi tôi. Khi tôi cãi lại thì họ cho rằng dám “trả treo”. Một người còn dám tuyên bố với nội dung “thuận thì sống mà nghịch thì chết””.
Trong tù, ông Tích liên tục kêu oan. Đến tháng 9.2014, TAND huyện Xuân Lộc mở phiên sơ thẩm xét xử ông Tích và Tùng. Tại tòa, ông Tích yêu cầu làm rõ có hay không những biển báo mà công an cho rằng đoạn đường đang thi công được phép lưu thông hai chiều. Ghi nhận ý kiến này, tòa quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Ngày 12.11.2014, mở lại phiên sơ thẩm, TAND huyện Xuân Lộc tuyên ông Tích có phạm tội và chịu hình phạt 3 tháng 29 ngày tù, bằng số ngày tạm giam, thả tại tòa. Tùng bị tuyên 3 năm tù cùng tội danh với ông Tích.
Thất nghiệp, gia đình tan vỡ
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Tích kháng cáo kêu oan. Ngày 06.07.2015, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên xét xử phúc thẩm và quyết định hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu vì còn nhiều nội dung chưa làm rõ, nhất là hành vi vi phạm của Tùng.
Đến ngày 04.05.2016, CQĐT huyện Xuân Lộc ra kết luận điều tra mới, qua đó khẳng định ông Tích không phạm tội. Cùng ngày, CQĐT huyện Xuân Lộc ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Tích.
“Cũng trong tháng 5, CQĐT, VKS, Tòa án huyện Xuân Lộc mời tôi đến để xin lỗi, trao quyết định đình chỉ. Mới đây, tôi tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong phiên xét xử lại đối với Tùng. Lần này, Tùng bị kết án 2 năm 6 tháng tù vì có tình tiết giảm nhẹ là chưa đủ 18 tuổi”, ông Tích cho hay.
Theo ông, việc khởi tố, tạm giam oan khiến ông thiệt hại về vật chất và tinh thần rất lớn, nhất là vợ chồng phải ly dị. Về vật chất, ngay ngày 14.7.2014, ông Tích đang tiến hành làm thủ tục đăng kiểm một xe đầu kéo mới. Khi hay tin bị tạm giam, ông Tích xin gia hạn 3 ngày để hoàn thành việc mua xe, đăng kiểm nhưng không được chấp nhận. Thiệt hại thứ hai là chiếc đầu kéo do ông làm chủ bỏ hoang 4 tháng phải bán lại với giá rẻ.
“Mỗi tháng, là tài xế đầu kéo, nếu làm thuê tôi cũng được hơn 20 triệu đồng tiền lương. Tôi có xe nhà nên thu nhập còn cao hơn nhiều lần. Bị giam 4 tháng, sau đó là bị can gần 2 năm, tôi bị giữ bằng lái không làm ăn gì được phải chạy xe ôm, làm thuê kiếm sống qua ngày.
Ngoài ra, chi phí luật sư hết 30 triệu đồng. Số tiền 300 triệu tôi định mua xe, khi bị tạm giam vợ tôi chạy đi thăm nuôi, lo toan nhiều thứ hết sạch. Thiệt hại cho tôi là rất lớn. Nhất là trước khi bị tạm giam, gia đình tôi hạnh phúc, đầm ấm.
Sau khi ra tù, không chịu được cảnh chồng là bị can, không kiếm được tiền, vợ và tôi thường cãi nhau dẫn đến ly hôn. Tôi cố gắng níu kéo nhưng không được. Đây là hậu quả của việc tôi bị khởi tố, bị giam oan. Và các cơ quan tố tụng huyện Xuân Lộc phải chịu trách nhiệm, bồi thường” ông Tích nói.
Ông Tích yêu cầu Tòa án huyện Xuân Lộc bồi thường 5 tỷ đồng bao gồm cả tiền thiệt hại về vật chất, tổn hại tinh thần, danh dự, hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, qua hai lần thương lượng, Tòa án Xuân Lộc chỉ chấp nhận bồi thường 90 triệu đồng (trong đó có 20 triệu gia đình ông đã hỗ trợ cho nạn nhân Nhi). Ông Tích nói: “Số tiền quá bèo so với nỗi oan tôi gánh chịu. Nếu bồi thường thỏa đáng, tôi sẽ không yêu cầu xin lỗi công khai. Còn không, tôi kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường và công khai xin lỗi tại địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn