Đại tá Lê Thế Mẫu phân tích khả năng Mỹ có thể tấn công chớp nhoáng Triều Tiên

Thứ ba - 05/09/2017 21:11
(Phapluat news) - Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự nêu bật nguy cơ nổ ra chiến tranh ở Đông Bắc Á và khả năng Mỹ tấn công chớp nhoáng Triều Tiên sau vụ thử bom nhiệt hạch ngày 3/9 vừa qua.
Đại tá Lê Thế Mẫu phân tích khả năng Mỹ có thể tấn công chớp nhoáng Triều Tiên

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn liên tục phóng tên lửa đạn đạo thử bom nhiệt hạch vào ngày 3/9 vừa qua.

Động thái này đang đẩy tình hình xung đột ở Đông Bắc Á đứng trước nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát, thậm chí là hiểm họa chiến tranh.

han-quoc-cho-rang-trieu-tien-co-kha-nang-thu-ten-lua-1

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát cơ sở nghiên cứu hạt nhân.

Thực hư năng lực hạt nhân Triều Tiên

Triều Tiên đang muốn khẳng định vị thế là quốc gia hạt nhân trong thời gian ngắn nhất với mục đích tự vệ, chống lại nguy cơ chiến tranh xâm lược. Đây là lý do chủ yếu định hướng hành động của Triều Tiên trong thời gian qua, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ và quốc tế. .

Bằng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo và bom nhiệt hạch, Triều Tiên muốn chứng tỏ mọi giải pháp của Mỹ và quốc tế trừng phạt Triều Tiên không có hiệu quả trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân.

trieu tien thu vu khi hat nhan thang 9 2017 - 03 - 3

Khu vực bãi thử hạt nhân của Triều Tiên.

Xét trên kinh nghiệm phát triển tên lửa đạn đạo mang vũ khí hạt nhân của Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, thì vào thời điểm này Triều Tiên hoàn toàn có khả năng làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Triều Tiên bắt đầu chương trình hạt nhân từ những năm 1980 và tuyên bố thực hiện thành công vụ thử hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2006.

Tới nay, đã hơn 10 năm, Triều Tiên đã có tổng cộng 5 vụ thử hạt nhân với quy mô khác nhau. Theo kinh nghiệm, sau 5 lần thử, Triều Tiên hoàn toàn có thể hoàn chỉnh công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Về công nghệ tên lửa đạn đạo, có thể thấy gần đây Triều Tiên đã đạt được bước tiến đột phá, như đã được thể hiện trong lần phóng tên lửa tầm xa gần đây nhất bay qua không phận Nhật Bản.

Cục diện Đông Bắc Á sẽ ra sao?

Việc Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo hạt nhân có thể dẫn tới bốn khả năng trong cục diện chiến lược Đông Bắc Á.

Một là, đã đến lúc Mỹ và các nước phải chấp nhận một thực tế  không thể phủ nhận, Triều Tiên là quốc gia hạt nhân. Trước đây, khi Bắc Kinh thử thành công vũ khí hạt nhân trong những năm 1960, Washington cũng đã từng “nổi đóa” và gây sức ép từ nhiều phía, kể cả từ chuyện sử dụng ảnh hưởng của Matxcơva, nhưng đã thất bại và rút cuộc phải chấp nhận Trung Quốc là cường quốc hạt nhân.

Thế rồi hai bên vẫn hợp tác với nhau bình thường. Với Triều Tiên hiện nay có thể Mỹ cũng phải chấp nhận như vậy.

Hai là, Nhật Bản và Hàn Quốc phải điều chỉnh chiến lược quân sự theo hướng chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân. Khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có hai sự lựa chọn đầy khó khan là sẽ phát triển vũ khí hạt nhân hay là tiếp tục đứng dưới “ô hạt nhân” của Mỹ?  

Ba là, Mỹ cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có hành động kiên quyết hơn để ngăn chặn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó có thể có hai kịch bản.

Thứ nhất, tiếp tục gây sức ép cấm vận gắt gao hơn nữa dồn Triều Tiên tới bước đường cùng, buộc phải hủy chương trình hạt nhân và Mỹ đang đề xuất dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc theo hướng này.

Thứ hai, tấn công phủ đầu chớp nhoáng vào các cơ sở và công trình hạt nhân của Triều Tiên. Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ đã có sẵn mọi phương án để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trong đó có cả giải pháp quân sự.

Bốn là, chấp nhận giải pháp chính trị để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, theo đó trước hết Washington sẽ phải ký Hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng để chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh kéo dài đã hơn nửa thế kỷ qua.

Đây là điều mà Triều Tiên đã nhiều lần để nghị để họ sẵn sàng chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân nhưng không được Mỹ chấp nhận.

Toan tính của Mỹ

Toan tính của Mỹ trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đầy mâu thuẫn, thậm chí có thể nói là thiếu một chiến lược tổng thể và nhất quán.Một là, Mỹ lợi dụng sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên theo hướng cáo buộc Trung Quốc có lỗi trong chuyện “bao che” Bình Nhưỡng, từ đó gây sức ép đối với Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại song phương.

Điều này đã được thể hiện trong chương trình 100 ngày thoả thuận giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp giữa hai ông ngày 6/4/2017 ở Mỹ.

Hai là, lợi dụng sự leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên để gây sức ép đối với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm xúc tiến triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao (THAAD) ở quốc gia này với mục đích vô hiệu hóa tiềm năng tên lửa hạt nhân chiến lược của Trung Quốc và của Nga ở Viễn Đông.

Đồng thời, Washington thổi phồng nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên để buộc Hàn Quốc tiếp tục phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào liên minh với Mỹ, điều mà tân Tổng thống Moon Jae-in có ý né tránh và muốn độc lập hơn.

Ba là, mượn cớ “Triều Tiên đang đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, Tổng thống Donald Trump thực hiện chủ trương tăng vọt ngân sách quân sự để thực hiện chương trình mở rộng kho vũ khí hạt nhân vốn đã khổng lồ của Mỹ và hiện đại hóa quân đội Mỹ với quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Theo đó, trong ngân sách quân sự Mỹ năm 2018, Tổng thống Donald Trump tăng thêm 54 tỷ USD, tương đương mức tăng 10% so với năm 2017.

Bốn là, Mỹ đang theo đuổi toan tính gây ra một cuộc chiến tranh lớn ở Đông Bắc Á, được châm ngòi từ cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Để “giải mã” được toan tính này của Mỹ, trước hết cần nhìn vào nội tình của Hoa Kỳ hiện nay.

Theo nhận định của giới nghiên cứu chính trị ở Mỹ và các nước Phương Tây, hiện nay Hoa Kỳ đang trải qua cuộc khủng hoảng hệ thống, trong đó đan xen nhiều cuộc khủng hoảng có bản chất khác nhau.

Đó là, khủng hoảng kinh tế-tài chính bùng phát từ năm 2008, khủng hoảng tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ, khủng hoảng phân biệt chủng tộc, khủng hoảng giá trị con người trong xã hội Mỹ và đặc biệt là cuộc khủng hoảng vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây