Lịch sử bao giờ cũng có những mặt tối, góc khuất của nó. Bên cạnh những trang sử huy hoàng, chói lọi, vẫn có những âm mưu soán đoạt độc ác của cuộc chiến vương quyền. Hãy cùng nhìn lại những âm mưu ám sát hiểm độc trong sử Việt và chiếu rọi ánh sáng của công lý và thiện lương vào những tội ác thiên cổ ấy.
1. Dương Đình Nghệ bị phản tướng sát hại
Dương Đình Nghệ (?-937) là một trong những bộ tướng của họ Khúc từ năm 907 – 930. Năm 930, nước Nam Hán đưa quân sang xâm lược nước ta, bắt giữ Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ và đánh chiếm thành Đại La.
Trước tình hình như vậy, Dương Đình Nghệ đã quả cảm đảm nhận trọng trách lãnh đạo nhân dân vùng lên giành lại độc lập và chủ quyền. Từ một vị hào trưởng – một bộ tướng thân tín của Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ, Dương Đình Nghệ đã trở thành một vị danh tướng, có công lớn đối với nước nhà.
Dương Đình Nghệ đã tập hợp hơn 3.000 binh sĩ dấy quân khởi nghĩa ở châu Ái (vùng Thanh Hóa ngày nay), dùng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Kiều Công Tiễn… làm nha tướng. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, ông đã ba lần đánh đuổi quân Nam Hán của ba viên tướng khét tiếng khác nhau cầm đầu.
Tiết độ sứ là tên chức quan đô hộ của Trung Quốc đối với nước ta, được Trung Quốc đặt ra kể từ khoảng cuối thời Bắc thuộc. Đối với Dương Đình Nghệ, đây chẳng qua là một danh xưng tạm dùng, cốt tạo ra sự tế nhị cần thiết trong quan hệ bang giao. Trong thực tế, ông chính là Vua của nước ta.
Sau thành công này, tháng 3 năm Đinh Dậu (937), Dương Đình Nghệ bị một kẻ phản phúc giết hại. Chua xót thay, kẻ đó chính là Kiều Công Tiễn, lại cũng chính là con nuôi và là một trong những danh tướng từng được Dương Đình Nghệ cưu mang và tin cậy hết lòng.
Chỉ vì sau chiến thắng lẫy lừng đó, Kiều Công Tiễn đắc ý sinh kiêu, nghĩ mình quá tài giỏi, sinh lòng ghen ghét nên đã âm mưu phản nghịch. Tháng 4/937, Tiễn cùng với người em ruột là Kiều Thuận lên kế hoạch ám sát Dương Đình Nghệ, chiếm đóng thành Đại La và nắm quyền trị nước, đoạt chức Tiết độ sứ.
Hành động phản trắc của Kiều Công Tiễn đã gây nên một làn sóng bất bình, căm giận sâu sắc trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngô Quyền trở thành ngọn cờ quy tụ mọi lực lượng yêu nước. Sợ bị Ngô Quyền trả thù, năm 938, Kiều Công Tiễn cho người sang nhà Nam Hán để xin viện binh. Vua Nam Hán đã sai con là Vạn vương Hoằng Thao đưa quân sang xâm chiếm nước Nam.
Sau một thời gian tập hợp lực lượng, Ngô Quyền đem quân từ châu Ái ra bắc, tiến công thành Đại La, diệt trừ Kiều Công Tiễn. Năm 938, trời đang tiết mưa dầm gió bấc. Đoàn quân Ngô Quyền, người người lớp lớp vượt đèo Ba Dội tiến ra bắc. Quân xâm lược còn đang ngấp nghé ngoài bờ cõi thì đầu tên phản bội Kiều Công Tiễn đã bị bêu ở ngoài cửa thành Đại La (Hà Nội). Mối họa bên trong đã được trừ khử. Kế sách “trước trừ nội phản, sau diệt ngoại xâm” đã được thực hiện.
Ngô Quyền vào thành, hợp các tướng tá, bàn rằng: “Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được!
Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng trước thì chuyện được thua cũng chưa thể biết được! Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hay hơn kế ấy cả.“
Theo đó, Ngô Quyền bố trí quân thủy bộ mai phục sẵn ở phía trong bãi cọc, có lẽ trong khoảng hạ lưu và trung lưu sông Bạch Đằng trong các nhánh sông và trên hai bờ sông. Rồi người thanh niên Nguyễn Tất Tố, vốn giỏi bơi lặn và quen thuộc sông nước, được giao nhiệm vụ khiêu chiến, nhân lúc nước triều lên, nhử địch vượt qua bãi cọc vào cạm bẫy bên trong.
Trong thế trận của Ngô Quyền, rõ ràng trận địa mai phục giữ vai trò quyết định. Trận địa cọc ở cửa sông là nhằm chặn đường tháo chạy của tàn quân giặc. Sự phối hợp giữa hai trận địa chứng tỏ quyết tâm chiến lược của Ngô Quyền là phen nàykhông phải chỉ đánh bại quân giặc mà còn phải tiêu diệt toàn bộ quân giặc, đập tan mộng tưởng xâm lăng của triều đình Nam Hán. Cuối năm 938, cuộc kháng chiến chống xâm lược Nam Hán lần thứ hai của quân dân Việt đã giành được thắng lợi hết sức oanh liệt.
Chỉ vì ganh tỵ với tài năng và quyền lực của danh tướng Dương Đình Nghệ, mà Kiều Công Tiễn đã làm hại ông, mắc tội bất nhân, bất nghĩa, bất trung. Thêm nữa, đại tội “cõng rắn cắn gà nhà”, gây thêm biết bao đau thương về cho dân tộc, tạo tiếng xấu muôn đời!
2. Ai là kẻ chủ mưu giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn?
Đinh Tiên Hoàng (924 – 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc.
Ông có con trưởng là Đinh Liễn, nhưng lại lập con út là Hạng Lang làm Thái tử. Đầu năm 979, Đinh Liễn sai người giết Hạng Lang để giành ngôi Thái tử. Vua Đinh Tiên Hoàng không trừng phạt Đinh Liễn mà chấp thuận để Liễn làm Thái tử.
Vào cùng năm này, cả vua Đinh Tiên Hoàng và Thái tử Đinh Liễn bị hoan quan Đỗ Thích giết hại. Theo chính sử, một hôm nằm trên cầu, Thích mơ thấy sao băng rơi vào miệng, cho rằng mình có điềm làm vua nên quyết định hành thích vua và Thái tử. Sau một buổi tiệc mà các vua quan đều say sưa, Đỗ Thích đã thực hiện trót lọt âm mưu của mình. Tuy vậy, ngay sau đó Thích đã bị bắt và giết chết.
Sau này, các sử gia đưa ra giả thuyết Đỗ Thích không phải là thủ phạm giết vua vì ông chỉ là một viên hoạn quan, không hề có uy tín hay vây cánh, không thể mơ tưởng việc sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để lên ngôi. Đỗ Thích có thể chỉ là bình phong trong một âm mưu ám sát do Lê Hoàn và Thái Hậu Dương Vân Nga thực hiện.
(Xem thêm về vụ án ly kỳ này: 10 bí ẩn chưa có lời giải trong lịch sử Việt Nam (Phần 1))
Một giả thuyết khác kém thuyết phục hơn cho rằng Đỗ Thích là nội gián của nhà Tống, giết cha con vua Đinh để làm rối loạn triều đình, tạo cơ hội cho nhà Tống mang quân sang xâm lược.
3. Lê Trung Tông bị em ruột ám sát
Lê Trung Tông (983 – 1005) tên húy là Lê Long Việt, là con trai của vua Lê Đại Hành. Vua Lê Đại Hành có hơn 10 hoàng tử, sau khi con trưởng là thái tử Long Thâu mất, Lê Long Việt được lập làm Thái tử.
Năm Ất Tị (1005) vua Lê Đại Hành mất để lại di chiếu nhường ngôi cho con trai thứ 3 là Lê Long Việt nhưng Lê Long Việt chưa kịp đăng quang thì người anh thứ 2 là Đông Thành Vương Lê Long Tích và người em thứ 6 là Trung Quốc Vương Lê Long Kính đem quân đến đánh nhằm chiếm đoạt ngôi báu.
Trong khi đất nước không thể một ngày không có vua thì các hoàng tử nhà Tiền Lê hung hăng lao vào cuộc tương tàn kéo dài suốt 8 tháng trời khiến đất nước lâm vào cảnh hỗn loạn. Càng về sau, phần thắng càng nghiêng về Lê Long Việt và Lê Long Tích, người anh thứ 2 và cũng là người trội nhất trong số các hoàng tử.
Tháng 10/1005, Ngân Tích thua và bị giết chết. Long Việt lên ngôi làm vua, niên hiệu là Lê Trung Tông. Trong cuộc nổi loạn này Lê Long Đĩnh cũng tham gia nhưng Lê Long Việt nể tình anh em ruột thịt nên tha cho. Sau khi bình ổn được nội loạn, Lê Long Việt chính thức lên ngôi.
Nhưng làm vua chưa được 3 ngày, vua Lê Trung Tông đã bị chính người em ruột của mình là Lê Long Đĩnh thuê sát thủ vào cung ám sát, thọ 22 tuổi. Trước đó, khi cố tình làm loạn để tranh giành ngôi báu với anh mình, Lê Long Đĩnh đã được Lê Trung Tông vì nể tình ruột thịt mà tha chết. Tưởng em trai vì thế mà biết ăn năn, hối cải, chung sức giúp mình trị vì thiên hạ, Lê Trung Tông đâu ngờ có ngày lại bị chính người em trai mà mình thương tình tha chết ra tay sát hại.
Sau khi sát hại anh ruột của mình là vua Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh nghiễm nhiên trở thành người kế vị. Cái chết của Lê Trung Tông kết thúc cuộc tranh đoạt ngôi vua kéo dài sau khi Lê Đại Hành mất. Vậy là chỉ vì quyền lực, con người ta đã bị danh lợi che mờ mắt, mất cả tình người, đến cả anh em ruột thịt cũng còn không tha, quả là đáng buồn thay…
4. Nghi án Lý Công Uẩn ám sát Lê Long Đĩnh
Trong sử sách, của Lê Long Đĩnh ( 986 – 1009) của nhà Tiền Lê hầu như luôn được nhắc đến như một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác. Dù vậy, gần đây đã xuất hiện các ý kiến cho rằng một số điều xấu của ông chỉ là thêu dệt.
(Xem thêm giả thuyết khác về Lê Long Đĩnh: 10 bí ẩn chưa có lời giải trong lịch sử Việt Nam (Phần 1))
Các bộ chính sử của Việt Nam như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều ghi rằng, Lê Long Đĩnh chết vì sự hoang dâm, mê tửu sắc vô độ. Tuy vậy, cũng có nghi vấn về việc Lý Công Uẩn đã ám sát Lê Long Đĩnh để đoạt ngôi.
Sử gia Ngô Thì Sĩ đã nêu ra nghi vấn về việc này trong sách Đại Việt sử ký tiền biên như sau: “Có người nói Khai Minh vương hung hãn bạo ngược… Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc đó, nên sử không được chép, nếu quả như vậy, cũng là đạo Trời hay báo, nên chép phụ vào để làm răn”.
Dù sự thật ra sao thì cái chết của Lê Long Đĩnh sẽ được lịch sử Việt Nam ghi nhận như một cột mốc đánh dấu sự chấm dứt nhà Tiền Lê, khởi đầu giai đoạn trị vì của nhà Lý.
Nguồn tin: Pháp luật News.net:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn