Cuộc đời bất đắc chí của Kim Jong-nam qua lời kể của người bạn nối khố

Thứ hai - 27/02/2017 18:30
 Kim Jong-nam, anh trai ông Kim Jong-un, rất sợ bị em giết khi ông sống lưu vong, bị hoang tưởng cao độ trong những năm cuối đời, theo lời kể của một bạn học cũ.
Cuộc đời bất đắc chí của Kim Jong-nam qua lời kể của người bạn nối khố




Lãnh đạo Kim Jong-un và anh trai KimJong-nam - Nguồn AP

 

Báo Guardian (Anh) ngày 21.2  dẫn lời bạn học cũ của Kim Jong-nam cho biết ông trốn tránh chế độ CHDCND Triều Tiên, đồng thời cảm thấy bất lực trước số phận quê hương dưới quyền lãnh đạo của em ông.

Trong cuộc phỏng vấn đặc quyền dành cho Guardian, một người bạn thân của Kim Jong-nam cho biết ông có quan điểm thoáng và có cá tính, khiến ông phải sống lưu vong cho đến khi bị sát hại tại Malaysia ngày 13.2. Cảnh sát Malaysia cho rằng hai người phụ nữ được điệp viên Triều Tiên giao việc đầu độc Kim Jong-nam trong lúc ông chờ đáp máy bay từ Kuala Lumbur về Macau,cnơi ông sống lưu vong. Ông chết trên xe cứu thương.  

Hai năm qua, Kim Jong-nam thường bay đến Geneve (Thụy Sĩ) và lần mới nhất cách đây vài tháng. Ông thường thăm người bạn Anthony Sahakian. Họ từng cùng học chung một trường quốc tế có uy tín ở thành phố này. Hai người bạn thường uống cà phê, hút xì-gà và đi dạo cả ngày.

Sahakian gọi bạn học cũ là “Lee”, và biết Kim Jong-un xem người anh cùng cha khác mẹ là một mối đe dọa cho chính quyền của ông, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời năm 2011 và  ông Kim Jong-un lên thay từ đó.

Sahakian, 44 tuổi, nói: “Chúng tôi nói chuyện về chế độ này, em của ông ấy, tình hình ở Triều Tiên. Tôi có thể nói rõ một điều là Lee không bao giờ khát quyền lực. Ông ấy muốn đứng ra ngoài, không bao giờ nuôi tham vọng lãnh đạo đất nước. Ông ấy không chấp nhận những gì xảy ra ở đó. Ông ấy ráng giữ mối quan hệ với chế độ”.

Sahakian nói tiếp rằng Kim Jong-nam rất sợ bị ám hại vì là một nhân vật quan trọng về mặt chính trị.

Theo Guardian, không thể rõ tại sao Kim Jong-nam lại bị “cất” dù là người đầu tiên được cơ cấu thừa nhiệm chức lãnh đạo của cha ông. Dì của ông từng xuất bản một cuốn hồi ký sau khi trốn thoát khỏi Triều Tiên, nêu ông Kim Jong-il rất cưng con trai trưởng, luôn nuông chiều con như một đứa con nhỏ.

Nhưng ông nội Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) lại không chấp nhận cuộc ngoại tình của con trai Kim Jong-il với một nữ diễn viên điện ảnh Triều Tiên, người sinh ra Kim Jong-nam.

Người cháu nội của nhà lập quốc được đưa ra khỏi Triều Tiên, đến Nga rồi Thụy Sĩ, nơi ông học tiếng Pháp, Nga, Đức và Anh.

Đó là khi Sahakian lần đầu gặp “Lee” khoảng 12,13 tuổi. Kim Jong-nam được giới thiệu là con trai của một vị đại sứ, trong khi người cha thật Kim Jong-il được rèn dũa để chuẩn bị thừa nhiệm Kim Nhật Thành.

Sahakian nói: “Lúc đó, chúng tôi không biết gì về sự khác biệt giữa Triều Tiên với Hàn Quốc. Bạn ấy vui vẻ, ân cần, hào phóng”. Sahakian còn kể “Lee” khi 15 tuổi đã có chiếc xe hạng sang Mercedes-Benz 600 và “Lee” tự lái.

Khi trở về Triều Tiên, Kim Jong-nam đã trưởng thành, thụ hưởng nền văn hóa châu Âu. Theo hồi ký của dì ông, ông cảm thấy bị “ngạt thở” vì Triều Tiên bị thế giới cô lập.

Kim Jong-nam bị thất sủng, sau khi bị phát hiện trốn qua Nhật Bản với hộ chiếu giả của Cộng hòa Dominique hồi năm 2001. Sau đó, ông sống lưu vong ở Macau với vợ con, và cũng ở Singapore. Theo một người bạn khác, ông còn có một ngôi nhà ờ Bắc Kinh (Trung Quốc).

Kim Jong-nam thường cười lịch sự với các nhà báo phát hiện ông mặc quần jean-áo thun ở sân bay hoặc nhà hàng ở Pháp, Indonesia… Ông từng khẳng định ông không “trốn khỏi quê hương”, nhưng xem ra rõ ràng ông sống lưu vong do muốn thế hoặc bị bắt buộc.

Hồi đầu năm 2011, khi sức khỏe của ông Kim Jong-il suy yếu, Kim Jong-nam tỏ bày quan điểm chính trị với nhà báo Yoji Gomi (người Nhật) vài tháng trước khi người em khác mẹ Kim Jong-un được chỉ định làm “Lãnh đạo tối cao”.

Nhưng khi Gomi tung ra cuốn sách năm 2012, trong đó có phần chỉ trích chuyện “cha truyền ngôi cho con”, Kim Jong-nam lại im lặng, có lẽ vì sợ em khác mẹ nắm quyền lực sẽ lên cơn thịnh nộ truy bức anh trai.

Một năm sau, người chú dượng Yang Song-thaek thân cận với Kim Jong-nam bị người cháu Kim Jong-un xử tử với tội danh “tham vọng chính trị dơ bẩn”,mở màn cho hàng loạt cuộc thanh trừng.

Vì thế, Kim Jong-nam càng ráng sống ẩn mình, từ bỏ tính cách hướng ngoại. Sahakian nói: “Bạn tôi rất buồn về tình hình quê nhà. Và Lee thật sự lo lắng cho đồng bào của ông ấy. Điều này khiến ông ấy gánh thêm sức ép vì chẳng thể làm gì được”.

Sahakian cũng cho biết Kim Jong-nam thường nói đến những tướng lĩnh cao tuổi dìm Triều Tiên vào sự tự cô lập và đàn áp người dân, và người em trai cũng là một phần trong một hệ thống trì trệ do các vị tướng điều hành.

Sahakian nói: “Tôi không nghĩ ông ấy muốn nói người em bị họ kiểm soát, nhưng rõ ràng khi mọi người chung một hệ tư tưởng thì người ta sống với hệ tư tưởng đó. Kim Jong-nam được đánh giá là một người có đầu óc, khát khao cải tổ, nhưng cảm thấy bị bất lực. Dù vẫn được công nhận là con trai trưởng, nhưng ông ấy biết mình không có cá tính hoặc ý chí để nhảy vào thế giới chính trị nhẫn tâm của Triều Tiên”.

Sahakian nhấn mạnh Kim Jong-nam không phải là một quái vật, cũng không là người sống xa hoa, nghiện cờ bạc và mê gái như giới báo chí thường mô tả. Ông nhấn mạnh muốn mô tả Kim Jong-nam là “người tử tế”, nói: “Ông ấy có thể bài bạc, bị chụp ảnh quả tang say rượu, thích phụ nữ như thế thì có gì sai ?”.

Kim Jong-nam cũng cho người bạn biết ông không nhận tiền trợ cấp của Triều Tiên, và sống nhờ những cuộc đầu tư làm ăn ở châu Âu. Và vì là một thành viên không được kính trọng của một dòng họ cầm quyền đất nước cô lập nhất thế giới, mỗi khi đi đâu, Kim Jong-nam đều phải báo cáo trước với chính quyền Triều Tiên. Sahakian nói: “Họ không cho ông ấy đi lại tự do"

Tác giả bài viết: ọt

Nguồn tin: Theo Một thế giới:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây