Bài 6: Làm giả hồ sơ, đổ tội cho người đã chết

Chủ nhật - 26/02/2017 21:55
 (PL News) - Kế hoạch mà Nguyễn Ngọc vạch ra để vu khống cho Lữ Anh Dồi gần như là hoàn hảo. Tuy nhiên, sự chủ quan của Ngọc trong phút chót đã khiến cho vụ án vượt quá tầm với. Cơ quan công tố mất gần cả thập kỷ mới đưa được vụ việc ra ánh sáng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Bài 1: Cái chết của Lữ Anh Dồi và những ngày tháng đoạn trường của người vợ trẻ

Bài 2: Ai giết Lữ Anh Dồi?

Bài 4: Những phiên tòa đanh thép đưa 2 kẻ tội đồ ra trước vành móng ngựa

Bài 5: Động cơ của Nguyễn Ngọc 'bật đèn xanh' cho thuộc cấp bắn Lữ Anh Dồi

Kế hoạch của Nguyễn Ngọc hoàn hảo như thế nào?

Theo bản án sơ thẩm, Lữ Anh Dồi và Thái Văn Hùng có quen biết nhau từ năm 1977. Vào khoảng tháng 2.1979, trong một lần gặp nhau, Dồi đề nghị Hùng cho mượn tàu để bắt người dân trốn ra nước ngoài. Hùng đáp lại phải báo cáo lên cấp trên. Sau đó vài ngày, Hùng về báo cáo lại với cấp trên với một nội dung hoàn toàn khác.

Lúc này Nguyễn Ngọc là thủ trưởng trực tiếp quản lý và chỉ đạo công việc cho Lữ Anh Dồi. Hùng có nói với Ngọc rằng Lữ Anh Dồi có quan hệ móc nối với sĩ quan chế độ cũ và một số phần tử khác trốn đi nước ngoài. Hôm sau, Ngọc triệu tập cuộc họp Đảng ủy và Ban chỉ huy để nghe Hùng báo cáo về nội dung đó.

Sau cuộc họp không ai có ý kiến gì, Ngọc nhận sẽ giải quyết vụ việc. Để hợp thức, Ngọc báo cáo lên Trưởng ty Công an Minh Hải lúc bấy giờ là ông Nguyễn Viết Thống rằng Lữ Anh Dồi có tư tưởng tiêu cực, sa sút nhân phẩm, có hành vi phản bội, có ý định cùng Thái Văn Hùng móc nối tổ chức để cướp tàu, cướp vũ khí trốn đi nước ngoài.

Ngọc đề nghị cho Hùng cài bẫy theo bắt Dồi và những người vượt biên. Ông Thống có ý kiến rằng nếu Dồi có sai sót gì thì gọi về để kiểm điểm, giáo dục nhưng Ngọc bất chấp, không nghe.

Sau đó, Ngọc chỉ đạo cho Hùng chủ động móc nối, tổ chức vượt biên để đưa Lữ Anh Dồi vào bẫy. Thực chất, Dồi không hề biết có cuộc vượt biên nào, tất cả là do Hùng, Ngọc dựng nên. Kế hoạch vạch ra cụ thể như sau: Hùng chuẩn bị tàu, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, trực tiếp gặp những người vượt biên; trong khi đó Ngọc tiếp tục báo cáo với cấp trên những thông tin sai trái về thiếu úy Lữ Anh Dồi, về cuộc đào tẩu, cướp tàu để đi nước ngoài.

Những thông tin Ngọc tung ra đã phát huy hiệu quả, nhưng Dồi thì không biết gì. Dồi nghe ngóng được và 2 lần báo cáo lên Đại đội trưởng Đại đội cơ động Công an vũ trang rằng có người móc nối đi vượt biên, đề nghị cho bắt. Đại đội trưởng báo cáo lên với Nguyễn Ngọc, Ngọc gạt đi và nói rằng người tổ chức, móc nối đi vượt biên chính là Dồi.

Ông Trương Hoàng Danh, trợ lý bảo vệ công an vũ trang khi nghe tin báo Dồi phản quốc thì gặp ông Ngọc đề nghị đặt máy ghi âm để kiểm tra, xác minh nhưng Ngọc không chịu. Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang thời ấy cũng đã cử người xuống nhắc nhở rằng không dùng người nội bộ cài bẫy đánh người nội bộ. Bộ Tư lệnh đề nghị Ngọc gọi Dồi về để kiểm điểm, giáo dục nhưng Ngọc vẫn bất bỏ ngoài tai và tuyên bố đây là việc của địa phương.

Báo chí thời điểm đó rất quan tâm đến vụ án xử Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng

Sau đó, ông Trương Hoàng Danh có gặp Thái Văn Hùng dặn dò phải bắt sống Lữ Anh Dồi, tuy nhiên Hùng tỏ thái độ sẽ bắn chết Dồi. Ông Danh báo cáo việc này cho Ngọc, Ngọc đáp lại: “Nếu nó (chỉ Dồi - PV) ngoan cố thì bắn chết chứ ăn thua gì”. Như vậy bước đầu Ngọc và Hùng đã hợp thức hóa được cái chết trong tương lai của Lữ Anh Dồi.

Lữ Anh Dồi chết như thế nào?

Sau mội thời gian chuẩn bị, Ngọc và Hùng quyết định thực hiện kế hoach vào lúc 13 giờ ngày 27.3.1979. Trước khi thực hiện, Ngọc cho họp Ban chỉ huy, báo kế hoạch vây bắt. Ngọc chỉ đạo cho thuộc cấp và nhóm vây bắt gồm 12 người mai phục sẵn quanh cửa hàng thu mua hải sản, nơi Hùng và Dồi sẽ có mặt ở đó.

Ám hiệu là khi Hùng bỏ mũ xuống là tàu đã đến, Hùng đội mũ lên là khách đã lên tàu, lúc đó nhóm này sẽ lao ra bắt. Trước đó, trong cuộc họp, Hùng đặt vấn đề nếu có sự chống cự thì xử lý như thế nào, 1 đồng chí cho phép Hùng bắn bị thương. Nhưng Ngọc thì công bố phải bảo vệ lực lượng bằng cách bắn tiêu diệt. Hùng và Ngọc thực chất đã hiểu nhau trước đó, lần này phải bắn chết Lữ Anh Dồi để trừ hậu họa.

Kế hoạch đã chuẩn bị xong, “thiên la địa võng” cũng đã được bày bố. Ngọc cũng thông báo với Ban lãnh đạo Ty Công an Minh Hải việc này sẽ thực hiện trong 15 phút. Sau đó Ngọc lên xe và đến Hộ Phòng.

Sau khi 53 người vượt biên đã xuống tàu, Hùng và Dồi vẫn đi lại quanh khu vực bến tàu. Lúc này xe của Ngọc cũng vừa tới, Hùng vẫy tay cho xe quay lại. Đúng lúc này, Hùng đội mũ lên đầu ra ám hiệu hành động. Đồng thời, Hùng rút khẩu K54 trong cạp quần, súng cướp cò, nổ xuống sàn. Dồi giật mình nhìn ngang thì Hùng đã chỉa súng ngang mặt, Dồi đưa tay rồi chỉ kịp thốt lên: “Mày bắn tao sao Hùng?”.

Hùng lạnh lùng bắn 1 phát đạn xuyên qua tay Dồi rồi găm thẳng vào gáy. Dồi ngã xuống, Hùng bắn thêm 2 phát nữa khiến Dồi chết ngay tại chỗ. Lúc này, nhóm vây bắt ập vào thấy Dồi chết thì hỏi Hùng tại sao bắn chết Dồi. Bất ngờ Ngọc xuất hiện phía sau, nhìn Hùng đầy ẩn ý và nói rằng: “Nó phản bội Tổ quốc, bắn bỏ không sao”.

Như vậy, kế hoạch của Ngọc và Hùng đã có thể gọi là thành công. Trên sàn nhà, Dồi nằm chết trong khi súng vẫn trong bao, trên tay vẫn còn cầm điếu thuốc hút dở, khuôn mặt lộ rõ nét kinh hoàng. Ngọc ra lệnh cho nhóm vây bắt đưa những người vượt biên về trại giam.

Về phần cái chết của Lữ Anh Dồi, Ngọc sai người đem đi chôn cất tạm bợ và không lập bất cứ một biên bản hiện trường nào. Và phải 2 ngày hôm sau, Ngọc mới sai người báo cho Viện kiểm sát biết. Hành động của Hùng bắn Dồi khi không có sự chống cự đã không bị kiểm điểm gì mà còn được khen thưởng, biểu dương.

Vụ việc tưởng như đã xong thì bà Mai nghi ngờ về cái chết của chồng mình nên gõ cửa khắp nơi kêu oan. Ngọc và Hùng phải chịu sức ép từ liên ngành tố tụng. Để hợp lý tội danh của Dồi, Ngọc chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ giả gọi là: “Vụ án chính trị nội bộ”, hay báo cáo 05 để vu khống Lữ Anh Dồi, che dấu những  hành vi sai trái của mình.

Cụ thể, Ngọc chỉ đạo tạo nên những chứng cứ giả để đưa vào hồ sơ này như biên bản của Công an thị trấn Hộ Phòng với nội dung không đúng sự thật. Ngọc còn ra lệnh cấp dưới viết báo cáo nêu những mặt xấu của Dồi theo nội dung Ngọc dựng lên để đưa vào hồ sơ. Ngọc cũng tự ý ra quyết định xóa tên Dồi trong danh sách đảng viên mà không cần chờ ai đồng ý. Để trấn an dư luận, Ngọc tiếp tục chỉ đạo cấp dưới tìm bà Mai để đe dọa không được khiếu kiện nữa.

Sau này, ông Nguyễn Hoàng, nguyên Viện trưởng VKSND Minh Hải lập luận rằng, vụ án này Ngọc vi phạm pháp luật 4 vấn đề: Vụ án chính trị phản động phải có hồ sơ ban đầu để khi tình huống xấu xảy ra phải bắt đối tượng. Tại sao ông Ngọc không xin phép VKS? Sau khi vụ án xảy ra, Ngọc cho xóa bỏ hiện trường, không cử Hội đồng giám định xử lý; năm lần VKS mượn hồ sơ vụ án, Ngọc không cho; một vụ án chính trị phản động thì phải bắt sống để khai thác chứ không giết chết. Cũng theo ông Hoàng, đây là vụ án mà Ngọc được bao che từ “những bàn tay vô hình”.

Sau báo cáo 05 của Nguyễn Ngọc, Hùng được thăng cấp lên làm thiếu úy, Ngọc cũng được thăng cấp, tăng lương và chuẩn bị rút về Bộ Nội vụ. Hơn 1 năm sau, nhờ sự kiên trì không biết mệt mỏi của bà Mai, Thái Văn Hùng đã bị bắt tạm giam, còn Ngọc lúc này đã đi Liên Xô du học.

3 năm sau, hồ sơ vụ án được chuyển qua phòng điều tra án hình sự Quân khu 9 để xử lý. Bộ Quốc phòng sau đó giao cho các cơ quan pháp lý Quân khu 9 lập hồ sơ hình sự đưa vụ án ra xét xử. Ngày 25.8.1986, phòng điều tra hình sự có quyết định khởi tố Nguyễn Ngọc. Cơ quan này cũng có công văn gửi tới Bộ Nội vụ đề nghị đưa Ngọc về địa phương để xử lý. Nhưng cũng phải mất thêm 2 năm nữa, sau chỉ đạo cứng rắn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Ban bí thư, Nguyễn Ngọc mới có mặt trong trại tạm giam ở Cà Mau.

(còn tiếp) 

Tác giả bài viết: Ngọc Hàm

Nguồn tin: Một thế giới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây