Chuyện bà Phó chánh án nhận hối lộ: Mức án & Sự công bằng, bình đẳng

Thứ hai - 12/02/2018 10:21
Mới đây, ngày 16/10/2017, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử một "cựu đồng nghiệp" của mình - bị cáo Trương Thị Hoa (thẩm phán, nguyên phó chánh án TAND huyện Ea Kar) và tuyên phạt bà này 12 tháng tù về tội nhận hối lộ. Mức án này nhẹ hơn mức án do VKS đề nghị khá nhiều (từ 18-24 tháng tù) và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Qua đó, cũng đã bộc lộ một cách điển hình, những vấn đề liên quan đến chất lượng xét xử, uy tín, lòng tự trọng và việc thực thi pháp luật của ngành Toà án tại Việt Nam.
Chuyện bà Phó chánh án nhận hối lộ: Mức án & Sự công bằng, bình đẳng

 


Công lý không thể dễ dàng "nghiêng ngả" vì tình "đồng chí" (ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)


Nội dung vụ án:

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, cuối năm 2016, thẩm phán Trương Thị Hoa được phân công thụ lý xét xử vụ án ông Nông Văn Thụt bị truy tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi ông Thụt gặp bà Hoa hỏi về vụ án, bà này đã “ra giá” 120 triệu đồng để xử án treo cho ông. Tức là ông Thụt sẽ không phải ở tù. Do ông Thụt than khó khăn, bà Hoa "nhân đạo" hạ giá xuống còn 80 triệu đồng. 

Ngày 5/12/2016, vợ chồng ông Thụt đến nhà riêng của bà Hoa, đưa 80 triệu đồng, bí mật quay lại clip. Sau đó làm đơn tố cáo hành vi nhận hối lộ của bà Hoa gửi đến cơ quan chức năng. 

Trước những chứng cứ quá rõ ràng, thẩm phán Hoa đã bị bắt tạm giam, khởi tố hình sự, rồi truy tố về tội nhận hối lộ.

Ngày 16/10/2017, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Đăk Lăk trong sự quan tâm của dư luận xã hội.

Tại phiên toà, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị mức án đối với bị cáo Hoa là 18-24 tháng tù. Theo VKS, sở dĩ đề nghị mức án nhẹ như vậy là vì bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ: phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, có nhiều đóng góp, thành tích trong ngành tòa án…

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Nông Văn Thụt cho rằng bị cáo Hoa là người biết rất rõ về luật pháp. Với hành vi vi phạm của ông Thụt chỉ nằm ở mức án 1-5 năm tù, nhưng bị cáo Hoa lại nói với ông Thụt là từ 5-15 năm tù là hành vi đe dọa và thủ đoạn gian dối, xảo quyệt nhằm mục đích đòi và nhận hối lộ. Do vậy, cần phải xem xét áp dụng hình thức xử phạt tăng nặng so với đề nghị của VKS.

Ngoài ra, các luật sư còn đề nghị khởi tố tại tòa đối với Chánh án và thư ký TAND huyện Ea Kar về tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã nhẹ nhàng tuyên phạt bị cáo Trương Thị Hoa chỉ 12 tháng tù. Đồng thời bác bỏ quan điểm của các luật sư.

Được biết sau khi tòa tuyên án, ông Nông Văn Thụt (người tố cáo) đã làm đơn kháng cáo nộp trực tiếp tại tòa.

.............

Luật sư Trần Hồng Phong bình luận:

1. Thực tình mà nói, tôi không bất ngờ về mức án siêu nhẹ và những lý do mà Toà đưa ra để tuyên án đối với vị bị cáo thẩm phán trong vụ án này. Vì đâu chỉ có một vụ này là duy nhất, mà đã nhiều, rất nhiều những vụ án hay vụ việc theo kiểu như vậy, trong suốt bao năm qua. Thế nên vụ án này chỉ là thêm một ví dụ, minh hoạ cụ thể hơn, về những tiêu cực (nói một cách nhẹ nhàng) trong ngành Toà án. Thêm một ví dụ để minh hoạ có việc có hay không sự công bằng, khách quan trong xét xử và áp dụng pháp luật tại Việt Nam. Khi mà về lý thuyết và lý luận, chúng ta biết rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, pháp luật là chung, không phân biệt bị cáo là ai, địa vị, chức vụ gì.

2. Mức án siêu nhẹ này làm tôi nhớ đến một vụ án hình sự nhỏ mà tôi mới tham gia vài tháng trước tại TP.HCM (giữa năm 2017). Nội dung: 3 công nhân đã lấy phế liệu sắt (được giám đốc xác nhận là "phế liệu") khi đang dọn kho ban ngày, đem bán được 1,5 triệu đồng, chia nhau mỗi người 500 ngàn đồng. Từ tố cáo của một quản lý trong công ty, qua định giá của Hội đồng định giá xác định giá trị lô phế liệu là 2,45 triệu đồng, 3 công nhân này đã bị bắt tạm giam (30 ngày) rồi khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Tại phiên toà, đại diện VKS cương quyết đề nghị mức án từ 6-9 tháng tù giam cho mỗi bị cáo, cho rằng quan điểm bào chữa của luật sư "không có căn cứ". (Sau đó Toà đã tuyên án 6 tháng tù treo, chấp nhận phần lớn lời bào chữa của luật sư). 

Ở đây, tôi không nói đến việc bào chữa hay - dở, mà muốn so sánh số tiền thu lợi bất chính: 500 ngàn đồng - thì bị đề nghị 6-9 tháng tù về tội trộm cắp, trong khi nhận 80 triệu đồng, lớn gấp 160 lần, tính chất "hối lộ" nghiêm trọng hơn rất nhiều so với "trộm cắp", thì chỉ bị 12 tháng tù. Sự khác biệt giữa hai mức án là quá lớn! Vì đâu và vì sao việc nhận thức và áp dụng pháp luật trong chính các cơ quan tiến hành tố tụng lại khác biệt đến vậy? Cần nói thêm là các bị cáo của tôi cũng đều có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, hoàn cảnh rất khó khăn.

3. Có lẽ cũng không cần phải phân tích lý luận gì. Mời quý vị cùng xem những điều luật bên dưới, thì sẽ thấy ngay Toà Đăk Lăk xử như vậy đã đúng chưa, khách quan chưa? Khi mà theo điều luật mức án trong trường hợp của thẩm phán Hoa là 15-20 năm, nhưng xử chỉ .. 1 năm! Nếu chưa đúng, thì đó là do nhận thức, hay lòng tự trọng, trách nhiệm của Hội đồng xét xử có vấn đề? Rõ ràng những bản án "ưu ái" cho một con người từng là "đồng chí" của mình như vậy sẽ chỉ càng làm cho ngành Toà án mất uy tín, xấu đi trong mắt người dân. Sâu xa hơn, làm cho niềm tin của người dân vào sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật, vào hệ thống tư pháp, thậm chí là niềm tin vào chế độ càng thêm giảm sút. 

4. Thật đáng buồn và đáng nói hơn, là trên thực tế hiện nay, có không ít vị hàng ngày ngồi trên bục xét xử, nhân danh Nhà nước, nhân danh pháp luật, phán xét, kết tội người khác. Thậm chí còn lên giọng dạy dỗ, lời lẽ đao to búa lớn... Nhưng bản thân họ hoàn toàn không xứng đáng được ngồi vào vị trí ấy, làm công việc ấy. 

5. Qua vụ án này, còn cho thấy vai trò "lép vế" và mang tính hình thức của 2 vị Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử (gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân). Theo quy định, các thành viên trong HĐXX mỗi người 1 phiếu biểu quyết ngang bằng nhau trong việc đưa ra quyết định về tội danh và hình phạt. Thế mà dù chỉ là thiểu số, nhưng một mình bà thẩm phán Hoa đã chủ động ngỏ lời chạy án và quyết luôn kết quả xét xử!

6. Luật pháp bất vị thân. Theo đánh giá của tôi, ngoại trừ một số điều liên quan đến quyền dân chủ, quyền con người cần phải xem xét lại, về cơ bản luật pháp Việt Nam khá mạnh mẽ, nghiêm khắc và cũng khá công bằng. Thế nhưng đi vào cuộc sống thì lại quá tệ, quá thiếu công bằng, khách quan. Đồng tiền có thể dễ dàng vô hiệu hoá, bẻ cong pháp luật. Lỗi này thuộc về ai?

..........

Quy định tại Bộ luật hình sự (1999):

Điều 279. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 138. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Tác giả bài viết: Ls. Trần Hồng Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây