Tham gia Olympic, Triều Tiên vẫn thủ dao sau lưng?

Thứ năm - 08/02/2018 02:26
TTO - Hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang bí mật xây dựng các căn cứ dùng cho tàu đệm khí đổ bộ có khả năng tấn công đảo tiền tiêu Hàn Quốc chỉ trong nửa giờ.
Tham gia Olympic, Triều Tiên vẫn thủ dao sau lưng?

 


Tham gia Olympic, Triều Tiên vẫn thủ dao sau lưng? - Ảnh 1.

Các tàu đệm khí Triều Tiên tham gia một cuộc tập trận đổ bộ - Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh Triều Tiên đồng ý đưa các VĐV tới Hàn Quốc tham gia Thế vận hội mùa đông 2018 trong tuần này - một động thái được đánh giá "thân thiện" bất ngờ, bỗng xuất hiện thông tin cho biết Bình Nhưỡng đang âm thầm xây các căn cứ dùng cho mục đích tấn công các đảo tiền tiêu của Hàn Quốc.

Đưa tin ngày 6-2, báo Telegraph của Anh dẫn nghiên cứu của một chuyên gia cho hay hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Triều Tiên đang bí mật xây dựng các căn cứ dùng cho đội tàu đệm khí của nước này.

Với vị trí nằm gần các đảo tiền tiêu của Hàn Quốc, những căn cứ này sẽ giúp Triều Tiên triển khai binh sĩ lên đất Hàn Quốc chỉ trong vòng nửa giờ.

Cụ thể, Triều Tiên đang xây mới hai căn cứ như vậy và nâng cấp hai căn cứ đã có sẵn ở phía Tây nước này. Hai căn cứ tàu đệm khí mới nằm tại Yonbong-ni và Sasulpo thuộc tỉnh Nam Hwanghae. Động thái được đánh giá sẽ tăng thêm đe dọa cho các đảo của Hàn Quốc ở Hoàng Hải.

Thông tin trên do chuyên gia về Triều Tiên Joseph Bermudez tiết lộ trên trang Beyond Parallel thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ thông qua phân tích các hình ảnh vệ tinh.

Gần nhất, ảnh chụp vệ tinh vào tháng 12-2017 cho thấy công tác xây dựng vẫn đang được tiến hành tại căn cứ Yonbong-ni. Căn cứ này có diện tích gần 69 ha, trong đó có các kiến trúc kiên cố để chứa 54 tàu đệm khí.

Tham gia Olympic, Triều Tiên vẫn thủ dao sau lưng? - Ảnh 2.

Ảnh chụp vệ tinh ngày 26-12-2017 cho thấy các nhà chứa tàu đệm khí được xây dựng ở căn cứ Yonbong-ni của Triều Tiên - Ảnh: CSIS

Theo ông Bermudez, căn cứ Yonbong-ni sẽ cho phép các tàu đệm khí chở binh sĩ Triều Tiên đổ bộ đánh đảo Daecheong-do của Hàn Quốc chỉ trong vòng 30 phút. Trong khi đó, việc tiếp cận TP cảng Incheon của Hàn Quốc từ căn cứ này sẽ diễn ra chỉ trong 90 phút.

Nếu Triều Tiên tái triển khai các đơn vị tàu đệm khí hiện có ở Kibong-dong và Tasa-ri tới căn cứ Yonbong-ni, thì đây sẽ là địa điểm xa nhất mà Hải quân nhân dân Triều Tiên (KPN) từng triển khai một đơn vị như vậy cho tới nay"

Ông Joseph Bermudez - chuyên gia về Triều Tiên 

Mỗi tàu đệm khí của Triều Tiên có sức chứa khoảng 50 người thuộc lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của nước này, trong đó gồm cả một đơn vị chuyên về bắn tỉa. Lực lượng này nắm vai trò tạo đầu cầu, làm tê liệt năng lực chỉ huy và kiểm soát của địch, tấn công các căn cứ không quân và địa điểm tên lửa.

Chuyên gia Bermudez nhận định động thái này sẽ gây đe dọa tới các đảo của Hàn Quốc ở Hoàng Hải và có thể khiến căng thẳng hai miền tăng trở lại.

Tính tới tháng 12-2017, căn cứ tàu đệm khí ở Yonbong-ni có khả năng chứa 54 tàu đệm khí, nhiều hơn 2 chiếc so với căn cứ chính ở Sasulpo.

"Nếu việc xây dựng cứ tiếp tục được xúc tiến với tốc độ hiện nay, có thể Triều Tiên sẽ tiến hành đổ mái căn cứ vào năm 2018, đồng thời phần lớn các cơ sở hạ tầng, trụ sở hành chính, và các khu hậu cần sẽ được hoàn thành trong năm 2019" - ông Bermudez phân tích.

Triều Tiên bắt đầu đưa vào sử dụng tàu đệm khí trong lực lượng vũ trang nước này vào những năm 1980. Các tàu loại này sẽ thay thế lực lượng tàu đổ bộ truyền thống vốn rất chậm và không thể vận chuyển được nhiều quân nhân cùng khí tài.

Đây được đánh giá là lực lượng quan trọng để uy hiếp các đảo tiền tiêu của Hàn Quốc. Vào năm 2010, Triều Tiên từng nã 170 quả đạn pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc gần biên giới tranh chấp trên Hoàng Hải, khiến 4 người thiệt mạng.

Triều Tiên được cho hiện sở hữu khoảng 130 tàu đệm khí lớp Kongbang với tốc độ 96 km/giờ. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rất chú trọng tới lực lượng này. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ông Kim thường xuyên thị sát các cuộc tập trận tấn công đổ bộ của lực lượng đặc nhiệm trên các tàu đổ bộ.

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây