Ngày 11/8, Công an quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc bé L.H.L (học sinh lớp 1 Trường Gateway, Cầu Giấy, TP.Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh.
Ngay sau khi sự việc cháu L được phát hiện bất tỉnh trên xe buýt của Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Gateway (Trường Gateway), và sau đó được xác định đã tử vong vào chiều 6/8, cơ quan chức năng đã mời 3 người có liên quan tới làm việc để phục vụ công tác xác minh, điều tra làm rõ sự việc.
Dư luận băn khoăn: Tại sao thời điểm phát hiện cháu L bất tỉnh trên xe buýt, chiếc xe vẫn được tiếp tục thực hiện việc đưa đón 9 học sinh khác rồi mới quay trở lại trường?
3 người này gồm lái xe Doãn Quý Phiến (SN 1966, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Ông Phiến là nhân viên lái xe hợp đồng với Công ty TNHH vận tải Ngân Hà đưa đón học sinh của Trường Quốc tế Gateway.
Mới đây, trả lời báo chí, bà Quy cho biết, khi phát hiện sự việc bà rất hoảng và run, không nói được gì nữa. Lúc mở cửa xe, ông Phiến vẫn ngồi ở trên xe. Sau khi một người bế cháu đi cấp cứu, bà và ông Phiến xuống xe chạy theo, nhưng sau đó phải quay lại để tiếp tục đưa 9 cháu còn lại về.
“Tôi có thấy ông Phiến gọi điện cho ai đó nói về sự việc, sau đó, tiếp tục đưa các cháu còn lại về nhà. Lúc đó, tôi không liên lạc với ai”, bà Quy thông tin.
Sau khi sự việc xảy ra, dư luận đặt câu hỏi về việc tại sao khi phát hiện cháu bé có dấu hiệu bất tỉnh, bà Quy và lái xe không giữ nguyên hiện trường để phục vụ công tác điều tra mà lại di chuyển chiếc xe đi chỗ khác. Đây có phải là hành vi cố tình hủy hoại hiện trường?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, mọi kết luận về vụ việc phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.
Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư Trương Quốc Hòe, nói bà Quy và ông Phiến không giữ nguyên hiện trường, lái chiếc xe đưa đón học sinh rời khỏi nơi phát hiện sự việc là cố tình hủy hoại chứng cứ, cố tình làm sai lệch hiện trường là chưa có cơ sở.
“Đây là bản năng của con người, thời điểm đó có thể họ quá hoảng loạn nên chỉ nghĩ làm sao có thể đưa cháu bé đi cấp cứu thật nhanh. Nên nói họ cố tình làm sai lệch hiện trường là không có cơ sở”, luật sư Hòe nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo luật sư Hòe, nếu sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng yêu cầu phải giữ nguyên hiện trường mà lái xe vẫn cố tình di chuyển xe đi nơi khác thì lúc này mới quy được trách nhiệm về hành vi cố tình làm sai lệch hiện trường.
Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Tại Điều 89, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Vì vậy, nếu chiếc xe chở học sinh của trường quốc tế Gateway được xác định là một phần hiện trường của vụ án ( nơi diễn ra hành vi phạm tội), mang dấu vết tội phạm, có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án sẽ được xác định là vật chứng của vụ án theo quy định pháp luật.
Việc bảo quản, quản lý vật chứng của vụ án được quy định tại iều 90 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 như sau:
Vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản;
Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán theo quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại Kho bạc Nhà nước để quản lý;
Ngoài ra, người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của luật.
Như vậy, theo quy định pháp luật, cơ quan điều tra có quyền thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định tại điều 89 và điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự.
Trong trường hợp, cơ quan điều tra đã chụp ảnh hiện trường, đã tìm kiếm, thu thập đầy đủ các dấu vết, tang vật (vật chứng) của vụ án thì vẫn có thể giao vật chứng là chiếc xe đó cho chủ sở hữu bảo quản.
“Còn trường hợp, chưa thực hiện việc khám nghiệm phương tiện, tang vật, chưa kiểm tra kỹ lưỡng xe đó theo thủ tục, chưa chụp ảnh, thu thập các dấu vết có ở trên xe mà đã giao chiếc xe trả lại cho chủ sở hữu thì việc làm như vậy là có sai sót trong quá trình tố tụng, sẽ khó khăn cho công tác điều tra.
Với vấn đề này, cơ quan điều tra có thể trả lời, giải thích, làm rõ vấn đề này trước công luận. Trong trường hợp chưa thực hiện các thủ tục để thu thập chứng cứ, dấu vết trên chiếc xe này thì phải thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật để tìm kiếm các chứng cứ, làm căn cứ chứng minh sự thật khách quan của vụ án, làm cơ sở để giải quyết vụ án theo quy định pháp luật” – Luật sư cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn