Tránh việc ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán

Thứ hai - 12/08/2019 21:15
Kiểm toán thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, nếu “ai cũng chỉ đạo” mà không có cơ chế, cơ quan này không kham nổi.
Tránh việc ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán

Ngày 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Luật Chứng khoán (sửa đổi)… và thống nhất nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau mà trước đó đã bàn thảo.

Lo kiểm toán không kham hết nghị quyết của Quốc hội

Theo dự thảo, KTNN “Thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”. Đây là nội dung vừa được bổ sung so với dự thảo luật đã trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019).

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho biết: Thường trực Ủy ban thống nhất với đề xuất trên để KTNN bảo đảm nguồn lực, chủ động hơn trong thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được quyết định.

Tuy nhiên, theo ông, KTNN cần giải trình rõ hơn và tổng hợp, thống kê, đánh giá tác động khi thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm toán thực hiện từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực đến nay.

“Cần làm rõ mức độ ảnh hưởng đến kế hoạch kiểm toán, chất lượng các cuộc kiểm toán trong kế hoạch để có căn cứ trình UBTVQH, QH xem xét, quyết định” - ông Hải nói.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng ý mở rộng thẩm quyền đề nghị kiểm toán cho các chủ thể nhưng có thực hiện hay không thì phải theo kế hoạch kiểm toán đã được QH phê duyệt. “Đề nghị đó phải được bổ sung trong kế hoạch” - Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, kế hoạch kiểm toán hằng năm do QH thảo luận, thông qua và ra nghị quyết. “KTNN trước hết phải thực hiện nghị quyết của QH” - bà Ngân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch QH, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý, Chính phủ, Thủ tướng phát hiện có những vấn đề nên yêu cầu kiểm toán là “nhu cầu chính đáng, yêu cầu đúng. Tuy nhiên, dự án luật phải có cơ chế để tránh việc “ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán”. Mặt khác, hằng năm, KTNN đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ nên không thể đáp ứng được hết các yêu cầu ngoài kế hoạch.

“Nếu quá nhiều chỉ đạo ngoài kế hoạch của kiểm toán thì nghị quyết của QH thế nào?”, bà Ngân nêu vấn đề và đề nghị phải xử lý vấn đề này trong luật để tránh mâu thuẫn với nghị quyết của QH.

Tránh việc ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán - ảnh 1
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Chỉ cần một sở giao dịch chứng khoán

Cho ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), các đại biểu cho rằng chỉ nên có một sở giao dịch chứng khoán và giao cho Chính phủ quyết định là nên đặt ở đâu, trên cơ sở tổng kết hoạt động của hai sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, TP.HCM.

“Sở giao dịch chứng khoán nên đặt ở nơi trung tâm tài chính giao dịch sôi động nhất, không nhất thiết đặt tại thủ đô” - Chủ tịch QH phát biểu.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đồng tình với đa số ý kiến cho rằng chỉ nên thiết kế “một sở, hai sàn giao dịch chứng khoán”.

Ông Dũng cho biết Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh đề án sở giao dịch chứng khoán để trình Thủ tướng quyết định. Sở giao dịch chứng khoán sẽ được đặt tại Hà Nội để phù hợp quản lý, điều hành, giám sát, ứng phó với mọi bất bình thường. Việc phân chia này cũng phù hợp với mô hình sàn giao dịch TP.HCM là nơi tập hợp các doanh nghiệp cổ phần lớn, còn sàn Hà Nội sẽ là nơi giao dịch cổ phiếu, trái phiếu chính phủ...

“Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định theo hướng Chính phủ quyết định hình thức tổ chức, thành lập, giải thể, cơ cấu của sở giao dịch chứng khoán, trong đó bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Quan điểm bộ trưởng thế nào?” - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển hỏi.

Đáp lại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng Thủ tướng quyết định là đúng nhưng không nên quy định Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vì còn phụ thuộc từng điều kiện kinh tế - xã hội, từng thời kỳ. “Thông lệ quốc tế là Nhà nước không nắm cổ phần chi phối” - ông Dũng nhấn mạnh.

Không chào bán chứng khoán riêng lẻ

Các đại biểu thống nhất không cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán chứng khoán riêng lẻ bởi phần lớn nó là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu cho phép chào bán chứng khoán riêng lẻ có thể sẽ có nhiều rủi ro, dẫn tới hiệu ứng domino trên thị trường. Các doanh nghiệp này cần vốn, có thể huy động qua các kênh khác để tránh rủi ro cho thị trường tài chính.

Phân tích thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được cụ thể hóa trong nhiều luật hiện hành. “Nếu cho phép chào bán chứng khoán ra công chúng sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường và không bảo đảm tính bình đẳng đối với các thành viên thị trường khác” - ông Thanh nói. 

 


 

Tác giả bài viết: ĐỨC MINH 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây