Tỉnh miền núi Quý Châu luôn là tỉnh nghèo nhất trong số 31 tỉnh ở Trung Quốc, nổi tiếng với một số loại lá thuốc và rượu Mao Đài. GDP đầu người của Quý Châu chỉ bằng một phần ba so với Bắc Kinh.
Nhưng thủ phủ Quý Dương với dân số 4,6 triệu người đang có tham vọng trở thành thủ phủ công nghệ của Trung Quốc, và “dữ liệu lớn” đang là từ khóa khá “hot” khắp thành phố. Nơi đây có các plaza, trung tâm nhân lực, khu công nghiệp và khu chung cư dành cho “dữ liệu lớn”.
Khách đến Hội chợ Quốc tế về Dữ liệu Lớn ở Quý Dương, được tổ chức mỗi năm từ 2015. Quý Dương đang có tham vọng trở thành thủ phủ công nghệ của Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Giới lãnh đạo Quý Dương đang muốn biến dữ liệu lớn, vốn là phần cốt lõi trong các dịch vụ trên mạng thế hệ 5G, thành thế mạnh mũi nhọn của thành phố. Nơi đây có những lợi thế bất ngờ: nguồn nước ở Quý Dương cho phép các nhà máy thủy điện cung cấp điện năng cho các phòng máy chủ khổng lồ, và khí hậu lạnh giúp các máy chủ tản nhiệt dễ dàng, theo Nikkei Asian Review.
“Những trung tâm dữ liệu (data center) lớn nhất đang được xây dựng ở đây bởi các ông lớn công nghệ”, bao gồm Apple và Tencent, theo Li Haibo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Hợp tác Quốc tế tại Khu Công nghệ Cao Quý Dương.
Apple đã khởi công data center 1 tỷ USD ở Quý Dương vào tháng 5/2018, dự kiến hoàn thành năm sau, để có thể cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây cho thị trường rộng lớn 1,4 tỷ người của Trung Quốc.
Giấc mơ của Quý Dương và dự án của Apple chính là ví dụ về hợp tác công nghệ Mỹ - Trung, vốn đã nở rộ nhiều năm nay. Nhưng chiến tranh thương mại, khởi đầu từ việc đánh thuế, đang dần chuyển thành cuộc chiến mang nặng chủ nghĩa dân tộc nhằm giành thế thống trị về công nghệ, đe dọa sự sống còn của các dự án hợp tác công nghệ như trên.
Nhiều người ví von rằng “bức màn sắt kỹ thuật số” sẽ sập xuống, cắt đứt liên hệ giữa Apple và dự án ở Quý Dương. “Bức màn sắt” là cụm từ nói đến ranh giới phòng thủ căng thẳng giữa Đông Âu và Tây Âu trong thời Chiến tranh Lạnh.
“Thế giới sẽ có hai chuẩn công nghệ, do Mỹ và Trung Quốc lập ra từ cạnh tranh khốc liệt giữa hai cường quốc... Có thể sẽ có ‘Một Thế giới, Hai Chế độ’”, Chủ tịch Foxconn Terry Gou nói với Nikkei Asian Review, chơi chữ từ quy chế đối với Hong Kong sau khi được Anhchuyển giao cho Trung Quốc: “Một Quốc gia, Hai Chế độ”.
Foxconn là công ty chế tạo linh kiện iPhone lớn nhất thế giới, đang hoạt động ở Trung Quốc.
Ông Terry Gou (giữa) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ động thổ một nhà máy Foxconn ở bang Wisconsin, Mỹ ngày 28/6/2018. Ảnh: Getty Images. |
Những dự đoán đáng kinh ngạc trên là kết quả của lệnh cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho Huawei. Linh kiện hay công nghệ từ các hãng Mỹ vẫn luôn là phần then chốt trong sản phẩm của hãng điện thoại Trung Quốc này. Ngày 17/6, Huawei cắt giảm dự báo doanh thu tới 30 tỷ USD do lệnh cấm của Mỹ.
Lệnh cấm của Tổng thống Trump khiến Huawei không thể cập nhật hệ điều hành Android của Google, và không thể mua linh kiện của hãng sản xuất chip viễn thông hàng đầu thế giới Qualcomm. Các nhà mạng Nhật Bản cũng như chính phủ Australia và New Zealand đã dừng mua thiết bị Huawei.
“Ngành công nghệ Trung Quốc đang đứng trước thời khắc quan trọng. Chúng ta không thể ngồi chờ chết... mà phải xây dựng nguồn cung của riêng mình”, Wang Huiyao, chủ tịch một viện chính sách ở Bắc Kinh, nói với Nikkei Asian Review.
Mỹ cáo buộc Huawei dùng các sản phẩm của hãng để hoạt động gián điệp, tiết lộ thông tin người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Giám đốc Tài chính của công ty, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ ở Canada vào tháng 12/2018 theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ, sau khi Huawei bị cáo buộc bán thiết bị cho Iran bất chấp các lệnh cấm vận.
Chính sách mạnh tay với Trung Quốc đang nhận được ủng hộ từ các nhà lập pháp Mỹ, cả phía đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Về phía doanh nghiệp Mỹ, dù ủng hộ nỗ lực bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, họ lo ngại cách tiếp cận nặng tay của chính quyền.
Hậu quả là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh giới hạn xuất khẩu đất hiếm, thành phần quan trọng đối với ngành công nghệ cao Mỹ, đồng thời cấm chuyến giao công nghệ Trung Quốc ra nước ngoài.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu rời một phiên tòa ở Vancouver vào tháng năm. Ảnh: Getty Images. |
So với các mạng thế hệ trước, 5G được phát triển theo cùng một tiêu chuẩn. “Nhưng những căng thẳng này sẽ thay đổi điều đó... Tôi tin rằng một tiêu chuẩn chung sẽ giúp công nghệ phát triển hơn và được ứng dụng nhanh chóng hơn”, Lu Fang-Ming, Chủ tịch mảng Viễn thông của Foxconn, nói với Nikkei Asian Review.
"Chiến tranh Lạnh" về công nghệ sẽ chia thế giới làm đôi, một bên chịu ảnh hưởng của Mỹ, bên kia chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng bản đồ chia cắt đó chưa rõ ràng, và sẽ khó đoán định.
Các nước Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ không cấm cửa Huawei như Mỹ muốn. Ngay cả đồng minh Hàn Quốc cũng chưa nêu rõ lập trường.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phát biểu cuối tháng 5: “Các nghiên cứu của Huawei hơn nhiều so với khả năng của Malaysia. Chúng tôi sẽ tận dụng công nghệ của họ nhiều nhất có thể”. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Số Thái Lan Pichet Durongkaveroj nói nước ông sẽ không về phe cấm Huawei, và “Bangkok là bạn của mọi công ty từ mọi quốc gia”.
Có một điều rõ ràng: trong các lĩnh vực Huawei hoạt động, cơ sở hạ tầng viễn thông của hãng này có giá rẻ hơn. Huawei đánh bại Ericsson và Nokia về giá cả trong cuộc đua xây dựng mạng 5G.
Một số nước “không có vấn đề gì với các cáo buộc về an ninh, nếu giá cả phải chăng”, ông Jeffrey Towson, một nhà đầu tư và giáo sư dạy môn đầu tư ở Đại học Bắc Kinh, nói với Nikkei Asian Review. “Trong những thị trường không coi đó là vấn đề nhạy cảm, Huawei chắc sẽ rất thành công”.
Ở Thâm Quyến, nơi được coi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, nhìn nhận về thương chiến Mỹ - Trung đã khác hẳn kể từ lệnh cấm vận Huawei. “Người Thâm Quyến cảm thấy đoàn kết và yêu nước hơn, vì cho rằng Thâm Quyến đang bị Mỹ tấn công”, một nhân viên công nghệ cho biết.
Một dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc: Ảnh: Bloomberg. |
Tương lai của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung thực sự khó đoán. Phương Tây cho rằng sức ép thương mại sẽ buộc Trung Quốc có những thay đổi mang tính cấu trúc về chính trị, kinh tế, công nghiệp. Nhưng “áp lực đó có thể khiến các công ty công nghệ tự phát minh và bớt phụ thuộc vào Android, Qualcomm hay Intel”, một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thâm Quyến nói.
Tuy nhiên, “việc Trung Quốc cắt bỏ hoàn toàn nguồn cung toàn cầu là không thể”, theo Paul Triolo, Giám đốc Nghiên cứu Công nghệ ở Eurasia Group. Ông cho rằng Trung Quốc “sẽ phụ thuộc lớn vào các nhà cung cấp Mỹ, Nhật và châu Âu”.
Một số đối tác công nghệ vẫn đang đứng cạnh Trung Quốc, ít nhất vào thời điểm này. TSMC của Đài Loan, công ty chế tạo linh kiện bán dẫn độc lập lớn nhất thế giới, cho biết vẫn sẽ tiếp tục bán cho Huawei, vì phần công nghệ Mỹ trong sản phẩm của họ chỉ dưới 25% và không thuộc diện bị cấm. Các công ty SK Hynix của Hàn Quốc và Sony của Nhật Bản dự kiến tiếp tục cung cấp cho Huawei. Đối với Mỹ, cấm vận ngành công nghệ Trung Quốc, vốn có chuỗi cung ứng đa dạng, dường như khó hơn cấm vận dầu Iran.
Trở lại Quý Dương, dự án của Apple vẫn bất trắc. Nhưng Apple có thể tự tin rằng nếu Trung Quốc dập tắt liên doanh này để trả đũa ông Trump, các đối tác Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn Apple.
“Trung Quốc vẫn cần phải tiến xa hơn nữa thì mới có thể cạnh tranh với công nghệ Mỹ, cho nên tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ trả đũa công ty Mỹ”, ông Triolo nói.
“Và Trump cũng cần một thỏa thuận thương mại nhiều hơn ông Tập”.
Đó là những động lực có thể khiến hai nước không đi quá xa trong các tranh chấp thương mại, và tránh cuộc "Chiến tranh Lạnh" công nghệ sẽ khiến “bức màn sắt" của thế kỷ 21 sập xuống.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn