Không biết địa chỉ của bị đơn, có tiến hành khởi kiện được không?

Thứ ba - 24/03/2020 03:38
(TVLMP) - Ông Lê Thành Tư ở Mỹ Cát, Phù Mỹ, Bình Định đã gọi điện đến Tư vấn luật miễn phí (tuvanluatmienphi.net.vn) nhờ luật sư tư vấn nội dung sau: Ông có cho ông A vay số tiền 200 triệu đồng, việc cho vay được lập thành văn bản, thời hạn vay đến tháng 6/2019, tuy nhiên đến nay đã trễ 05 tháng mà ông A chỉ trả được cho tôi số tiền lãi hàng tháng mà không chịu trả số tiền nợ gốc cho tôi. Hiện nay thì ông đã mất liên lạc với ông A, ông tới nhà ông A tìm cũng không có mặt ông tại địa phương. Vậy ông có thể tiến hành khởi kiện ông A để yêu cầu ông A trả tiền cho ông được hay không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không biết địa chỉ của bị đơn, có tiến hành khởi kiện được không?

Nội dung ông Tư hỏi, Luật sư Lê Hoài Sơn của Tư vấn luật miễn phí xin trả lời, như sau:

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định Thẩm phám sẽ trả lại Đơn khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán.

Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không cơ nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tính giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Việc ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được hướng dẫn như sau:

Tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án quy định “Địa chỉ cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được xác định như sau: Nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống thì nơi cư trú của họ là địa chỉ chỗ ở hợp pháp mà người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường trú hoặc tạm trú hoặc đang sinh sống theo quy định của Luật cư trú”.

Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Toà án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP).

Trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết này thì Toà án phải nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

Theo đó, trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Toà án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Toà án giải quyết như sau: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi cư trú có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tính giấu địa chỉ và Toà án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” (điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP).

Trường hợp không thuộc quy định nêu trên mà Toà án yêu cầu bạn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng bạn không cung cấp được thì bạn có quyền yêu cầu Toà án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp Toà án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (điểm c, khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP).

Như vậy, trong trường hợp này, để Toà án thụ lý vụ án thì bạn cần phải cung cấp, ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, đồng thời, cung cấp các chứng cứ chứng minh địa chỉ này là của người bị kiện thì Toà án sẽ tiến hành nhận đơn khởi kiện của bạn và thụ lý, giải quyết.

Trường hợp sau khi vụ án đã được Toà án thụ lý mà Toà án vẫn không gửi được văn bản cho bị đơn, nhưng bạn đã ghi đúng địa chỉ của bị đơn theo như Giấy cho vay mượn tiền thì Toà án vẫn tiến hành giải quyết theo quy định pháp luật mà không đình chỉ vụ án.

Nếu như Toà án vẫn ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do bạn không cung cấp được địa chỉ mới của bị đơn, bạn có quyền thực hiện việc khiếu nại quyết định này. Cụ thể, theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Toà án trả lại đơn khởi kiện

Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chán án Toà án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham giải của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp”.

Tác giả bài viết: Luật sư L.H.S

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây