Khoản 1 Điều 279 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội nhận hối lộ như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào...”.
Từ đây có thể thấy để xử lý hình sự một người về tội nhận hối lộ thì người đó phải là người có chức vụ, quyền hạn (nếu không có chức vụ, quyền hạn thì họ chỉ có thể là đồng phạm tội này với vai trò người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức).
Theo Điều 277 BLHS thì “người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”.
Như vậy, để coi ông Tuấn và ông Nam là người có chức vụ, quyền hạn thì phải thỏa mãn cả hai điều kiện: (1) Được giao thực hiện một công vụ nhất định; (2) Có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ đó.
Sau phiên tòa, PV Pháp Luật TP.HCM (phải) đã trao tiền của bạn đọc hỗ trợ hai nông dân bị kết án. Ảnh: BPN
Thứ nhất, theo hồ sơ, ông Nam là thôn trưởng thôn Lò To, xã Hàm Cần. Tháng 4-2011, ông Nam được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng làm tổ trưởng và ông Tuấn làm tổ phó tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý. Nhiệm vụ của hai người là nhận giấy đề nghị vay vốn của người nghèo; tổ chức họp để bình xét cho vay; lập danh sách các gia đình cần vay rồi lập hồ sơ gửi cho ban giảm nghèo cấp xã. Sau đó, họ trình hồ sơ cho UBND xã xác nhận rồi chuyển lên Ngân hàng CSXH huyện làm thủ tục vay, ký nhận tiền mang về cho các hộ dân nghèo.
Ngoài ra, hai người này còn có nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn và xác minh đề nghị gia hạn nợ cho những gia đình khó khăn.
Tại phiên tòa, người đại diện của Ngân hàng CSXH huyện xác nhận như trên và khẳng định hai bị cáo không có thêm quyền hạn gì trong việc quyết định cho vay hoặc từ chối vay.
Rõ ràng, theo hợp đồng với ngân hàng thì ông Nam và ông Tuấn có tham gia một số việc hỗ trợ cho hoạt động cho vay của ngân hàng nhưng không có quyền hạn trong việc quyết định cho vay hoặc từ chối vay đối với những nông dân. Nói cách khác, ông Nam và ông Tuấn không có quyền ra những quyết định ảnh hưởng đến việc cho vay của ngân hàng. Điều đó cũng có nghĩa là ông Nam và ông Tuấn không phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc cho vay của ngân hàng do không đảm bảo dấu hiệu “có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ đó”.
Thứ hai, để xử lý ông Nam và ông Tuấn phạm tội nhận hối lộ thì phải chứng minh hai ông này nhận tiền để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ xâm phạm hoạt động đúng đắn của ngân hàng trong việc cho vay. Tuy nhiên, do ông Nam và ông Tuấn không có quyền hạn cho vay hoặc không cho vay nên không thể xâm phạm hoạt động đúng đắn của ngân hàng trong việc cho vay.
Ngoài ra, những người đưa tiền cho ông Nam và ông Tuấn để các ông làm giúp các thủ tục vay tiền ngân hàng. Hành vi này không phải là hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của ngân hàng. Do đó họ cũng không phải là người đưa hối lộ và ông Nam, ông Tuấn không phải là người nhận hối lộ.
Với các lập luận nêu trên có thể kết luận: (1) Ông Nam và ông Tuấn không phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc cho vay vốn của ngân hàng; (2) Ông Nam và ông Tuấn không có (và cũng không thể có) hành vi nào xâm phạm hoạt động đúng đắn của ngân hàng trong việc cho vay. Do đó ông Nam và ông Tuấn không thể phạm tội nhận hối lộ. Nói cách khác, ông Nam và ông Tuấn hoàn toàn bị oan.
________________________________
|
Tác giả bài viết: TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM
Nguồn tin: PLO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn