Khi những doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được phá sản
Thứ hai - 10/07/2017 22:22
(PL News) - Bản tin kinh tế nóng sốt nhất ngày hôm qua là việc Bộ Công Thương chính thức cho phá sản Nhà máy Nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ và Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Nhưng không lạ, đây không phải là loại tin phản ánh sức khỏe của nền kinh tế mà lại là một chỉ dấu tích cực cho sự thay đổi tư duy quản lý kinh tế.
Chúng tôi mạnh dạn sử dụng chữ “được”! Vâng, phải nói là “được phá sản”, được khai tử. Nguyên nhân rất rõ ràng, 2 doanh nghiệp này đã “chết” từ lâu rồi, nhưng thay vì được phá sản, chúng bị buộc phải tồn tại vì những lý do không phải kinh tế.
Có vốn đầu tư ban đầu là khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỉ đồng, Ethanol Phú Thọ là dự án nguyên liệu sinh học nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học.
Tuy nhiên, dù đội vốn, dù lấy hết 50ha đất bờ xôi ruộng mật, nhà máy này đến nay vẫn “không một giọt sản phẩm”!
Trong khi đó, sau khi nhận chuyển giao Nhà máy đóng tàu Dung Quất từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin, PVN đã mất đứt cho Dung Quất thêm 5.000 tỉ đồng, trong đó có 3.100 tỉ chỉ là để trả nợ.
Báo cáo tài chính của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), kể từ khi tiếp nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN không những không giảm lỗ mà lỗ phát sinh kể từ tiếp nhận lên tới gần 2.500 tỉ đồng (chủ yếu do các khoản nợ cũ Vinashin với các tổ chức tín dụng phát sinh lãi chồng chất). Không chỉ vốn chủ sở hữu ở DQS bị âm tới 1.152 tỉ đồng, tổng các khoản nợ phải trả của DQS cũng lên tới trên 6.900 tỉ đồng.
Quá cay đắng.
Giá như Nhà máy đóng tàu Dung Quất được phá sản ngay, thay vì tái cơ cấu như một hình thức chia nợ, sẻ lỗ, hậu quả có khi đã không bi đát, tiền bạc đã không tiếp tục xuống sông xuống biển như vậy.
Việc đồng ý để 2, trong số 12 đại dự án ngàn tỉ đang thua lỗ trầm trọng “ được phá sản”, rõ ràng là một quyết định đúng.
Đúng, ở chỗ nó thôi vạ lây sang các DN khác nếu tiếp tục được tái cơ cấu. Đúng, ở việc trả lại những quy luật kinh tế: Thua lỗ thì phải phá sản. Và việc cho phá sản những DNNN làm mất vốn, kinh doanh thua lỗ kéo dài còn mở ra một tiền lệ, rằng mọi chỗ dựa, mọi đặc quyền đặc lợi cho DNNN không phải là vô tận và sẽ chấm dứt. Và vì thế, tác dụng của việc cho phá sản còn giống như việc đặt DNNN vào thế phải thực sự cạnh tranh với thương trường chứ không thể mãi bán rẻ đặc quyền để tồn tại.