Ở nơi không cần làm việc vẫn có tiền lương

Thứ năm - 23/02/2017 09:57
(PL News) - Nhiều thử nghiệm đang diễn ra trên thế giới để khám phá điều gì sẽ xảy ra khi mỗi người đều được đảm bảo có một số tiền tối thiểu để sống. Chính sách cấp tiến có thể định nghĩa lại quan hệ của con người với công việc
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Phần Lan vừa khởi động một thử nghiệm kinh tế cấp tiến, bắt đầu từ tháng 1/2017: Chính phủ cấp cho 2.000 người một số tiền miễn phí trong hai năm, đảm bảo họ có thu nhập tối thiểu.

Người tham dự được lựa chọn ngẫu nhiên từ những người đang nhận phúc lợi; mỗi người sẽ được nhận 560 euro (khoảng 600 đô la Mỹ) mỗi tháng và họ sẽ vẫn tiếp tục nhận tiền dù họ tìm được việc làm.

Thử nghiệm của Phần Lan là thử nghiệm có số lượng lớn nhất để tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra khi ta trao cho mỗi công dân một khoản thu nhập đảm bảo - một chính sách thường được gọi là thu nhập cơ bản phổ quát.

"Chúng tôi hi vọng thu nhập cơ bản sẽ giúp những người này có cảm giác được an toàn về mặt tài chính và có cơ hội chuẩn bị trước cuộc sống của họ," Marjukka Turunen ở Kela từ cơ quan bảo hiểm xã hội Phần Lan, đơn vị thực hiện cuộc thử nghiệm này, cho biết.

Đây là một đề xuất đơn giản nhưng cấp tiến. Một số người không thích ý tưởng chính phủ sẽ đưa tiền cho mọi người một cách bừa bãi. Một số khác lo ngại rằng thu nhập đảm bảo sẽ khiến khó mà tìm được người chịu làm những nghề cần thiết nhưng lại không được ưa chuộng.

Nhưng chính sách này đang được sự ủng hộ của thế giới, từ Thung lũng Silicon đến Ấn độ.

Ý thức từ cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều người nhận thấy thu nhập cơ bản phổ quát là cách tốt nhất để đổi mới hệ thống an sinh xã hội đầy trắc trở, và để ứng phó với những thách thức kinh tế nặng nề mà nhiều quốc gia phải đối mặt.

Có tiền vẫn không ngừng làm việc?

Thu nhập cơ bản giờ đây đã trở lại, nhưng ý tưởng này đã từng có một thời gian trước. Chẳng hạn như Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã thực hiện một cuộc thử nghiệm thành công cuối thập niên 1960.

Với Nixon, đó là cách hiệu quả để tái cấu trúc phúc lợi xã hội. Chính sách của ông đang được triển khai thì bị đình chỉ sau khi bị phản ứng dữ dội từ phe cánh hữu.

Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon từng thử nghiệm việc cung cấp mức thu nhập tối thiểu phổ quát cho người dân hồi thập niên 1960Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon từng thử nghiệm việc cung cấp mức thu nhập tối thiểu phổ quát cho người dân hồi thập niên 1960

Các nhà kinh tế học có ảnh hưởng trong thế kỷ 20 như Milton Friedman và Friedrich Hayek đều nghĩ một dạng nào đó của việc đảm bảo thu nhập là cách tốt nhất để các chính phủ giảm bớt đói nghèo.

Trong quyển sách tên Pháp luật, Pháp chế và Tự do (Law, Legislation and Liberty), Hayek mô tả đó là một cách để giúp mọi người được tự do kinh tế: "Đảm bảo một phần thu nhập tối thiểu nào đó cho mọi người, hoặc như một dạng của nền tảng mà không ai cần phải dựa vào thậm chí khi anh ta không thể tự cung cấp cho bản thân, có vẻ không chỉ là cách bảo vệ hoàn toàn hợp pháp chống lại nguy cơ chung với tất cả mọi người, mà còn là một phần quan trọng trong Xã hội Vĩ đại, nơi các cá nhân không có một tuyên bố cụ thể với các thành viên trong nhóm nhỏ, nơi anh ta sinh ra."

Khi phúc lợi xã hội gặp áp lực này càng lớn từ tài chính, chính trị, một số người coi thu nhập cơ bản là giải pháp rõ ràng. Cung cấp một khoản thu nhập cơ bản thực ra là rẻ hơn hệ thống phúc lợi hiện thời, chủ yếu là vì chi phí áp dụng và quản lý sẽ rẻ hơn khi chi trả như nhau cho tất cả mọi người.

Nhưng nhiều người đã quay trở lại với ý tưởng ngày nay vì họ nhìn nhận thu nhập cơ bản là cách để bảo vệ mọi người khỏi nền kinh tế toàn cầu với biến động liên tục. Chấn động của khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn còn kéo dài.

Nhưng cũng có nhiều lo ngại dấy lên về những nguy cơ do quá trình tự động hóa, như việc đưa trí tuệ nhân tạo và robot vào môi trường làm việc. Thu nhập cơ bản có thể tạo khoảng trống cho con người nhìn nhận lại mối quan hệ của họ với thế giới đang thay đổi về mặt việc làm.

"Chúng tôi đang hi vọng mọi người sẽ sớm tìm kiếm việc làm bán thời gian hoặc bắt đầu mở mối kinh doanh riêng," Turunen nói.

Có một số bằng chứng cho thấy điều này có thể xảy ra. Vào năm 1968, Tổng thống Nixon yêu cầu tiến hành một thử nghiệm, theo đó 8.500 người được trao một khoản thu nhập cơ bản khoảng 1.600USD mỗi năm cho một gia đình bốn người (tương đương với 10.000 đô la Mỹ tính theo thời điểm hiện tại).

Số tiền miễn phí hầu như không mấy ảnh hưởng tới số giờ làm việc của những người tham gia, và những người giảm giờ đi làm kiếm tiền thì lại dùng thời gian bớt đi đó để tham gia vào các dự án xã hội có giá trị.

Theo nhà sử học Hà Lan Rutget Bregman, một người ủng hộ thu nhập cơ bản và là tác giả quyển sách "Utopia for Realists" (Utopia cho người thực dụng), cuộc thử nghiệm có tác động lớn với những người tham gia.

"Một bà mẹ đã có bằng tâm lý học và kiếm được công việc là trở thành nhà nghiên cứu," ông nói. "Một phụ nữ khác đã tham gia lớp học diễn viên trong khi chồng cô bắt đầu sáng tác âm nhạc." Người phụ nữ nói với các nhà nghiên cứu rằng bà và chồng bà đã trở thành những nghệ sĩ độc lập.

Thử nghiệm của Nixon cũng khám phá ra người trẻ có xu hướng dùng thời gian vào việc học hành nhiều hơn khi họ không đi làm.

Canada đã từng tiến hành một thử nghiệm tương tự vào thập niên 1970, chi cho 30% dân số trong một thị trấn nhỏ ở Dauphin, Manitoba mỗi người 15.000 đô la.

Một phân tích năm 2011 về cuộc thử nghiệm này do Evelyn Forget, nhà kinh tế học từ Đại học Manitoba, tiến hành, đã cho thấy tỷ lệ hoàn thành trung học gia tăng và tỷ lệ nhập viện giảm 8,5%. Tỷ lệ có việc làm trong số người lớn hoàn toàn không thay đổi.

Tuy đem lại những thành công rõ rệt, nhưng sự biến động của bầu không khí chính trị ở cả Hoa Kỳ và Canada đồng nghĩa với việc cả hai thử nghiệm đều không được mở rộng. Liệu mọi thứ có khác đi sau bốn thập niên?

Những người “chê” tiền miễn phí

Ontario ở Canada, Oakland ở California và Utrecht ở Hà Lan là ba địa điểm sẽ cùng với Phần Lan tiến hành những thử nghiệm mới.

Giới chức địa phương ở hai khu vực của Scotland cũng tuyên bố các kế hoạch tiến hành thử nghiệm, tại Glasgow và Fife. Các chính trị gia trên khắp châu Âu - trong đó có cả Jeremy Corbyn, lãnh đạo Đảng Lao động Anh - đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng này.

Liệu điều này có tạo ra khác biệt? Khoảng 5 triệu người được nhận phúc lợi xã hội ở Anh Quốc. Năm 2015, quỹ phúc lợi xã hội của quốc gia này là 258 tỷ bảng Anh (tương đương 320 tỷ đô la Mỹ).

Nếu quỹ này được chia đều ra cho khoảng 50 triệu người lớn ở Anh, mỗi người có thể được nhận khoảng 5.160 bảng Anh mỗi năm (khoảng 6.400 đô la Mỹ).

Số tiền này ít hơn rất nhiều con số 13.124 bảng Anh (16.280 đô la Mỹ) mà một người có thể kiếm được khi làm việc toàn thời gian với mức lương tối thiểu do chính phủ Anh quy định.

Rất nhiều người đấu tranh cho một thu nhập cơ bản phổ quát với số tiền nhiều hơn con số ở trên. Số tiền đó cũng thấp hơn số tiền mà nhiều người được nhận theo phúc lợi hiện tại - vốn sẽ bị thay thế bởi hệ thống thu nhập cơ bản.

Chẳng hạn như ở Anh, một người sau 25 tuổi thất nghiệp có thể được nhận đến 3.800 bảng Anh (khoảng 4.714 đô la Mỹ) mỗi năm khoản tiền trợ cấp tìm việc làm và nhận thêm trung bình là 4.992 bảng Anh (6.192 đô la Mỹ) trợ cấp chi phí nhà cửa.

Một khảo sát gần đây cho thấy 64% người ở Châu Âu và 62% người ở Anh sẽ bỏ phiếu chọn cách thử áp dụng chính sách thu nhập cơ bản.

Hồi năm ngoái, người dân Thụy Sỹ trong kỳ trưng cầu dân ý đã bác bỏ đề án cung cấp mức thu nhập tối thiểu cho mọi ngườiBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionHồi năm ngoái, người dân Thụy Sỹ trong kỳ trưng cầu dân ý đã bác bỏ đề án cung cấp mức thu nhập tối thiểu cho mọi người

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích ý tưởng này. Một cuộc trưng cầu dân ý ở Thụy Sĩ năm ngoái đã bác bỏ đề xuất cấp 2.500 franc Thụy Sĩ (tương đương 2.418 đô la Mỹ) mỗi tháng cho tất cả người lớn, còn mỗi trẻ em thì nhận được số tiền bằng một phần tư người lớn.

Những người phản đối kế hoạch thì cho rằng đề xuất sẽ dẫn đến tình trạng không có khả năng chi trả và sẽ khuyến khích mọi người bỏ việc, đặc biệt là những người làm công việc chân tay có thu nhập thấp. Ai mà muốn làm người quét dọn hay thu dọn rác nếu họ không bị buộc phải làm?

Nhưng những người ủng hộ thu nhập cơ bản nói số tiền này có thể thúc đẩy xã hội tái định nghĩa giá trị những việc làm như vậy và tưởng thưởng cho những ai nhận làm việc đó. Thật vậy, một thu nhập được đảm bảo - dù chỉ là khoản thêm thắt - cũng thách thức ý tưởng rằng con người chỉ là thành viên có giá trị trong xã hội nếu họ chịu làm việc.

Xã hội hiện đại xoay nặng nề quanh công việc. Việc làm là một phần quan trọng thể hiện danh tính của chúng ta. Tuy vậy, những công việc hiệu quả nhưng không được trả tiền như làm tình nguyện, việc nhà và chăm sóc cho người phụ thuộc luôn bị đánh giá thấp.

Godfrey Moase, nhà hoạt động và phó tổng thư ký chi nhánh Liên đoàn Lao động Quốc gia ở Melbourne, Úc đã tranh luận rằng thu nhập cơ bản sẽ biến đổi hoàn toàn quan hệ của chúng ta với công việc. "Hãy tưởng tượng tới tình trạng sự sáng tạo, sự đổi mới và các doanh nghiệp bị buông lỏng nếu mỗi công dân đều được đảm bảo mức sống," ông viết trên tờ Guardian năm 2013.

"Doanh nhân xã hội, các hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ có thể thành lập mà các thành viên không phải lo lắng hóa đơn kế tiếp sẽ ập đến từ đâu."

Một số người cho rằng điều này thậm chí còn giúp cải thiện tình trạng làm việc nữa. Nếu như người lao động cảm thấy có thể dễ dàng đi tìm kiếm việc làm thích hợp hơn thay vì phải dính vào bất kỳ việc gì mình xin được, thì họ có thể đòi hỏi được hưởng mức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào đó cũng là tin tốt. Những người phê phán như Dmytri Kleiner, tác giả quyển The Telekommunist Manifesto (Tuyên ngôn Telekommunist), tranh biện rằng chính sách có thể dẫn tới lạm phát vì nó khiến mọi người có nhiều tiền để tiêu xài hơn.

Cũng có những quan ngại là liệu thử nghiệm trong thời gian ngắn có thực sự phản ánh những biến đổi xã hội có thể có nếu thu nhập cơ bản thực sự được đưa vào ứng dụng lâu dài hay không.

Người tham dự thử nghiệm có thể dùng thời gian của họ để học hoặc đào tạo lại vì họ biết sẽ cần phải tìm việc làm trở lại khi kỳ thử nghiệm kết thúc.

Và giới hạn nhóm người tham gia thử nghiệm là những người đang nhận phúc lợi không cho ta biết điều gì về khả năng có thể xảy ra nếu mọi người đều được nhận thu nhập cơ bản.

Chúng ta sẽ chỉ biết liệu thu nhập đảm bảo có thách thức các ý tưởng hiện thời về công việc chỉ khi nào nó được áp dụng rộng rãi.

Cùng lúc đó, thử nghiệm ở Phần Lan cũng bị phê phán là không đủ mạnh. Với 560 euro mỗi tháng thì mỗi người tham dự sẽ không trang trải được gì nhiều trong một quốc gia như Phần Lan, nơi chi phí đời sống đắt đỏ.

Bất chấp những điều như vậy, sự chú ý từ cả hai bên tranh luận sẽ đều hướng về Phần Lan - và hướng về những thử nghiệm sắp tới - để xem một số tiền nhỏ miễn phí có tạo ra được khác biệt gì lớn hay không.

Tác giả bài viết: Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Nguồn tin:  (Theo BBC News):

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây