Đã đến lúc làm rõ nhiều ngàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm đến từ đâu?

Thứ năm - 23/02/2017 19:33
(PL News) - Năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức yêu cầu các trường Đại học, Cao đẳng phải công bố, công khai các số liệu điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp trên website của trường. 
Đã đến lúc làm rõ nhiều ngàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm đến từ đâu?

 

 Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đã đến lúc cần làm rõ nhiều ngàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm đến từ đâu và ai phải chịu trách nhiệm?

Bộ Giáo dục sẽ quy hoạch mạng lưới trường đại học theo tiêu chí nào?
Trường phải dừng tuyển sinh nếu khai không đúng tỷ lệ sinh viên có việc làm
Vẫn là câu hỏi vì sao hơn 200.000 sinh viên ra trường lại thất nghiệp?


Việc công khai này sẽ phản ánh một phần chất lượng đào tạo của nhà trường, giúp nhà trường cơ cấu lại ngành nghề đào tạo cho phù hợp với yêu cầu xã hội. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.Lê Quân - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm vừa là nghĩa vụ giải trình của trường đại học, vừa là phương thức để nhà trường quảng cáo về chất lượng đào tạo của nhà trường. 

Bởi tỷ lệ sinh viên có việc làm và có thu nhập cao là sứ mệnh và mục tiêu phấn đấu của các trường đại học. 

Ông Quân khẳng định tất cả các trường uy tín trên thế giới đều công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm. 

Ví dụ, tại Anh, các trường top 10 có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thường đạt trên 93%. 

Tại Pháp, bên cạnh công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm, các trường đại học công lập định kỳ 4 năm phải báo cáo Bộ về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp của từng ngành đào tạo, trên cơ sở đó Bộ quyết định cho phép trường tiếp tục duy trì ngành nghề đào tạo đó hay không.

Tạo động lực và áp lực để các trường đổi mới quản trị đại học

Theo ông Quân, nhiều trường đại học rất ít quan tâm đến đổi mới ngành nghề đào tạo mặc dù được tự chủ cao. Rất nhiều chương trình đào tạo và môn học vẫn được duy trì trong nhiều năm mà không chịu áp lực phải thay đổi. 

Nhưng khi phải công khai tỷ lệ việc làm sinh viên sau khi tốt nghiệp, các trường và các thầy cô buộc phải trả lời câu hỏi tại sao sinh viên ra trường lại không có việc làm, hoặc phải làm những công việc không đúng với ngành nghề đào tạo?

Tư duy quản trị đại học từ đó sẽ phải thay đổi từ việc đào tạo những gì xã hội cần chứ không phải những gì thầy, cô yêu thích hoặc có thế mạnh. 
PGS.Lê Quân - Trưởng ban tổ chức Ngày nhân sự Việt Nam (đứng thứ 4 từ trái qua phải) chụp ảnh kỉ niệm cùng các đại biểu doanh nhân (Ảnh nhân vật cung cấp)

Do đó, quản trị đại học sẽ quan tâm đồng bộ từ đầu vào - đầu ra và quá trình đào tạo.

Đặc biệt, xu hướng các trường phối kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo sẽ được đề cao. Nhà trường sẽ đẩy mạnh quá trình thực tập và hướng nghiệp, để làm sao sinh viên được tiếp cận sớm nhất với người sử dụng lao động chứ không chờ đến khi gần tốt nghiệp. 

Thực tế rất nhiều trường đại học quốc tế dành thời lượng cao để sinh viên đi thực tập hoặc học thực tế tại doanh nghiệp. 

Khi đó nhà trường vừa giảm được thời lượng lên lớp, tiết kiệm cơ sở vật chất và chi phí đào tạo, vừa tạo tăng khả năng tiếp cận thực tiễn của sinh viên.

Quan điểm lo sinh viên của mình thiếu và yếu kiến thức nên phải tăng thời lượng đào tạo tại trường sẽ phải thay đổi.

Xu hướng tới đây rất nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, gắn với nhu cầu của thị trường lao động được thu học phí cao. 

Khi đó các trường đại học phải thuyết phục người học về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Người học khi lựa chọn chương trình đào tạo, đồng nghĩa là phải đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức, sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Học để có việc làm khác với học để có bằng và học để thất nghiệp, mang nợ nần. 

Lúc đó, thay vì họ quan tâm con họ đạt 23 điểm thì sẽ đỗ trường nào thì họ sẽ phải quan tâm ngành nghề nào và trường nào phù hợp với con em mình”, ông Quân phân tích. 

Đóng cửa chương trình đào tạo không có nhu cầu 

PGS.Lê Quân nhìn nhận, năm 2017 khi Bộ quyết định các trường phải công khai tỷ lệ này, đây sẽ là một giải pháp để xã hội giám sát về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. 

Khi đó, các địa chỉ đào tạo không gắn với nhu cầu thị trường, tức là cung ứng nhân lực ra nhưng không được thị trường lao động chấp nhận sẽ bị đóng cửa hoặc sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Cần phải làm rõ nhiều ngàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm đến từ đâu và ai phải chịu trách nhiệm”, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh. 

Bên cạnh việc Bộ chủ động áp dụng chế tài "đóng cửa" các ngành nghề đào tạo, đơn vị đào tạo không đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, Chính phủ cũng nên cân nhắc để xóa bỏ cơ chế bao cấp trong đào tạo đại học. 

Trong xã hội chúng ta hiện nay vẫn còn rất nhiều gia đình, học sinh lựa chọn một chương trình đào tạo bởi học phí thấp và để đỗ đại học công lập. Vô hình chung sẽ có nhiều sinh viên theo học đại học nhưng không xác định được mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. 

Xóa bỏ cơ chế bao cấp để chuyển sang cơ chế đào tạo theo đặt hàng với các ngành nghề nhà nước phải đầu tư, xã hội hóa với những ngành nghề nhu cầu thị trường lao động lớn, sẽ tạo động lực và sức ép để các trường và thầy, cô quan tâm đến việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Khi đó người học và người thầy mới thực sự đóng vai trò trung tâm.

Hiện nay các trường có rất ít thông tin về sinh viên sau khi tốt nghiệp

Nhiều năm qua, báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy theo từng năm, một con số đáng chú ý, đó là nhiều trường công bố tỉ lệ gần 100% sinh viên có việc làm – con số này khiến dư luận băn khoăn. 

Và bản thân Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đặt ra nhiều câu hỏi.

Ông Quân cho rằng, các con số trong rất nhiều trường hợp là bốc thuốc; hoặc là kết quả có được dựa vào mẫu khảo sát chưa có tính đại diện. Thực tế nhiều nơi khi viết báo cáo, bệnh thành tích sẽ đẩy tỷ lệ này lên cao. 

Tôi nhớ cách đây nhiều năm, khi đọc báo cáo khảo sát thấy tỷ lệ có việc làm rất cao, tôi cho rà soát lại mới thấy hóa ra những người được hỏi đều là các cựu sinh viên thành đạt, có liên hệ mật thiết với nhà trường. Còn các sinh viên thất nghiệp, dường như nhà trường không thể liên hệ được. 

Như vậy, bản thân mẫu khảo sát chỉ dựa trên sinh viên tốt nghiệp còn giữ liên lạc với nhà trường thì đã không đúng rồi. Thực tế, chúng ta rất yếu về kết nối và có rất ít thông tin về sinh viên sau khi tốt nghiệp
”, PGS.Lê Quân nhấn mạnh. 

Do vậy, cần quan tâm đến cơ sở dữ liệu người học và tổ chức tốt công tác chăm sóc cựu sinh viên.

Bên cạnh đầu tư nhân lực và nguồn lực cho tuyển sinh, trường đại học cũng cần đầu tư tương xứng cho công tác cựu sinh viên. Cựu sinh viên là tài sản rất lớn của nhà trường. 

Thế nào là sinh viên tốt nghiệp “có việc làm” vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ

Theo PGS.Lê Quân, định nghĩa thế nào là “việc làm” đã được Tổ chức lao động Thế giới đưa ra. 

Có việc làm” được hiểu đơn giản đó là những người có một công việc được trả lương hoặc khởi nghiệp tự kinh doanh trong giai đoạn khảo sát

Các trường thường xác định sinh viên có việc làm là tại thời điểm khảo sát có làm bất cứ việc gì, tự làm hay làm cho cá nhân, tổ chức nào mà đem lại thu nhập hợp pháp. 

Tuy nhiên ông Quân cũng thừa nhận rằng, hiện nay hiểu thế nào là có việc làm còn gây nhiều tranh cãi.
 
Ví dụ, một sinh viên tốt nghiệp trường đại học nào đó, nhưng không có được việc làm đòi hỏi trình độ đại học, mà phải giấu bằng đại học đi để xin vào làm công nhân ở khu công nghiệp. Khi đó vẫn được hiểu là có việc làm, có thu nhập ổn định.

Nhưng việc làm đó lãng phí 4 năm học, và có thu nhập, có tương lai nghề nghiệp không tương xứng với thời gian và công sức đã bỏ ra. 

Do vậy, theo dự đoán của Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thời gian tới sẽ còn có nhiều tỷ lệ khác được các trường tự công khai để xã hội đánh giá cao hơn về trường như tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm phù hợp ngành nghề, hoặc phù hợp trình độ đại học, có thu nhập cao… 

Hầu hết các chương trình đào tạo thu học phí cao, chất lượng cao còn phải làm rõ thời gian bình quân bao lâu để có việc làm, và thu nhập bình quân là bao nhiêu để các gia đình cân nhắc tương xứng với mức học phí.

Ngày 28/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn 4806 về việc báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Nội dung báo cáo (tính theo ngành đào tạo) yêu cầu nêu rõ:

- Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra dựa trên 3 chỉ tiêu: Có việc làm, chưa có việc làm, chưa có việc làm và đang học nâng cao.

- Khu vực làm việc của sinh viên tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra sinh viên tốt nghiệp đang làm việc theo khu vực (khu vực nhà nước, tổ chức tư nhân, liên doanh với nước ngoài).

- Đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp: Báo cáo đánh giá tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp và đưa ra các kiến nghị trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy học hoặc những thay đổi khác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường.

Từ năm 2016, giám đốc các đại học, học viện; hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm triển khai việc thu thập thông tin, xây dựng và công bố báo cáo về việc làm của sinh viên chính quy, tốt nghiệp bằng thứ nhất (tính từ sinh viên tốt nghiệp năm 2015) trên trang thông tin điện tử của trường, đồng thời gửi báo cáo (kèm theo phụ lục và minh chứng về phương pháp, quy trình thực hiện báo cáo để phục vụ việc xác thực thông tin) về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 1/1 hằng năm (bắt đầu từ ngày 1/1/2017).

Nguồn tin: Theo Giaoduc.net.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây