Nợ xấu: “Cục máu đông” khó tan?

Thứ bảy - 27/05/2017 18:39
(PL News) - Nợ xấu từng được ví như “cục máu đông” của nền kinh tế khiến người ta phải mở cơ chế thành lập công ty mua bán nợ VAMC hòng “nhấc” nó ra khỏi “huyết mạch” ngân hàng. Tuy nhiên, nợ mua xong không tan đi mà đang “nằm im phình lên” bởi vướng vô số điểm mang tính pháp lý.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã trình bày trước Quốc hội bức tranh toàn cảnh về nợ xấu cũng như dự thảo Nghị quyết Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, bàn thảo và phê chuẩn. Tổng nợ nội bảng, ngoại bang, cả nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý xấp xỉ 10,8% tương đương gần 600 ngàn tỷ đồng. “NHNN xác định công bố đầy đủ, minh bạch, công khai, không giấu giếm gì”,Thống đốc chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.

Phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu quốc hội tranh luận nảy lửa về dự thảo cùng Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tại tổ 13, nơi có đoàn đại biểu Quảng Bình, với tư cách đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình mở màn nói về nợ xấu.“Cái rất thuận lợi hiện nay kể cả về Bộ Chính trị cũng như Đảng đoàn Quốc hội đều nhất trí cao là bảo đảm xử lý nợ xấu cho được thông thoáng. Khóa trước, người ta ví nợ xấu như cục máu đông trong nền kinh tế. Hình ảnh đó rất chính xác, nó cũng giống như anh em ta đến tuổi cứ tích tụ dần, làm cho đường ống dẫn máu ngày càng hẹp; hẹp quá ta gọi là tăng xông; anh nào nhẹ chữa được; anh nào nặng đi luôn”, người từng có thời phụ trách ngành ngân hàng nói. Ông so sánh: “Cơ chế xử lý nợ xấu giống bệnh tăng xông của con người. Đừng để nó tích tụ lại; phải xử lý thường xuyên, mạch máu mới tốt và mới không dẫn đến hệ luy, từ đó mới dẫn đến nền kinh tế tốt lên”.

Ông Bình nhấn mạnh mấy điểm cần lưu ý. Đó là xử lý nợ xấu góp phần đảm bảo quyền lợi người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng. Nếu nợ xấu được thông thoáng, tiền giải phóng ra lớn, chính tiền đó lại đưa vào nền kinh tế tạo vòng luân chuyển, cung cấp tiền cho các tổ chức tín dụng tăng lên. “Mấy ngày vừa rồi, chúng ta thảo luận tình hình kinh tế - xã hội thấy ngân sách hết sức khó khăn. Trong khi đó, muốn phát triển tăng trưởng như Quốc hội đề ra, phải trông cậy vào các tổ chức tín dụng, cho nên không có cách nào, phải sớm có nghị quyết. Sự cần thiết ban hành Nghị quyết là hết sức đúng đắn”, ông Bình nói.

Phải xác định chủng loại nợ xấu

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nói: “Tôi đồng ý nợ xấu là cục máu đông và Nghị quyết là liều thuốc xử lý cục máu đông đó, nhưng cũng phải phân định rõ ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Đề nghị phải báo cáo rõ nợ xấu từ đâu ra, có phải do thiên tai, người dân, dịch bệnh hay do lợi ích nhóm đến từ sự câu kết của ngân hàng với doanh nghiệp, có như vậy, Nghị quyết mới xử lý trúng”.

Đại biểu khác trong tổ thắc mắc về Điều 5 Nghị quyết quy định bán nợ xấu ra thị trường, trong có bán dưới giá, thấp hơn giá trị ghi sổ khoản nợ. “Điều này dễ tạo kẽ hở lắm, vậy bán thấp là thấp hơn bao nhiêu”, vị này hỏi. Đại biểu Vũ Xuân Cường (Lào Cai) cho rằng, cần bổ sung trong tờ trình nội dung về thực trạng tín dụng; tín dụng nhà nước hay nhân dân, nợ ngân hàng nhà nước hay ngân hàng cổ phần, đồng thời cần có phân tích nguyên nhân nợ xấu, cách thức xử lý…”.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk), với tư cách người đang xử lý nợ xấu hằng ngày, phát biểu: “Nguồn gốc nợ xấu thông thường đến từ 2 nguyên nhân, một là do cán bộ ngân hàng và người vay không tuân thủ; hai là do rủi ro khách quan. Có tín dụng thì có nợ xấu và nó là cái tích tụ. Cái lo lắng nhất của chúng ta trong các khoản nợ xấu này là của doanh nghiệp nhà nước bao nhiêu, của tư nhân bao nhiêu? Nghị quyết là cái ngọn để chữa bệnh tức thời”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: “Tôi đồng ý tính cấp bách phải làm Nghị quyết xử lý nợ xấu này vì lợi ích xã hội, lợi ích nhân dân và lợi ích chung tạo nguồn lực tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ những khoản nợ xấu nào vì lợi ích trên mới đưa vào Nghị quyết”. Theo ông Nghĩa, các khoản nợ được xem là có tính hợp pháp như khi điều tra ra do doanh nghiệp không may làm ăn thua lỗ…, còn nợ không hợp pháp ví như dòng tiền rót ra sân sau, chảy ra nước ngoài thua lỗ, do cá nhân sai phạm…

Tuy quan ngại việc đánh đồng các loại nợ xấu vào với nhau, chưa phân biệt đâu là nợ hợp pháp, nợ không hợp pháp. Tuy hầu hết các đại biểu đều nhất trí, cần thiết phải có nghị quyết như một liều thuốc mạnh, để thực sự đánh tan những khoản nợ xấu, giải nguy cho nền kinh tế.

Theo báo cáo của NHNN, đến hết năm 2016, tổng số nợ mà VAMC mua khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng và chỉ xử lý được khoảng 10% số nợ xấu được mua về. Theo báo cáo mới nhất của các tổ chức tín dụng (tháng 9/2016), tổng số nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong nội bảng, gồm cả nợ bán VAMC vào khoảng 400 nghìn tỷ, tương đương 5,8%/tổng dư nợ và nếu cộng cả những khoản nợ tiềm ẩn đã được chuyển đổi, có hơn 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu, chiếm khoảng 10%/tổng dư nợ tín dụng.

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây