Tinh giản biên chế: 'Giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi'

Thứ năm - 25/05/2017 18:44
Bộ trưởng Nội vụ kể trong quá trình làm việc về tinh giản biên chế với các địa phương, có nhiều ý kiến khác nhau. Tức là "giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”.
Tinh giản biên chế: 'Giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi'

 

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định bị cảnh cáo
Cảnh cáo 2 nguyên ủy viên TƯ, khiển trách Thứ trưởng Nội vụ
Giám đốc sở tuổi 30: Nhân tài thời nào cũng có
Ông Lê Trương Hải Hiếu: Tôi muốn giữ uy tín gia đình


Thảo luận tại tổ QH về tình hình kinh tế xã hội chiều nay, ĐB Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách nêu nhiều bất cập trong tổ chức bộ máy cũng như trong công tác cán bộ hiện nay.

Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ, trí tuệ còn đâu?

Theo ĐB Lê Thanh Vân, Bộ Nội vụ có ý tưởng xây dựng đề án vị trí việc làm nhưng không bắt đầu từ bộ máy, mà từ sự tưởng tượng ra công việc đó áng chừng bao nhiêu người. Như vậy không được, phải đi theo quy trình từ chức năng đến nhiệm vụ, từ nhiệm vụ đến việc làm, và từ việc làm đẻ ra lao động.

tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ, Lê Vĩnh Tân, vị trí việc làm
ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: T.Hằng


“Qua giám sát tôi thấy nhiều địa phương đã xây dựng được vị trí việc làm nhưng chưa phê duyệt được vì Bộ Nội vụ không đo đếm được. Ở trung ương ngồi định vị, ở dưới đưa lên không biết đúng hay sai, như vậy sẽ bị vênh. Chỉ có cách khoán biên chế, giao trách nhiệm cho người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ĐB Cà Mau nói.

Nói về chất lượng cán bộ, ĐB Lê Thanh Vân, chỉ ra tình trạng bằng nhiều con đường để đề bạt, cất nhắc, hiện tượng cả họ làm quan, bổ nhiệm thân hữu. “Như câu vè của dân gian hay nói: Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ, trí tuệ còn đâu?”, ĐB Vân băn khoăn.

Ông phân tích thêm, đầu tiên là con cháu họ hàng, sau có tiền, sau nữa là alo quan hệ gửi gắm trao đổi, làm gì có nhân tài.

“Nói thì hơi cực đoan nhưng đó là cảnh báo”, ông lưu ý và dẫn lại câu chuyện: “Dư luận gần đây nêu câu chuyện ở Đồng Tháp, giám đốc bệnh viện bổ nhiệm con trai bị động kinh, tôi không hiểu bộ máy này như thế nào".

“Chúng ta phải làm sao khống chế được tham nhũng trong công tác cán bộ, tôi rất tiếc trong bộ luật Hình sự vừa qua thiếu hẳn chế tài trong công tác cán bộ. Từ việc giới thiệu, đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm, nếu sai phạm làm trái phải trừng trị bằng luật hình sự, để thấy chỉ giới đỏ mà sợ không dám làm liều”, ĐB Vân đề nghị.

Phân cấp để ai làm sai, người đó chịu trách nhiệm

Trao đổi lại với ĐB Vân, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng việc phân cấp phân quyền hiện nay còn quá nhiều vấn đề.

tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ, Lê Vĩnh Tân, vị trí việc làm
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: T.Hằng


“Ví dụ như ngành nội vụ tuyển dụng không qua thi tuyển 1 công chức, 1 phòng ở cấp huyện phải lên Bộ trưởng Nội vụ, trong khi chủ tịch UBND tỉnh được giao bổ nhiệm đến GĐ sở, không qua Bộ”, ông chỉ ra bất cập.

Theo Bộ trưởng, có những việc rất nhỏ nhưng chúng ta làm quy trình thủ tục quá rườm rà, phức tạp. Vì vậy ông đề nghị 1 công việc không quá 2 cấp chịu trách nhiệm, tức là 1 cấp thực hiện, 1 cấp kiểm tra giám sát.

Nói về tinh giản biên chế, Bộ trưởng Tân cho biết, cứ 6 tháng địa phương tổng hợp báo cáo lên Bộ, Bộ thẩm tra, sau khi có thẩm định Bộ Tài chính căn cứ vào đó cấp kinh phí.

“Nhiều lần tôi nói với các địa phương là tôi xin ý kiến giao cho địa phương làm luôn, Bộ chỉ làm hậu kiểm. Quá nhiều cấp thẩm tra, thẩm định như thế này kéo dài thời gian, bộ máy rườm rà”, Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ.

 Ông cho biết, nhiệm vụ của Chính phủ, bộ ngành chỉ xây dựng thể chế, xây dựng chiến lược quy hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát. “Chính phủ mà lại xuống địa phương xem thừa bao nhiêu cấp phó thì đúng là không phù hợp”, Bộ trưởng lưu ý.

Ông nhận định phân cấp để ai làm sai người đó chịu trách nhiệm, chứ không phải khi làm sai lôi hết cơ quan này, cơ quan kia ra chịu trách nhiệm.

Phân tích câu chuyện tinh giản biên chế, Bộ trưởng Tân cho rằng cần nhìn tư gốc của nó từ luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định số lượng cấp phó và nghị quyết của QH xếp loại đơn vị hành chính có liên quan mật thiết nhau. Xếp loại đơn vị hành chính cao hơn thì số lượng cấp phó nhiều hơn.

“Tôi thấy bây giờ nhiều việc của các sở đều đẩy lên chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh hết”, Bộ trưởng Tân kể.

Theo ông, cấp trưởng thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ là thành viên UB, tự xử lý và chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình, còn cấp phó chỉ giải quyết liên ngành.

Nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức thì không tinh giản được.

“Đi làm việc với các địa phương, tôi thấy hiện nay có một nhầm lẫn lớn là người ta đổ cho tăng biên chế là do vị trí việc làm. Hoàn toàn không phải. Đề án vị trí việc làm không có tội lỗi gì trong việc tăng biên chế”, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.

Ông cho rằng vấn đề quan trọng trong vị trí việc làm là mô tả công việc theo chức năng nhiệm vụ, ngạch bậc của công chức, viên chức.

Giải đáp băn khoăn của ĐB Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Tân cho hay, đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần, Bộ Nội vụ ủy quyền chủ tịch tỉnh và bộ trưởng các bộ phê duyệt đề án vị trí việc làm. Đối với đơn vị tự chủ hoàn toàn thì giao đơn vị ấy tự phê duyệt chứ Bộ Nội vụ không phê duyệt nữa.

Về việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, Bộ trưởng Nội vụ kể trong quá trình làm việc với các địa phương có nhiều ý kiến khác nhau: “Tức là giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây