>>Những băn khoăn về chủ trương bỏ biên chế giáo viên >> Cạnh tranh có tạo ra động lực cho các nhà giáo? >> Bỏ biên chế và nỗi lo của giáo viên |
Hầu như hằng tuần, tôi đều tiếp xúc với giáo viên tiểu học, trong đó có cả những giáo viên thâm niên cao lẫn giáo viên mới vào nghề một thời gian nhắn và nhận thấy rằng khá nhiều người có năng lực chuyên môn hạn chế, thậm chí có giáo viên không trả lời được những câu hỏi rất đơn giản về chuyên môn của mình.
Tôi nghe nói rằng còn có những giáo viên "trống vào thì vào, trống ra thì ra", tức là, họ chỉ cần biết họ có mặt ở trường đúng giờ, dạy theo chương trình, theo thời khóa biểu là coi như hết trách nhiệm. Những giáo viên này ít quan tâm đến việc học sinh học tập thế nào nên họ không cần trau dồi chuyên môn của mình.
Tôi tán đồng với quan điểm cho rằng, chất lượng giáo dục không thể vượt qua được trình độ giáo viên, thầy có giỏi thì mới có trò giỏi. Điều này càng quan ngại hơn khi mà hiện nay nghề dạy học ít hấp dẫn đối với nhiều học sinh giỏi.
Tôi tin tưởng vào quan niệm hiện đại cho rằng mọi học sinhđều thông minh. Tôi luôn nghĩ, trí tuệ con người Việt Nam mình không hề thua kém các nước khác. Tôi từng đọc được trên báo chí rằng, người Việt mình luôn nằm trong nhóm học sinh, sinh viên dẫn đầu ở các trường học nước ngoài.
Tôi không hài lòng với chất lượng giáo dục của các trường công lập hiện nay. Tôi nghĩ rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn rất nhiều. Ta đừng lấy kết quả các cuộc thi Olimpic quốc tế hay PISA làm "tấm màn thưa" để che đi thực trạng hiện nay.
Quản lí giáo dục phải đi trước một bước
Tôi cứ suy nghĩ, nếu so sánh chất lượng giáo dục trường công lập và trường dân lập, thì chất lượng các trường dân lập tốt hơn công lập (mặt bằng chung) mà cũng là học sinh và giáo viên người Việt Nam cả thôi. Tại sao, đó là do yếu tố quản lí giáo dục?
Tôi cho rằng, muốn tạo ra sức bật cho chất lượng giáo dục, trước hết, cần tạo ra một động lực để giáo viên đương nhiệm nỗ lực, cố gắng nhằm nâng cao năng lực sư phạm của mình, để những học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm. Yếu tố quan trọng nhất tạo ra động lực đó phải là cơ chế quản lý giáo dục và đồng lương.
Tôi coi quản lý giáo dục như "đầu tàu" nên nó phải "khỏe" để kéo được "đoàn tàu", nhờ đó mà bảo đảm được chất lượng và hiệu quả giáo dục cao.
Do đó, nếu Bộ GD-ĐT có chủ trương (dự kiến) xóa bỏ biên chế giáo viên, chuyển sang hợp đồng... thì, theo tôi, đổi mới quản lý giáo dục phải đi trước một bước.
Trước hết, mấy vấn đề về quản lý giáo dục đặt ra cần giải quyết là:
1) Hiệu trưởng ở đâu ra, giáo viên có được quyền bầu hiệu trưởng không?
2) Cơ chế nào kiểm soát hoạt động của hiệu trưởng, giáo viên có được tham gia việc này không?
3) Vai trò chuyên môn của Phòng, Sở GD-ĐT là gì, giáo viên có được hỗ trợ không?
4) Để bảo đảm tính khách quan và công bằng, việc đánh giá giáo viên dựa vào những tiêu chí nào và như thế nào, giáo viên được tham gia không?
5) Tiếng nói của giáo viên như thế nào trong nhà trường?
Tôi tin rằng, với cơ chế phù hợp, trong đó giáo viên được đánh giá công bằng và khách quan, được trả đồng lương xứng đáng và đủ sống, được tôn trọng và được lắng nghe trong môi trường giáo dục thân thiện và lành mạnh, được giúp đỡ về chuyên môn thì họ sẽ góp phần đưa chất lượng giáo dục đi lên.
Tôi cho rằng, nếu chỉ "nhắm" vào giáo viên mà cơ chế quản lý giáo dục không thay đổi thì tình hình chắc chắn sẽ tệ hơn nhiều. Khi đó, kẻ thiệt thòi trước hết là học sinh; sau đó là gia đình, xã hội.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Hợp (Trường ĐHSP Hà Nội)
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn